Đến với Nguyễn Du là niềm vui và hạnh phúc lớn

(Baohatinh.vn) - Sau nhà văn Nam Cao và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tên tuổi mới đến với tôi - đó là Đại thi hào Nguyễn Du, như là đích đến và là hạnh phúc lớn trên chặng cuối hành trình nghề nghiệp của mình, trong trọn vẹn thập niên thứ hai thế kỷ XXI...

Đến với Nguyễn Du là niềm vui và hạnh phúc lớn

Giáo sư Phong Lê. (Ảnh: Minh Thành)

Cuối 1959, tốt nghiệp Khoa Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa I (1956-1959), tôi được phân công về Viện Văn học Ủy ban Khoa học Nhà nước. Đầu 1960, tôi được nhà phê bình Hoài Thanh - Phó Viện trưởng và Thư ký Tòa soạn Tập san Nghiên cứu văn học giao nhiệm vụ tập sự nghiên cứu ở Tổ Văn học Việt Nam hiện đại.

Tác giả đầu tiên chiếm trọn niềm say mê, hứng khởi của tôi - đó là Nam Cao, người khai sinh Chí Phèo - năm 1941, và để lại bản thảo tiểu thuyết Sống mòn viết xong năm 1944, trước khi lên Chiến khu Việt Bắc - “Ở rừng” và hy sinh trong một chuyến công tác về vùng hậu địch Liên khu 3 năm 1951 ở tuổi 35.

Kể từ hai bài viết đầu tay đến cuốn sách đầu tiên: Nam Cao - Phác thảo sự nghiệp và chân dung (Nxb. Khoa học xã hội, 1997), rồi cuối cùng: Nam Cao - Sự nghiệp và chân dung (Nxb. Thông tin - Truyền thông, 2014) là độ dài gần 55 năm tôi theo đuổi một tên tuổi Nam Cao - người có sứ mệnh “kết thúc vẻ vang trào lưu văn học hiện thực”. Tức là người có công đầu, hoặc đứng ở hàng đầu một đội ngũ nhà văn làm nên mùa gặt ngoạn mục 1930-1945. Một đội ngũ ở cả ba dòng: lãng mạn, hiện thực và cách mạng đã thực hiện được tối ưu yêu cầu hiện đại hóa đặt ra cho văn học hiện đại Việt Nam, với hành trình xuyên suốt hơn 100 năm, qua các mốc lịch sử 1930, 1945, 1975... cho đến 1995 và 2000...

Nhưng với văn học Việt Nam, với nền văn chương - học thuật Việt Nam, bên cạnh yêu cầu hiện đại hóa để vươn tới một trình độ văn minh cao cho kịp với phương Tây, còn có một yêu cầu khác, cũng không kém khẩn thiết là yêu cầu cách mạng hóa để đưa dân tộc thoát khỏi tình cảnh mất nước sau 80 năm nô lệ và tình trạng trì trệ hàng nghìn năm. Yêu cầu này cũng rất sớm được giải quyết với tên tuổi một người mở đường, rồi dẫn đường - có cái tên đầu là Nguyễn Ái Quốc và về sau là Hồ Chí Minh, qua một hành trình chẵn 30 năm xa xứ (1911-1941) cùng với 50 năm viết trên cả ba ngôn ngữ: Pháp, Hán, Việt, bắt đầu từ Yêu sách của nhân dân An Nam (1919) qua Đường Kách mệnh (1927), Ngục trung nhật ký (1943), Tuyên ngôn Độc lập (1945) đến Di chúc (1969). Một hành trình 50 năm, với một sự nghiệp văn thơ, thỏa mãn được tối ưu cả hai yêu cầu hiện đại hóa và cách mạng hóa mà Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là một tên tuổi gần như là duy nhất đứng ở hàng đầu.

Vậy là sau Nam Cao, cùng hàng chục tác gia tiêu biểu trước 1945 làm nên một thế hệ vàng từ Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng... đến Xuân Diệu, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài..., phải đến thập niên 1970, tôi mới có được cái hạnh phúc thâm nhập vào thế giới nghệ thuật thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, qua bài viết đầu tiên: Thơ văn Bác Hồ: nền móng và tinh hoa của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Tạp chí văn học số 2 - 1977; và tiếp đó, 9 năm sau là cuốn sách đầu tiên: Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn học Việt Nam hiện đại (Nxb. Khoa học xã hội, 1986).

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm năm sinh Hồ Chí Minh, cũng là năm tổ chức UNESCO tôn vinh Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa thế giới, trong tư cách là Viện trưởng Viện Văn học, tôi vinh dự được mời tham gia Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm và hội thảo khoa học về Hồ Chí Minh của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam; rồi được giao công việc biên tập phần Danh nhân văn hóa trong công trình chung của Ủy ban, có tên: Hồ Chí Minh: Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới (Nxb. Khoa học xã hội, 1990).

Năm 2000, trên cơ sở tổng hợp các kết quả nghiên cứu về sự nghiệp thơ văn Hồ Chí Minh trong hơn 20 năm, tôi in cuốn sách có tên: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Hành trình thơ văn - Hành trình dân tộc (Nxb. Lao động, 2000 - Nxb. Công an nhân dân - tái bản, 2006). Đây là công trình nhằm hướng tới một chân dung về Hồ Chí Minh trong hai tư cách: Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới; và với sự đáp ứng tối ưu hai yêu cầu hiện đại hóa và cách mạng hóa đặt ra cho văn học Việt Nam hiện đại. 12 năm sau tôi viết tiếp cuốn Thơ văn Hồ Chí Minh: những giá trị vĩnh cửu (Nxb. Văn hóa - văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2012); rồi 7 năm tiếp theo, là cuốn Nửa thế kỷ văn thơ Hồ Chí Minh (Nxb. Thông tin Truyền thông, 2019). Cả hai cuốn sách này đều được nhận Giải A Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Ban Tuyên giáo Trung ương vào năm 2014 và 2020.

Đến với Nguyễn Du là niềm vui và hạnh phúc lớn

Cuốn sách Nguyễn Du - Hồ Chí Minh và Người xứ Nghệ (Ảnh: Internet).

Sau Nam Cao và Hồ Chí Minh, một tên tuổi mới đến với tôi - đó là Nguyễn Du, như là đích đến và là hạnh phúc lớn trên chặng cuối hành trình nghề nghiệp của mình, trong trọn vẹn thập niên thứ hai thế kỷ XXI.

Đó là một thời gian rất đặc biệt, hoặc rất hiếm hoi, hội được hai thời điểm quan trọng đối với lịch sử văn hóa dân tộc nói chung và với Nguyễn Du nói riêng. Đó là kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du vào năm 2015 và tưởng niệm 200 năm năm mất Nguyễn Du vào năm 2020. Thời điểm đòi hỏi hoặc tạo cơ hội cho sự ra đời một hội nghề nghiệp có tên là Hội Kiều học Việt Nam, lấy mục tiêu tiếp cận, phổ cập, quảng bá, vinh danh các giá trị nhân văn, xuyên thời đại của Nguyễn Du làm nhiệm vụ.

10 năm - từ 2011 đến 2020, khi được tham gia vào BCH Hội Kiều học và được giao cương vị Phó Chủ tịch Thường trực, giúp đỡ Chủ tịch Nguyễn Văn Hoàn - từ 2011-2015, rồi nhận chức trách Chủ tịch Hội từ 2015 - năm PGS. Nguyễn Văn Hoàn đột ngột qua đời, đến 2020, đó là 10 năm tôi có được hạnh phúc đến với một di sản văn hóa - tinh thần ở đỉnh cao các giá trị dân tộc và nhân loại mang tên Nguyễn Du - người 2 lần được nhân loại tôn vinh, vào năm 1965 - nhân 200 năm năm sinh và năm 2015 - nhân 250 năm năm sinh. Bên cạnh vinh dự lớn lao đó, tôi còn có thêm một hạnh phúc ấm áp được là một hậu sinh bé mọn có cùng quê hương với Nguyễn Du - mang tên xứ Nghệ nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.

10 năm - trong cương vị Phó Chủ tịch Thường trực và Chủ tịch Hội Kiều học, tôi đã cùng các đồng nghiệp trong hội làm được một số công việc có ý nghĩa đóng góp vào việc phát hiện, quảng bá và tôn vinh các giá trị tinh thần bất hủ ở Nguyễn Du.

Đó là trên 8 hội thảo quốc gia tôi có vai trò chủ trì hoặc đồng chủ trì với các đề dẫn và tổng kết cùng với các tên sách hoặc kỷ yếu được ấn hành ngay sau hội thảo. Đó là 2 cuộc thi: Sáng tác Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du và Bạn đọc thuộc Kiều, cùng một cuộc Tuyển chọn sách hay về Nguyễn Du và Truyện Kiều (2011-2022) - có tầm phủ sóng lớn, được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhiều giới bạn đọc trong cả nước...

Cùng với vai trò tổ chức và chủ trì các hoạt động chung của hội, trong sự phối hợp gắn kết với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam là các bài viết về Nguyễn Du nhằm tỏa rộng và khơi sâu vào các giá trị bất tận của Nguyễn Du cho quê hương, cho dân tộc và nhân loại, như các bài: Nếu có một Hội Kiều học..., Đời đọc Nguyễn Du và Nguyễn Du cho đời đọc, Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác “Truyện Kiều”, Một định vị về Nguyễn Du cho hôm nay và cho mãi mãi, Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du...

Bên các bài viết là một tên sách Nguyễn Du - Hồ Chí Minh và người xứ Nghệ (Nxb. Đại học Vinh, 2008) được nhận tặng thưởng VHNT Nguyễn Du năm 2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Không phải hoặc chưa phải là chuyên gia về Nguyễn Du và văn học Việt Nam trung đại mà chỉ là một tín đồ của Nguyễn Du như bất cứ một công dân Việt Nam nào khác, tôi chỉ có thể đến với những mục tiêu nhỏ trong một hạnh phúc lớn là được góp mặt vào dàn đồng ca, dàn giao hưởng tôn vinh Nguyễn Du trong hơn 10 năm, qua 2 nhiệm kỳ hoạt động của Hội Kiều học Việt Nam. Nhờ vào đó, như một cơ duyên mà tôi có một chặng đường nghề nghiệp, nhiều bận rộn và cũng thật nhiều sôi nổi và ấm áp trong tư cách một người nghiên cứu văn học hiện đại nói riêng và văn học dân tộc nói chung; và cả trong tư cách một người con xứ Nghệ có 18 năm ở quê sinh Hà Tĩnh và hơn 65 năm nơi quê ở là Thăng Long - Hà Nội, cả hai trong gắn kết và càng thêm gắn kết trong chặng cuối đường đời và hành trình nghề nghiệp của mình.

Với bài viết này, nhân dịp năm mới 2024, tôi muốn tỏ lời tri ân với tất cả các bậc thầy và bạn nghề trong hơn 60 năm qua; cùng với các bậc sinh thành có gốc quê - nơi chôn rau cắt rốn là xã Sơn Trà (có tên cũ là Đôn Mỹ), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Và, tri ân quê hương Hà Tĩnh - một cái tên riêng bỗng trở nên rất thân thương và vô cùng trân quý đối với tôi, bởi nơi đó có một địa chỉ thiêng liêng cho cả nước và thế giới ngưỡng vọng. Đó là Tiên Điền - Nghi Xuân, quê tổ của Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những làn điệu ví, giặm ngọt ngào đang ngày ngày được lan tỏa nhờ các tài năng nhí ở Hà Tĩnh. Giọng hát của các em góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Tuổi cao nêu gương sáng

Tuổi cao nêu gương sáng

Không chỉ có lối sống mẫu mực, giáo dục con cháu sống hiếu thuận, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh còn đi đầu, bước trước, thể hiện vai trò nêu gương sáng trong cộng đồng.
Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình địa chí tổng quan về văn hóa, con người núi Hồng, sông La.
"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"...

"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"...

Không ít lần trắng tay sau những cuộc tiên phong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhưng bằng ý chí, quyết tâm của người lính cụ Hồ, ông Hoàng Ngọc Trà (xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã vượt khó vươn lên phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.
"Quả ngọt" nông thôn mới Ân Phú

"Quả ngọt" nông thôn mới Ân Phú

Cảnh quan xanh mát, hạ tầng đồng bộ, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao… là những “quả ngọt” mà xã Ân Phú (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã gặt hái được trên hành trình bền bỉ xây dựng nông thôn mới.
Huyền thoại Xô viết ở Phù Lưu Thượng...

Huyền thoại Xô viết ở Phù Lưu Thượng...

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Phù Lưu Thượng nay là xã Hồng Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã gửi vào tâm thức thế hệ trẻ niềm tự hào, biết ơn để nỗ lực hơn trong cống hiến xây dựng quê hương.
20 giếng cổ ở Lộc Hà được trùng tu như thế nào?

20 giếng cổ ở Lộc Hà được trùng tu như thế nào?

Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình là biểu tượng làng quê Việt Nam, tuy nhiên, qua thời gian, không ít giếng làng đã trở thành phế tích. Tại Lộc Hà (Hà Tĩnh), người dân bằng nhiều cách làm đã trùng tu, phục dựng giếng làng nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa.
Là quân nhưng chúng tôi ở trong dân

Là quân nhưng chúng tôi ở trong dân

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cùng với phát triển kinh tế, anh Nguyễn Ngọc Quyết (Hương Khê, Hà Tĩnh) tiếp tục tham gia lực lượng dự bị động viên, là tấm gương tiêu biểu ở đơn vị, địa phương.
Người trẻ và khát vọng chinh phục đỉnh cao

Người trẻ và khát vọng chinh phục đỉnh cao

Kế thừa, phát huy truyền thống hiếu học của thế hệ cha ông, những người trẻ Hà Tĩnh ngày nay đang nỗ lực học tập, rèn luyện để hoàn thiện tri thức, trở thành những công dân hội nhập.
Nghe cựu chiến binh Hà Tĩnh kể chuyện lái xe cho Bác Hồ

Nghe cựu chiến binh Hà Tĩnh kể chuyện lái xe cho Bác Hồ

Từng vinh dự được lái xe phục vụ Bác Hồ nhân dịp Việt Nam tổ chức lễ duyệt binh diễn ra trên quảng trường Ba Đình vào năm 1955, ông Trương Quang Hảo (90 tuổi, ở phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) đã cảm nhận được sự giản dị, gần gũi, tình cảm ấm áp của Người.
Trên quê hương Xô viết anh hùng

Trên quê hương Xô viết anh hùng

Những ngày này, trong phấp phới cờ đỏ sao vàng tung bay trên những vùng quê nông thôn mới khang trang ở các huyện Can Lộc, Lộc Hà (Hà Tĩnh), dường như vẫn còn nghe âm vang tiếng trống Xô viết giục giã thuở nào…
Về Hà Tĩnh, xem các đô vật thi tài

Về Hà Tĩnh, xem các đô vật thi tài

Với đông đảo đô vật từ nhiều lứa tuổi, trong và ngoài xã tham gia, hội vật truyền thống ở Thuần Thiện (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây nhằm chào mừng Quốc khánh 2/9.