Sau lũ sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), do mưa lũ kéo dài, đến nay toàn tỉnh có trên 45.580 hộ, trên 30.503 giếng nước, 34.530 công trình vệ sinh, 119 trường học, 35 trạm y tế và nhiều cơ quan hành chính bị ngập sâu.
Ngành y tế cảnh báo, sau mưa lũ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là các dịch bệnh phổ biến như: sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng, các bệnh đường tiêu hóa, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…
Các đoàn thể chính trị xã hội ở Hương Khê vào cuộc hỗ trợ người dân làm vệ sinh môi trường sau lũ.
Với phương châm “nước rút tới đâu làm vệ sinh môi trường tới đó”, CDC Hà Tĩnh cùng các trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố đã nhanh chóng triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các khu vực nước lũ vừa rút.
Lãnh đạo CDC tỉnh giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại Thạch Hà.
Trong sáng 21/10, CDC Hà Tĩnh đã cử cán bộ chuyên môn về tại 13 huyện, thị, thành để giám sát, hỗ trợ các địa phương tiến hành thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh. Đội ngũ cán bộ của CDC sẽ phối hợp với các trung tâm y tế địa phương hướng dẫn bà con vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, các công trình vệ sinh, chuồng trại.
Trước đó, từ đầu mùa mưa bão CDC Hà Tĩnh đã cấp dự phòng cho mỗi huyện 100kg cloramin B. Trong đợt mưa lũ này đã cấp bổ sung 500 kg cloramin B và 40 nghìn aquatab, 20 lít hoá chất diệt muỗi.
Sau lũ lượng rác thải rất lớn nên người dân cần nhanh chóng thu gom để xử lý (ảnh: Tuấn Dũng).
Là địa phương bị ngập nặng nên ngay sau khi lũ rút ở một số phường, xã, Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh đã ngay lập tức có các hoạt động để phòng chống dịch bệnh.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Kháng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh cho biết: "Sáng 21/10 tất cả cán bộ, y bác sỹ của đơn vị đã được cử về tại tất cả các trạm y tế của các phường, xã để chỉ đạo, hướng dẫn bà con phòng dịch. Trước mắt đơn vị đã cấp gần 50kg Cloramin B để cho bà con xử lý vệ sinh môi trường, xử lý một số công trình vệ sinh.
Trung tâm Y tế huyện Hương Khê nhanh chóng tiến hành khử khuẩn cho các giếng nước bị ngập lũ.
Còn tại huyện miền núi Hương Khê, mưa lũ đã làm cho gần 700 hộ, 1.435 giếng nước, 30 công trình vệ sinh, 5 trường học bị ngập nặng.
Theo bác sỹ Nguyễn Trường Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, do giếng nước bị ngập, nguồn nước bị ô nhiễm nên ngay sau khi nước lũ rút đơn vị đã xuất kho gần 1 tạ cloramin B để người dân thau rửa bể nước, giếng, dụng cụ chứa nước, đồng thời tiến hành phun tiêu độc, khử trùng tại các trường học bị ngập. Ngoài ra Trung tâm y tế huyện còn cử cán bộ, nhân viên phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội hướng dẫn, giúp đỡ bà con vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng.
Ra quân phun tiêu độc khử trùng tại các trạm y tế, trường học bị ngập lũ ở Hương Khê
Đối với huyện Vũ Quang, sau khi nước lũ rút, Trung tâm Y tế huyện đã cấp 50kg thuốc, hóa chất xử lý nguồn nước sinh hoạt tại các hộ gia đình bị ngập giếng của các xã, thị trấn bị ngập.
Trung tâm cũng triển khai phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại các nhà văn hóa thôn, khu Trung tâm thương mại Chợ Bộng (Đức Bồng), các trường mầm non vùng hạ huyện và điểm công cộng khác bị ngập lũ, nơi có nguy cơ dịch bệnh xẩy ra. Chỉ đạo các trạm cử nhân viên hướng dẫn bà con xử lý triệt để xác súc vật chết, phân, rác thải, vệ sinh môi trường.
Cần có các giải pháp xử lý để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong và sau lũ.
Ngoài TP Hà Tĩnh, Hương Khê, Vũ Quang, ngành y tế các địa phương khác cũng đã triển khai các hoạt động phòng chống dịch tại những khu vực nước lũ đã rút. Riêng đối với Cẩm Xuyên, hiện nay các xã nằm ở hạ du hồ Kẻ Gỗ do đang ngập sâu nên công tác triển khai vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh chưa thể thực hiện. Sau khi nước rút, ngành y tế Cẩm Xuyên sẽ nhanh chóng bắt tay vào thực hiện.
Ngoài ra, để hạn chế muỗi phát triển sau mưa lũ, ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, ngành y tế Hà Tĩnh cũng khuyến cáo người dân tiến hành tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
Bên cạnh các khu vực nước rút, đối với bà con đang bị ngập lũ, trước mắt ngành y tế sẽ tiến hành xử lý nước ăn và nước sinh hoạt khẩn cấp cho người dân bằng cách sử dụng cloramin dạng viên.