Nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đang được xả thẳng ra môi trường.
Mặc dù đạt chuẩn NTM từ năm 2015, nhưng đến 3 năm sau (cuối năm 2018), xã Ích Hậu (Lộc Hà) mới thực sự hoàn thiện tiêu chí môi trường. Khó khăn nhất đối với địa phương là vấn đề nước thải từ công trình vệ sinh được xả thẳng ra các trục đường làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường.
“Để hoàn thiện tiêu chí môi trường, đặc biệt là vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, địa phương đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hơn 5 km mương thoát nước, có nắp đậy kín tại đường trục thôn, trục xã qua các khu dân cư. Cùng với đó là tuyên truyền, hỗ trợ người dân di dời, xây dựng công trình vệ sinh, công trình chăn nuôi có hệ thống xử lý nước thải” – Chủ tịch UBND xã Ích Hậu Nguyễn Xuân Quân cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Quân, đây cũng mới chỉ giải quyết phần “ngọn”, còn phần “gốc” là kiểm soát nước thải sinh hoạt, chăn nuôi xả ra môi trường đảm bảo tiêu chuẩn quy định đang vượt "quá tầm" của địa phương, đòi hỏi có kiểm định, đánh giá khoa học, bài bản của cơ quan chuyên môn.
Đến nay, nhiều khu dân cư nông thôn trên địa bàn Hà Tĩnh mới dừng lại ở việc xây dựng các mương, rãnh tiêu thoát nước có nắp đậy, nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Cũng theo chia sẻ của nhiều lãnh đạo xã, trong 20 tiêu chí NTM, tiêu chí môi trường được xem là khó thực hiện và thiếu bền vững nhất. Đặc biệt, vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi tại khu dân cư nông thôn là bài toán nan giải, cần nhiều nguồn lực. Ở một số địa phương, vấn đề này đã thành điểm nóng, gây bức xúc trong cộng đồng.
Theo tài liệu của Liên Hiệp quốc, dân số khu vực nông thôn Việt Nam chiếm 64,08%, tương đương hơn 62 triệu người. Tính trung bình, nước thải sinh hoạt phát sinh 100 lít/người/ngày, đêm; khối lượng nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn là hơn 6,2 triệu m3/ngày, đêm. Đến năm 2025, khối lượng nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn sẽ đạt tới 7,4 triệu m3/ngày, đêm.
Mặc dù nước thải sinh hoạt nông thôn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng chưa được xử lý theo quy định. Đến nay, nhiều khu dân cư nông thôn trên địa bàn Hà Tĩnh mới dừng lại ở việc xây dựng các mương, rãnh tiêu thoát nước thải, chưa có hệ thống xử lý tập trung. Nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đang được xả thẳng ra môi trường. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của các hộ dân, hộ sản xuất kinh doanh tại một số làng nghề còn thấp; chưa đầu tư hệ thống xử lý môi trường chất thải, thải trực tiếp chưa qua xử lý nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Mô hình thu gom, xử lý nước thải được triển khai thí điểm tại một số hộ gia đình ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên... bước đầu đã có những kết quả khả quan
Trong khi chính quyền các cấp còn bối rối, chưa có định hướng rõ ràng cho việc xử lý nước thải sinh hoạt; chi phí đầu tư cao và phải có kỹ thuật vận hành và kinh phí duy trì hàng năm, vừa qua, Văn phòng NTM tỉnh Hà Tĩnh, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh đã triển khai thí điểm đề tài “Thu gom, xử lý nước thải tại hộ gia đình vùng nông thôn”.
Giải pháp đề tài đưa ra đó là đề xuất phương án thu gom xử lý nhỏ lẻ tại chỗ với công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp và phù hợp với khu vực nông thôn mà vẫn đạt hiệu quả. Theo đó, sử dụng hệ thống bể xử lý yếm khí kết hợp bổ sung chế phẩm sinh học gồm các vi sinh vật và enzyme đặc hữu để phân hủy nhanh chất hữu cơ, đạm, và một số vi khuẩn có hại. Sau khi nước được xử lý sẽ chảy sang bể lắng để ngưng tụ lại và tiếp tục phân hủy trước khi chảy ra môi trường hoặc tái sử dụng để tưới cây.
Mô hình xử lý nước thải sinh hoạt của Hà Tĩnh đã được các đại biểu dự Hội thảo giải pháp thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt ở khu dân cư nông thôn tổ chức tại Hà Tĩnh vào tháng 5 vừa qua đánh gia cao tính hiệu quả, khả thi
Bà Dương Thị Ngân – Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh cho biết, qua quá trình thực hiện đề tài ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên... bước đầu đã có những kết quả khả quan; khắc phục hạn chế về chi phí đầu tư cao; phương án thu gom xử lý nhỏ lẻ tại chỗ với công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp và phù hợp với khu vực nông thôn mà vẫn đạt hiệu quả.
Nước thải nông thôn chưa được xử lý đang là lực cản lớn trong xây dựng NTM, giải quyết vấn đề nóng bỏng này cần có sự vào cuộc của nhiều tầng lớp nhân dân, nhà khoa học và doanh nghiệp để có một giải pháp hiệu quả nhất trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn hiện nay.