Nhiều năm trở lại đây, chăn nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt, nhất là giống bò 3B (bò Belgan Blue Breed - giống bò chuyên dụng để lấy thịt cao sản có nguồn gốc từ Bỉ) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Tùng Lộc (Can Lộc). Vì thế, tổng đàn bò ở địa phương này ngày càng tăng lên.
Tuy nhiên, hiện hình thức nuôi nhốt bò ở địa phương này đang không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của chính những hộ nuôi bò và gây ô nhiễm khu dân cư.
Chuồng bò được xây dựng ở cổng ra vào và ngay sát khu vực nhà ở của bà Vịnh.
Gia đình bà Nguyễn Thị Vịnh (thôn Bắc Tân Dân, xã Tùng Lộc) đang nuôi 4 con bò, trong đó 3 con trưởng thành và một chú bê con 1 tháng tuổi.
Chuồng bò nhà bà Vịnh xây ở ngay khu vực cổng ra vào và sát với khu vực nhà ở của gia đình. Kế đó là khu vực chứa phân thải bò, được dựng kết hợp với phần tường rào. Rơm rạ (thức ăn khô cho bò) vứt ngổng ngang từ cổng tới sân nhà.
Chất thải từ việc nuôi nhốt bò gây mùi hôi, ô nhiễm môi trường.
Thừa nhận việc xây chuồng bò ngay sát nhà ở gây ra mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường, bà Nguyễn Thị Vịnh cho hay, do đất chật nên không thể xây khu vực chứa phân thải hoàn chỉnh. Và, người dân nuôi bò ở đây cũng xây tương tự như gia đình bà.
Khu vực chứa phân ở ngay cổng ra vào.
Quả thực như lời người phụ nữ này, các hộ xung quanh cũng xây chuồng ở cổng ra vào nhà hoặc ngay sát khu vực nhà bếp. Khi di chuyển trên các tuyến đường trong thôn, mùi hôi nồng nặc từ chất thải của các con bò xộc thẳng vào mũi.
Nhiều hộ dân ở xã Tùng Lộc có thói quen xây dựng chuồng bò ở cổng ra vào.
Cách nhà bà Vịnh không xa, căn nhà của gia đình ông Nguyễn Xuân Cảnh (thôn Nam Tân Dân, xã Tùng Lộc), được biết tới là hộ nuôi nhốt bò có số lượng lớn với thời điểm cao nhất là 10 con.
Do số lượng đàn bò đông, ông Cảnh đã buộc phải nuôi bò ở ngay sát buồng ngủ. Để hạn chế mùi hôi thối từ việc nuôi nhốt bò cạnh nhà ở, ông đã lắp quạt và hệ thống phun sương nhưng gần như không giải quyết được.
Ông Nguyễn Xuân Cảnh nuôi nhốt bò ngay sát phòng ngủ của gia đình (Hình tư liệu).
Mùi hôi thối không chỉ ảnh hưởng tới gia đình ông mà còn gây khó chịu cho các hộ sống xung quanh.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Cảnh đã bán bớt đàn bò; đồng thời, xin chính quyền địa phương xây dựng chuồng bò ở khu vực cánh đồng, cách xa khu dân cư rồi di dời bò ra đó.
“Do diện tích đất hẹp, khó khăn trong việc xây dựng chuồng nên tôi đã cho bò ở ngay cạnh phòng ngủ, dẫn tới ô nhiễm, ảnh hưởng sức khoẻ cho chính các thành viên trong gia đình và hàng xóm. Từ khi chuyển ra xa khu dân cư, tuy có vất vả hơn trong việc chăm sóc nhưng đổi lại đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm” - ông Nguyễn Xuân Cảnh chia sẻ.
Để thuận lợi cho việc chăn nuôi và đảm bảo vệ sinh môi trường, ông Cảnh đã di dời đàn bò ra khu vực cánh đồng, cách xa khu dân cư.
Số liệu thống kê cho thấy, toàn xã Tùng Lộc có hơn 2.100 hộ dân thì 925 hộ đang chăn nuôi bò. Trong số này, có 3 hộ chăn nuôi trên 10 con và 26 hộ nuôi từ 5 tới dưới 10 con. Các hộ còn lại dao động từ 2 – 3 con.
Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc Bùi Chiến Thắng cho biết: Chăn nuôi bò với hình thức nuôi nhốt đã giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, việc thiết kế chuồng bò ở trước cổng và sát khu vực nhà ở, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới khu dân cư. Thực trạng này xuất phát từ phong tục, tập quán ngày trước.
Chăn nuôi bò với hình thức nuôi nhốt mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng cần đảm bảo vệ sinh môi trường.
“Chính quyền địa phương đã tuyên truyền người dân khi xây dựng nhà cửa thì cần bố trí chuồng chăn nuôi bò hợp lý, thường xuyên vệ sinh khu vực chuồng trại sạch sẽ. Đồng thời, đang xem xét, nghiên cứu có chính sách khuyến khích các hộ nuôi bò với số lượng nhiều di dời ra khỏi khu dân cư” - Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc Bùi Chiến Thắng thông tin.