“Nút thắt” khó gỡ với 2 trường mầm non ít học sinh ở Vũ Quang

(Baohatinh.vn) - Năm học 2023 - 2024, Trường Mầm non Hương Điền, xã Thọ Điền và Trường Mầm non Hương Quang, xã Quang Thọ (Vũ Quang - Hà Tĩnh) chỉ có lần lượt 26 và 28 học sinh khiến việc tổ chức dạy học gặp rất nhiều khó khăn.

“Nút thắt” khó gỡ với 2 trường mầm non ít học sinh ở Vũ Quang

Các cháu nhóm trẻ 4 và 5 tuổi trong giờ học chính khoá ở Trường Mầm non Hương Điền.

Có mặt tại Trường Mầm non Hương Điền, chúng tôi khá ngạc nhiên, bởi đang trong giờ học chính khoá nhưng không khí rất yên ắng, không giống những trường mầm non khác.

Năm học này, toàn trường chỉ có 26 cháu theo học (11 cháu nhóm trẻ 3 tuổi và 15 cháu thuộc nhóm trẻ 4, 5 tuổi), trong đó có 3 cháu ở thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn). Nếu so với năm học 2021 - 2022 chỉ có 20 cháu và năm học 2022 - 2023 có 22 cháu thì năm học này có “nhỉnh” hơn nhưng so với các trường học khác trên địa bàn tỉnh, sĩ số này chỉ bằng 1 lớp học. Đội ngũ giáo viên có 6 người, gồm 1 phó hiệu trưởng, 4 giáo viên và 1 nhân viên nuôi dưỡng.

Cũng bởi số lượng học sinh quá ít, giáo viên ít nên rất khó để tổ chức các hoạt động như trồng hoa, cây cảnh để tạo cảnh quan; trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn hằng ngày cho các cháu; việc lao động vệ sinh khuôn viên nhà trường cũng không thể thực hiện. Đáng nói hơn là, do số cháu quá ít nên không thể huy động được nguồn xã hội hoá (từ phụ huynh) để nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy học.

Cô Nguyễn Thị Đào - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Mầm non Hương Điền cho biết, 3 năm nay, nhà trường không hề nhận được nguồn kinh phí nâng cấp, sửa chữa trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học. Thậm chí, muốn các cháu có bộ đồng phục như những học sinh nơi khác cũng không thực hiện được vì thiếu kinh phí.

“Nút thắt” khó gỡ với 2 trường mầm non ít học sinh ở Vũ Quang

Mong muốn các cháu có bộ đồng phục như những học sinh ở các trường khác cũng trở nên khó khăn tại Trường Mầm non Hương Điền.

Còn ở Trường Mầm non Hương Quang, trong 4 năm học qua, số lượng học sinh giảm mạnh, từ 55 cháu (năm học 2020 - 2021) nay chỉ còn 28 cháu (năm học 2023 - 2024). Nhà trường hiện có 10 cán bộ, giáo viên và nhân viên nuôi dưỡng.

Theo cô Lê Thị Nguyệt Lương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Quang, trường ít học sinh nên việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm như giao lưu các trò chơi dân gian, “Chúng em là chiến sỹ”, “Tôi yêu Việt Nam”... không thể thực hiện được.

“Nút thắt” khó gỡ với 2 trường mầm non ít học sinh ở Vũ Quang

Lượng thực phẩm chuẩn bị cho bữa ăn bán trú ở Trường Mầm non Hương Quang chỉ hơn một gia đình bình thường chút ít.

Không dừng lại ở đó, khu vực đứng chân của Trường Mầm non Hương Quang lại cách xa chợ, trung tâm thương mại gần 30km nên chi phí các loại thực phẩm, rau xanh khá cao khiến suất ăn bán trú (20.000 đồng/cháu/ngày) cũng ít hơn nhiều so với các địa phương khác.

Được biết, vì là địa bàn xã miền núi, đi lại khó khăn nên trên địa bàn xã Thọ Điền còn có thêm 1 trường mầm non khác là Trường Mầm non Sơn Thọ với hơn 200 học sinh; còn tại xã Quang Thọ thì có thêm Trường Mầm non Hương Thọ với 140 học sinh. Tuy nhiên, khoảng cách hai trường trên một địa bàn xã đều khá xa nhau (8 - 9km).

“Nút thắt” khó gỡ với 2 trường mầm non ít học sinh ở Vũ Quang

Phòng nghỉ bán trú của các cháu Trường Mầm non Hương Quang

Đề cập đến những bất cập tại các trường học ít học sinh, lãnh đạo 2 xã Thọ Điền và Quang Thọ đều cho rằng, để vừa tạo điều kiện cho phụ huynh trong việc đưa trẻ đến trường, vừa tạo thuận lợi cho các hoạt động giáo dục, huy động nguồn lực ở bậc học mầm non thì nên sáp nhập 2 trường ở trên một địa bàn xã và duy trì điểm trường thay vì 2 trường biệt lập như hiện nay.

“Tại nhiều cuộc họp ở huyện, chúng tôi đã đề xuất sáp nhập 2 trường mầm non trên địa bàn và xây dựng điểm trường nhưng chưa được chấp thuận”, ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho biết.

Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Vũ Quang Phan Quốc Long, hiện đang lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính đến năm 2030 nên trước mắt sẽ giữ nguyên. Huyện đang có những cân nhắc và tìm phương án hợp lý để khắc phục khó khăn ở cơ sở.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.