Ô tô để một chỗ lâu ngày cần lưu ý những gì?

 Nếu không sử dụng sau một thời gian dài thì bạn nên đưa xe đi kiểm tra khoang động cơ, dầu nhớt, hệ thống điện...nhằm đảm bảo an toàn.

Thời gian qua, nhằm thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành, địa phương đã triển khai cách ly xã hội, hạn chế đi lại. Điều này đồng nghĩa với việc các phương tiện gia đình như ô tô cũng ít hoạt động hơn hoặc không dùng đến. Vậy, để đảm bảo chiếc xe của bạn vẫn hoạt động tốt và an toàn sau thời gian ngừng sử dụng thì cần phải được kiểm tra và vệ sinh...

Dưới đây là một số lưu ý mà bạn cần kiểm tra nhanh xe tại nhà sau một thời gian dài không sử dụng trước khi đến các trung tâm chăm sóc xe chuyên nghiệp.

1. Lốp xe

Xe để một thời gian dài không di chuyển sẽ khiến áp suất lốp giảm dần ở các bánh và dự phòng. Vì vậy, sau thời gian không sử dụng bạn nên kiểm tra lốp xe đầu tiên để chắc chắn các bánh xe vẫn có thể hoạt động được ở một khoảng thời gian đủ để đi bơm bổ sung. Đặc biệt với các xe cũ và lốp đã sử dụng lâu thì đây là việc rất quan trọng.

Nếu lốp quá non không đủ để đi thì bạn nên tìm mượn bơm cá nhân để bổ sung hơi cho lốp xe trước khi ra cửa hàng. Sau khi tự bơm, bạn nên đánh xe ra gara để kiểm tra áp suất lốp đã đúng theo thông số khuyến cáo của nhà sản xuất.

2. Dầu nhớt

Sau khi kiểm tra áp suất lốp, bạn hãy mở nắp ca-pô và kiểm tra dầu động cơ bằng que thăm dầu. Vì dù xe không sử dụng nhưng để lâu thì dầu vẫn có thể bị giảm chất lượng. Vì dầu bị hấp thụ hơi ẩm và tiếp xúc với các chi tiết cặn bẩn bên trong động cơ, từ đó khả năng bôi trơn và giải nhiệt không còn tốt.

Nên các chuyên gia chăm sóc xe khuyến cáo, đối với ô tô của gia đình, bạn nên khởi động máy khoảng từ 15 - 30 phút mỗi tuần một lần để đảm bảo hoạt động trên xe bình thường, dầu được bơm đều đến các chi tiết.

3. Ắc quy

Ắc quy là chi tiết qua trọng trên xe, vì vậy, nếu lâu ngày không hoạt động sẽ làm giảm lượng điện bên trong bình hoặc hỏng, nhất là đối với bình cũ. Vì vậy, với ô tô lâu ngày không sử dụng bạn nên kiểm tra kỹ để xem chất lượng hiện tại của bình như thế nào.

Nếu hết ắc quy, bạn nên nhờ một xe khác câu bình đề nổ động cơ, hoặc sử dụng các bộ kích bình di động được bán trên thị trường. Còn ắc-quy đã cũ thì sau khi đề nổ bạn nên thay thế ắc-quy mới để chiếc xe có thể vận hành ổn định và an toàn.

Còn nếu bạn không muốn ắc quy bị ảnh hưởng trong thời gian xe không sử dụng thì nên nổ máy một lần/tuần và để tối thiểu trong vòng 10 – 15 phút cho ắc quy nạp điện.

4. Hệ thống điện và khoang máy, gầm xe

Cùng với các công việc trên thì bạn cũng cần phải kiểm tra một loạt các chi tiết trong hệ thống điện của xe có hoạt động bình thường hay không: Đèn chiếu sáng, đèn hậu, đèn xi-nhan, cần gạt mưa, còi...

Kiểm tra khoang động cơ, gầm xe để xem có sự tấn công của côn trùng hay chuột bọ. Các dây điện, đường ống nhựa có bị chuột cắn hay không.

Bên cạnh đó, những chi tiết như đường nhiêu liệu, van cao su máy cũng có thể bị xuống cấp dẫn đến rò rỉ xăng, dầu máy.

5. Vệ sinh và dọn nội thất

Sau khi kiểm tra, nếu xe bạn vẫn bình thường và hoạt động tốt, thì mọi người vẫn nên đánh xe đến các trung tâm chăm sóc, rửa xe chuyên nghiệp để vệ sinh, dọn nội thất cho xe nhằm loại bỏ bụi bẩn và nấm mốc do xe để lâu không sử dụng.

Đồng thời sau khi rửa và dọn nội thất xong, bạn cũng nên để xe dưới trời nắng khoảng 1 giờ đồng hồ để tránh tình trạng xe bị ẩm... Đồng thời nhờ các chuyên gia chăm sóc xe kiểm tra lại xe một lần trước khi về nhà./.

Theo VOV

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói