Toyota Calya có chiều dài 4.070 mm, rộng 1.600 mm và cao 1.655 mm. Chiều dài cơ sở ở mức 2.525 mm và khoảng sáng gầm 180 mm.
Nhìn tổng thể bên ngoài, xe tái thiết kế lại lấy nguồn cảm hứng từ chiếc concept Daihatsu UFC-3. Phần đầu gợi nhớ đến kết cấu hình chữ “X” tương tự như trên bản Yaris mới nhất tại thị trường châu Âu. Phần đuôi xe ấn tượng với cụm đèn hậu hai bên hông xe kéo dài hình chữ “L” nằm ngang (tương tự như trên Innova 2016) nối liền với nhau bởi một thanh crôm lớn tương tự đèn pha trước.
Nội thất của xe với vô-lăng thiết kế đơn giản 3 chấu không được tích hợp các phím chức năng, cần số nằm trên bảng táp-lô, gần núm chỉnh điều hòa. Bên cạnh đó, xe được trang bị kính cửa sổ và gương ngoại thất chỉnh điện (cũng được cung cấp ngay cả trên bản E tiêu chuẩn).
Ở hàng ghế thứ hai, Toyota Calya có thể trượt và ngửa tùy ý, đi kèm cửa gió điều hòa. Cửa gió này sẽ hút không khí lạnh ở hàng ghế đầu và phân phối lại cho hàng ghế thứ hai. Trong khi đó, khi hành khách muốn xuống hàng ghế thứ ba chỉ cần ấn nút một chạm tích hợp trên ghế.
Calya có 2 tuỳ chọn động cơ. Bản tiêu chuẩn dùng động cơ 3 xi-lanh 1.0 mang mã 1KR-FE công suất 66 mã lực, mô-men xoắn cực đại 89 Nm và kết hợp với số sàn 5 cấp. Bản cao cấp hơn sử dụng cỗ máy 1,2 lít 4 xi-lanh 3NR-FE công suất 88 mã lực, mô-men xoắn cực đại 108 Nm và trang bị số sàn 5 cấp tiêu chuẩn, tuỳ chọn thêm hộp số tự động 4 cấp.
Trang bị an toàn theo xe gồm 2 túi khí an toàn, trên phiên bản G xe được trang bị thêm hệ thống chống bó phanh ABS. Theo dự đoán, giá bán Toyota Calya bản cao cấp sẽ có giá khoảng 150 triệu Rupiah (tương đương 255 triệu đồng).
Ai cũng biết, giá xe ở Indonesia thấp hơn nhiều so với tại Việt Nam. Và mặc dù cùng nằm ở khu vực Đông Nam Á, nhưng những mẫu xe ra mắt ở Indonesia rất khó có thể về Việt Nam do chiến lược về thị trường, chính sách thuế phí cũng như hệ thống nhà máy của các hãng xe Nhật.
Vì thế, những mẫu xe giá rẻ luôn là điều khiến người Việt thèm muốn nhưng không có cơ hội tiếp cận.