Phán quyết vụ kiện “đường lưỡi bò” ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam

Nếu yêu sách ’đường lưỡi bò’ Trung Quốc nêu ra ở Biển Đông bị Tòa bác bỏ, đây sẽ là cơ sở khiến Bắc Kinh phải điều chỉnh các hành vi với các nước liên quan trong thời gian tới.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Phó khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao, trao đổi với VnExpress các vấn đề Tòa trọng tài có thể ra phán quyết và diễn biến trên Biển Đông sau đó.

Trung Quốc gần đây tăng cường xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông với ý đồ chiếm hữu khu vực này. Ảnh: CSIS

- Bà dự đoán thế nào về phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài với vụ kiện của Philippines?

- Đến nay đa số các học giả đều cho rằng phán quyết sẽ tương đối thuận lợi cho Philippines và có thể bất lợi với Trung Quốc. Có hai cơ sở để đưa ra nhận định này, một là các nội dung mà Philippines khởi kiện tương đối hợp lý. Chẳng hạn Philippines kiện về yêu sách "đường lưỡi bò" (ĐLB) của Trung Quốc và yêu cầu tòa xác định đâu là những bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay là đâu là đảo. Đây là các vấn đề rất có triển vọng để tòa có thể đưa ra phán quyết phù hợp với lợi ích của Philippines.

Cơ sở thứ hai là dựa trên các phản ứng chuẩn bị của Trung Quốc, gần đây phản ứng rất gay gắt cả về ngoại giao và trên thực địa. Nhiều quan điểm cho rằng có thể Trung Quốc dự liệu kết luận khá tiêu cực cho mình thì mới có những phản ứng đi trước như thế, nếu cảm thấy rằng phán quyết tích cực thì có thể họ đã kiên nhẫn chờ đợi thêm.

- Các nội dung mà Tòa có thể đưa ra phán quyết là gì?

- Phán quyết của tòa dự kiến sẽ tập trung vào ba khía cạnh lớn, đó là yêu sách của Trung Quốc về ĐLB, hai là quy chế pháp lý của 9 cấu trúc trên biển và ba là về một số hành vi vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông.

Với ĐLB, đến nay Trung Quốc chưa có giải thích chính thức cụ thể ĐLB là gì, do đó hoặc tòa sẽ phải tự giả định, dự đoán xem ĐLB sẽ có những cách hiểu như thế nào, Tòa phải tự biện luận trong từng cách hiểu mà mình đưa ra. Giả thuyết thứ hai là Tòa không đi vào chi tiết đến thế, mà sẽ đi theo những gì Philippines hỏi ĐLB với tư cách là một yêu sách về các vùng biển, vì thế Tòa có thể chỉ kết luận về yêu sách về vùng biển.

Với quy chế pháp lý của các cấu trúc mà Philippines đã khởi kiện ở Biển Đông, có hai khía cạnh cần trả lời, đó là cần xác định cấu trúc đó thuộc loại gì, là bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay là đảo. Sau khi trả lời câu hỏi phân loại này, Tòa phải xác định cấu trúc đó có được bao nhiêu vùng biển. Nếu là bãi cạn lúc nổi lúc chìm thì nó tùy thuộc vào vị trí của bãi cạn, nếu nằm trong phạm vi 12 hải lý thì các bãi cạn sẽ được quy thuộc về các cấu trúc đất liền hoặc đảo, nếu nằm ngoài 12 hải lý thì được quy thuộc về đáy biển.

Trong vụ kiện này, Philippines đưa ra một câu hỏi rất cụ thể là Vành Khăn và Cỏ Mây có thuộc thềm lục địa của nước này không. Để trả lời, Toà trọng tài sẽ phải phân tích vấn đề lớn hơn, đó là liệu hai bãi cạn này (lúc nổi lúc chìm) chỉ nằm trên thềm lục địa của Philippines? Hay có thể các bãi cạn đó còn nằm trên thềm lục địa của bất kỳ bên nào khác? Nếu có một cấu trúc nào đó khác ở Trường Sa có 200 hải lý, thì hai cấu trúc Philippines hỏi (Vành Khăn và Cỏ Mây) có thể nằm trong vùng chồng lấn, trong trường hợp đó thì Tòa có thể không kết luận được do liên quan đến vấn đề phân định biển. Đồng thời, việc kết luận các cấu trúc khác có 200 hải lý hay không không nằm trong câu hỏi của Philippines, vì vậy Toà trọng tài có thể không cần trả lời.

Ở khía cạnh này, Philippines cũng hỏi những cấu trúc khác là các bãi cạn lúc nổi lúc chìm và không thuộc thềm lục địa của bên nào cả. Tuy nhiên, Philippines không hỏi trực tiếp, mà đặt yêu cầu Toà kết luận việc chiếm đóng của Trung Quốc là bất hợp pháp. Đây cũng là một phần yêu cầu mà Tòa có thể kết luận chi tiết hoặc chung chung, tùy thuộc vào khả năng tạo ra vùng biển của các cấu trúc khác, ngoài các cấu trúc mà Philippines hỏi, tại Trường Sa.

Với các hành vi vi phạm của Trung Quốc, Manila kiện rất nhiều loại hành vi vi phạm, từ quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế, trong thềm lục địa đến vi phạm về nghề cá, vi phạm dầu khí, vi phạm liên quan đến xây dựng các công trình nhân tạo, an toàn hàng hải, thậm chí có cả hành động làm trầm trọng hóa tranh chấp. Có hai khả năng, một là Tòa sẽ gộp chung lại tất cả các hành vi vi phạm của Trung Quốc sau khi xác định được các vùng biển, phạm vi của nó, dẫn tới câu trả lời Bắc Kinh vi phạm thế nào. Khả năng thứ hai là nếu Tòa không xác định được như thế. Trong trường hợp này, chưa rõ Tòa có đi sâu vào từng hành vi vi phạm hay không, hay chỉ kết luận chung chung.

Tóm lại vụ kiện này có ba vấn đề lớn, có nhiều khía cạnh nhỏ. Toà có thể kết luận chi tiết về các khía cạnh nhỏ hoặc không tuỳ thuộc vào khả năng tạo ra vùng biển của các cấu trúc tại Trường Sa. Nếu có cấu trúc có vùng biển 200 hải lý thì tồn tại vùng biển chồng lấn, và để kết luận một số vấn đề Philippines đặt câu hỏi thì cần phân định biển, một vấn đề mà Toà không có thẩm quyền.

- Phán quyết của tòa sẽ tác động đến tình hình Biển Đông như thế nào?

- Sẽ có hai xu hướng. Philippines dù giành được lợi ích ở vụ kiện này thì Trung Quốc sẽ vẫn cứ phớt lờ, thể hiện chính sách của mình để leo thang căng thẳng ở Biển Đông để thách thức phán quyết. Bắc Kinh càng chứng minh chính sách của mình đã nêu từ trước đến nay, là chính sách ba không: không công nhận trọng tài, không tham gia và không thực thi phán quyết của trọng tài, như vậy Trung Quốc sẽ càng hành xử theo cách "tôi thực sự không công nhận".

Tuy vậy, dù không có cơ chế ép buộc thực hiện nhưng mọi phán quyết khi được đưa ra gián tiếp sẽ là thông điệp gửi tới toàn thế giới đâu là đúng đâu là sai. Các quốc gia có thể có cơ hội để chọn lựa quan điểm của mình, các quốc gia tiến bộ trên thế giới chắc chắn sẽ đứng về luật pháp quốc tế, sẽ biết họ có thể đưa ra những lời tuyên bố như thế nào. Những tuyên bố của họ sẽ tạo ra áp lực cho Trung Quốc, có thể về lâu dài Bắc Kinh sẽ thay đổi quan điểm của mình. Thực tế này đã được chứng minh, một số cường quốc ban đầu cũng thách thức phán quyết của tòa trong vụ kiện của các nước nhỏ hơn, không lâu sau đó đã thực hiện. Triển vọng này làm giới quan sát cũng hy vọng sẽ xảy ra ở Biển Đông.

Trên thế giới không có "cơ chế cứng" thực hiện phán quyết của tòa án, nhưng sẽ có "cơ chế mềm", đó là là dư luận tiến bộ, là hình ảnh, uy tín của một quốc gia trên thế giới. Trung Quốc có thể hiểu điều đó hơn ai hết, có thể có sự điều chỉnh trong tương lai nếu họ thực sự muốn trở thành một cường quốc được các quốc gia khác tôn trọng.

Nếu phán quyết không có lợi cho Philippines, gián tiếp tạo cơ sở pháp lý cho Trung Quốc thì Bắc Kinh lại càng có cơ sở để thực hiện. Lúc đó không ai chỉ trích được nữa, như vậy bất lợi hay có lợi cho Philippines thì tình hình diễn biến ở Biển Đông ít nhất trong ngắn hạn là sẽ vẫn căng thẳng.

- Philippines phải làm gì tiếp theo?

- Nếu phán quyết có lợi thì Manila sẽ sử dụng kết quả này để đàm phán với Bắc Kinh, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhiều lần nói đến giải pháp này. Philippines sẽ sử dụng phán quyết để có những lợi thế nhất định trong đàm phán với Trung Quốc.

Nếu phán quyết của Tòa bất lợi cho Philippines, bằng cách nào đó Tòa khẳng định một số vấn đề trong vụ kiện đó là không thuộc thẩm quyền, Manila có thể vận dụng một quy định cụ thể của Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), quy định tại Điều 298 để tiếp tục khởi động một thủ tục tiếp theo, đó là thủ tục hòa giải bắt buộc. Theo Điều 298, nếu vụ kiện liên quan đến phân định biển mà bị loại trừ khỏi thẩm quyền của trọng tài thì các bên phải có nghĩa vụ đưa ra hòa giải bắt buộc. Philippines có thể tận dụng cơ hội này để bắt buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán, thảo luận các vấn đề khúc mắc nhất là phân định biển. Đó là một trong những khả năng mà Manila có thể sử dụng nếu như phán quyết bất lợi với họ.

- Một phán quyết có lợi cho Philippines sẽ có tác động gì đến Việt Nam?

- Nếu phán quyết có lợi cho Philippines, ít nhất từ khía cạnh pháp lý Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi ở một số điểm có chung lợi ích với Philippines. Chẳng hạn nếu Philippines bác bỏ được ĐLB thì đó cũng là một thắng lợi chung của Việt Nam, vì ĐLB bao vòng quanh Biển Đông và cũng chắn cả vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Nếu Manila làm rõ được quy chế của các cấu trúc giúp hạn chế được vùng biển của các cấu trúc đó chỉ còn 12 hải lý, thì đây cũng là kết luận tích cực, vì qua đó chúng ta cũng hạn chế được các vùng biển mà Trung Quốc sẽ viện cớ coi là vùng có tranh chấp.

Nếu Philippines thành công trong cáo buộc những hành vi mà Trung Quốc đã tiến hành ở Biển Đông là vi phạm thì nó cũng tạo ra một tiền lệ rất tốt để buộc Bắc Kinh về lâu dài sẽ phải kiềm chế hơn các hành động của mình, không thực hiện các hành động tương tự như đã thực hiện với Việt Nam. Nếu so sánh thì chúng ta thấy các hành động của Trung Quốc với Philippines cũng tương tự với Việt Nam, đều liên quan đến nghề cá, dầu khí, xây dựng đảo nhân tạo, cũng cố tình đâm va trên biển và phá hủy môi trường, làm trầm trọng hóa tranh chấp. Về cơ bản các hành vi của Trung Quốc bị Philippines khởi kiện cũng khá tương đồng với những gì Việt Nam đang phải gánh chịu.

- Ngược lại, một phán quyết bất lợi cho Philippines thì sao thưa bà?

- Nếu diễn biến ở Biển Đông căng thẳng hơn, rõ ràng Việt Nam sẽ gặp bất lợi. Mọi diễn biến căng thẳng trên thực địa, chính trị, ngoại giao hay kinh tế thì đều có tác động xấu đến lợi ích của Việt Nam.

Đương nhiên một phần nào đó phán quyết cũng bất lợi cho Việt Nam, vì nếu Manila thất bại trong việc đấu tranh với ĐLB thì nó không chỉ là thất bại về mặt pháp lý mà còn khiến Bắc Kinh từ nay trở đi có cơ sở leo thang trên thực địa. Đó là thất bại rất to lớn, có thể nói là thất bại của cả hệ thống pháp luật nói chung, khi mà các nước phải thừa nhận một đường yêu sách phi lý như vậy.

Nếu Philippines không làm hạn chế được các vùng biển hoặc các cấu trúc hoặc tòa bằng cách nào đó kết luận một cách mập mờ, không rõ ràng và để ngỏ cho khả năng các cấu trúc có 200 hải lý thì Philippines sẽ thất bại trong việc giới hạn các vùng biển tranh chấp. Trung Quốc sẽ có cơ sở biến những gì mà Việt Nam từng cảnh báo, đó là biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp. Bắc Kinh có thể mở rộng hết 200 hải lý đó thành các vùng có tranh chấp, trên cơ sở đó họ sẽ tiến hành các hoạt động chẳng khác gì họ đang thực hiện ĐLB, Việt Nam sẽ có ít cơ sở để đấu tranh với các hành vi vi phạm của họ hơn. Khi đó các hành vi của họ sẽ được mang danh là các hành động diễn ra trên khu vực chồng lấn, chứ không còn là hành động diễn ra ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, như thế là bất lợi cho Việt Nam.

- Việt Nam có thể thấy gì từ vụ kiện của Philippines?

- Có thể nói đây là vụ kiện vô cùng quan trọng, vì lần đầu tiên nó thể hiện một nỗ lực pháp lý để giải quyết một số khía cạnh ở tranh chấp Biển Đông tại các cơ quan tài phán. Tuy nhiên, việc sử dụng các cơ quan tài phán cũng có những điểm hạn chế. Một trong những hạn chế là thông thường dư luận trông đợi phán quyết sẽ giúp giải quyết được vấn đề chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng một vụ kiện về chủ quyền chỉ có thể diễn ra nếu có sự chấp thuận của tất cả các bên tranh chấp.

Chính vì vậy nếu trong tương lai Việt Nam dự kiến khởi kiện một vụ tương tự với Trung Quốc, chúng ta phải xác định rõ mục tiêu ban đầu là "không phải để giải quyết chủ quyền, mà chỉ nhằm làm rõ một số khía cạnh pháp lý liên quan đến yêu sách vùng biển", nói cách khác tương tự như vụ kiện của Philippines, chỉ liên quan đến thực thi và giải thích UNCLOS ở Biển Đông mà thôi.

Vụ kiện của Philippines sẽ để lại bài học rất quý cho Việt Nam, từ khâu lựa chọn luật sư, tổ chức một vụ kiện, hình thành các yêu cầu khởi kiện, chiến lược pháp lý, chuẩn bị về chiến lược chính trị ngoại giao, vận động dư luận quốc tế về tính chính nghĩa của vụ kiện. Bất kỳ vụ kiện nào có thể xảy ra trong tương lai cũng cần có sự cân nhắc rất thấu đáo của rất nhiều cơ quan, bộ ngành, cân nhắc trên cơ sở lợi ích của Việt Nam trên nhiều phương diện, cân nhắc bối cảnh quan hệ Việt Nam với Trung Quốc.

Theo Việt Anh/VnExpress

Chủ đề Biển đông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói