Nâng cao vị thế của ngành Tư pháp Hà Tĩnh trong hệ thống quản lý Nhà nước

(Baohatinh.vn) - Năm 2020, ngành Tư pháp Hà Tĩnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên các mặt công tác, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà.

Nâng cao vị thế của ngành Tư pháp Hà Tĩnh trong hệ thống quản lý Nhà nước

Chiều 23/12, Sở Tư pháp Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021.

Năm 2020, ngành Tư pháp Hà Tĩnh đã chủ động, kịp thời xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm.

Trong năm, Sở đã thẩm định 74 dự thảo văn bản QPPL, góp ý 192 dự thảo văn bản; thực hiện 2.833 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp với 535.460 lượt người tham dự, cấp phát miễn phí 442.746 tài liệu PBGDPL; tiếp nhận 803 vụ hòa giải, trong đó hòa giải thành 662 vụ (đạt tỷ lệ 87%); đăng ký khai sinh cho 23.336 trường hợp, đăng ký kết hôn cho 6.766 đôi...

Ngành Tư pháp không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục sai sót trong hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao vị thế của ngành Tư pháp Hà Tĩnh trong hệ thống quản lý Nhà nước

Trưởng phòng Tư pháp huyện Lộc Hà Lê Thị Phương Chi: Cần tăng thêm thời gian góp ý văn bản quy phạm pháp luật cho cấp huyện.

Chất lượng dự thảo văn bản QPPL ngày càng được cải thiện, công tác thẩm định văn bản QPPL ngày càng đi vào chiều sâu. Công tác giải quyết TTHC trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bổ trợ tư pháp, lý lịch tư pháp luôn được đảm bảo và không ngừng nâng cao về chất lượng phục vụ.

Đặc biệt, ngành đã ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện đúng tiến độ số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, nâng cao vai trò, vị thế của ngành trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước.

Hội nghị cũng đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc của ngành Tư pháp như: một số văn bản QPPL ban hành chưa tuân thủ đúng quy trình, việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động đôi lúc chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức; kỹ năng, kiến thức của một số hòa giải viên còn hạn chế; phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch chưa cập nhật tên đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập nên khó khăn trong đăng ký hộ tịch và trích xuất báo cáo thống kê...

Nâng cao vị thế của ngành Tư pháp Hà Tĩnh trong hệ thống quản lý Nhà nước

Trưởng phòng Tư pháp huyện Vũ Quang Trần Văn Trà đề cập tới khó khăn của đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã, huyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Năm 2021, ngành Tư pháp Hà Tĩnh tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL 2015; chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật gắn với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản QPPL; tăng cường quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm.

Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp; nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, nhất là các vụ việc tố tụng; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan tư pháp từ tỉnh đến xã.

Nâng cao vị thế của ngành Tư pháp Hà Tĩnh trong hệ thống quản lý Nhà nước

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng trao tặng Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc của UBND tỉnh cho 2 đơn vị: Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật và Phòng Xây dựng, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật; trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh...

Nâng cao vị thế của ngành Tư pháp Hà Tĩnh trong hệ thống quản lý Nhà nước

... và trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2020.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast