Tăng cường tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm

(Baohatinh.vn) - Hoạt động xét xử của tòa án được coi là trung tâm của cải cách tư pháp, với yêu cầu phán quyết của tòa án chủ yếu căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, do đó, việc nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử là rất cần thiết.

Nhận thấy việc đẩy mạnh tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là yêu cầu mang tính thực tiễn, thiết thực, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh thường xuyên lựa chọn và phối hợp thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực.

 tang cuong to chuc phien toa rut kinh nghiem

Viện KSND tỉnh phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Trao đổi với chúng tôi, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Thị Quỳnh Hoa cho biết: Để việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đạt kết quả tốt nhất, ngay từ đầu năm, Viện KSND tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo viện KSND cấp huyện, các đơn vị cấp phòng triển khai thực hiện theo chỉ tiêu mỗi kiểm sát viên (KSV)/1 phiên tòa/năm. Đồng thời, xây dựng được quy chế phối hợp với tòa án cùng cấp, góp phần đưa công tác này đi vào nền nếp, đạt chất lượng thiết thực.

Mục đích yêu cầu của tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp là từng bước nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa của KSV, rút ra bài học kinh nghiệm để phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại. Do đó, các vụ án được lựa chọn đưa ra xét xử thường tương đối phức tạp, đông bị cáo, tính chất hành vi và hậu quả của tội phạm là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, có bị cáo kháng cáo kêu oan, bỏ lọt tội phạm, có người tham gia tố tụng bào chữa cho bị cáo, bị hại…

Nhằm phát huy tối đa hiệu quả các phiên tòa rút kinh nghiệm, việc chọn, phân công KSV thực hành quyền công tố tại phiên tòa được đặc biệt quan tâm. Không chỉ phân công các KSV có năng lực mà còn phân công cho các KSV khác để rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ nhằm tạo điều kiện học tập rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng công tác.

Nhận thức đúng đắn về tính chất, tầm quan trọng của công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, nhất là yêu cầu về việc tranh tụng, trước khi tham gia phiên tòa, KSV đã chú ý nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, các chứng cứ, chuẩn bị đề cương xét hỏi, dự kiến những vấn đề cần tranh luận... Tại phiên tòa, KSV chủ động tham gia xét hỏi, đối đáp, tranh luận đối với từng vấn đề được nêu ra.

Chỉ từ đầu năm đến nay, viện KSND 2 cấp đã phối hợp với ngành tòa án tổ chức được 14 phiên tòa rút kinh nghiệm. Ngoài tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nội bộ, nhiều đơn vị đã tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo cụm huyện, có sự tham gia của lãnh đạo, KSV các đơn vị trong cụm và lãnh đạo, KSV các phòng nghiệp vụ Viện KSND tỉnh. Điều đáng nói là nhiều địa phương đã kết hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm gắn với xét xử lưu động nên đạt hiệu quả cao về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân.

Sau phiên tòa,Viện KSND tổ chức họp rút kinh nghiệm, nhận xét, đánh giá hoạt động của KSV nhằm tìm ra những ưu, khuyết điểm và các giải pháp khắc phục. Có thể coi đây là một buổi học tập thực tế, là cơ hội tốt nhất giúp cho không chỉ KSV trực tiếp làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố tại phiên tòa mà các KSV, cán bộ khác nói chung được học tập, rút kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ. Việc học tập rút kinh nghiệm không chỉ cần thiết đối với KSV mà còn đối với các thẩm phán. Do đó, các đơn vị đã phối hợp với tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ KSV và thẩm phán.

Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Thị Quỳnh Hoa khẳng định: “Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trong thời gian qua cho thấy đây là một biện pháp tự đào tạo, giải pháp góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến tích cực về chất lượng công tác tranh tụng của KSV tại phiên tòa, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hình sự nói chung. Để việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đạt hiệu quả cao nhất, phải có sự thống nhất trong phối hợp cách thức, tổ chức, lựa chọn vụ án của 2 ngành tòa án và viện kiểm sát”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast