Sáng 13/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chủ trì phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo với 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các địa phương, đại diện các tập đoàn kinh tế Nhà nước; đơn vị tư vấn, nhà thầu, giám sát... Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà chủ trì; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, ban QLDA cùng tham dự hội nghị. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sau cuộc họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo vào ngày 04/4/2023, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có nhiều chỉ đạo, điều hành tại các cuộc họp chuyên đề; trực tiếp kiểm tra hiện trường các dự án, kịp thời ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, công điện tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt về giải phóng mặt bằng (GPMB) và cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) cho dự án.
Theo đó, các cấp chính quyền địa phương đã thay đổi rất lớn trong tư duy, đổi mới cách làm, xác định việc hoàn thành công tác GPMB các dự án là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
12 địa phương có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đi qua đã bàn giao mặt bằng 624,34/721,2 km (đạt 87%); hoàn thành 38 khu tái định cư, đang xây dựng 106 khu; đã hoàn thành thủ tục thỏa thuận hồ sơ thiết kế 53/71 vị trí (75%)…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
14 địa phương có 3 dự án cao tốc Đông - Tây và 2 đường vành đai đã triển khai GPMB đáp ứng tiến độ khởi công, trong đó một số địa phương triển khai tốt như Hà Nội, Đồng Nai, Hậu Giang và TP Hồ Chí Minh đạt trên 85%; đang tích cực triển khai GPMB phần còn lại để hoàn thành trước 31/12/2023.
12/14 địa phương là cơ quan chủ quản 3 cao tốc trục Đông - Tây và 2 đường vành đai đã nỗ lực triển khai để khởi công các dự án trước ngày 30/6/2023 theo đúng yêu cầu của Chính phủ, nâng tổng số đường cao tốc khởi công từ đầu năm đến nay lên 1.332 km.
Bộ GTVT cũng đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác 4 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với chiều dài 312 km trong quý II năm 2023. Dự kiến, đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành 4 dự án cao tốc với tổng chiều dài 123 km, tăng tổng số đường cao tốc lên 1.852 km.
Các đại biểu tham dự điểm cầu Hà Tĩnh.
Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị huy động 219 mũi thi công cầu, hầm, 315 mũi thi công đường, 10.538 công nhân, kỹ sư, 4.724 máy móc, 310 tư vấn giám sát; tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tổ chức thi công đồng loạt, cơ bản bảo đảm kế hoạch đặt ra. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương về thủ tục khai thác mỏ VLXD, phân bổ vật liệu cát đắp cho các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long, từng bước tháo gỡ nút thắt lớn nhất đối với tiến độ triển khai các dự án.
Ngoài ra, các bộ, ngành như: KH&ĐT, TN&MT, NN&PTNT, Quốc phòng… đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã được giao liên quan đến thực hiện dự án giao thông trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện vẫn chưa đáp ứng như kỳ vọng. Hiện nay, một số mỏ VLXD cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 chưa đủ điều kiện, thủ tục để khai thác.
Các dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư chưa được áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác mỏ VLXD thông thường, trong khi thủ tục cấp phép theo quy định kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành.
Tiến độ bàn giao mặt bằng vẫn chậm so với yêu cầu. Năng lực quản lý điều hành của một số chủ đầu tư, nhà thầu còn hạn chế. Một số nhà thầu chưa huy động đầy đủ nhân sự, máy móc, nguồn lực tài chính.
Tại Hà Tĩnh, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn có chiều dài 102,38 km. Đến nay, Hà Tĩnh đã kiểm đếm giải phóng mặt bằng (GPMB) đạt 100%; áp giá, phê duyệt phương án bồi thường đạt 95,05% và đã bàn giao mặt bằng đạt 93,06%. Tiến độ giải ngân nguồn vốn GPMB là 1.568,58/2.578,69 tỷ đồng (đạt 60,53%). Trong 398 hộ dân phải tái định cư, có 268 hộ đã phê duyệt phương án bồi thường. Các địa phương đang triển khai các bước di dời hạ tầng đường điện, trong đó có đường điện 110 kV, 220 kV, 500 kV; trong 26 khu tái định cư (giảm 2 khu của huyện Cẩm Xuyên do các hộ dân xin rút đơn tái định cư) và 4 khu nghĩa trang, hiện đã khởi công 23 khu tái định cư và 3 khu nghĩa trang... Về nguồn vật liệu xây dựng thi công dự án, theo báo cáo của chủ đầu tư, nhu cầu vật liệu của dự án cần 11 mỏ. Sở TN&MT đã tiếp nhận 10 hồ sơ đăng ký khai thác và đang triển khai các bước xử lý, hoàn thiện hồ sơ. |
Đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương... tham gia thảo luận tại hội nghị. Ảnh VOV
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tư vấn, nhà thầu,… đã tập trung thảo luận những điểm vướng mắc, khó khăn và chia sẻ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải. Trong đó, một số nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu là tình trạng thiếu VLXD cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025; khó khăn trong bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án trọng điểm giao thông tại các địa phương; thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng còn qua nhiều bước, một số yêu cầu chưa phù hợp với đặc thù các dự án giao thông; quá trình thương thảo chuyển nhượng, thuê đất, đền bù cây cối, hoa màu đạt hiệu quả chưa cao, cách làm chưa thống nhất… dẫn đến quá trình xử lý ở cơ sở còn lúng túng, bất cập;…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nguồn vốn cho giao thông vận tải chiếm tỉ lệ lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 (riêng vốn Trung ương khoảng 711.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục được cân đối, bố trí, bổ sung thời gian tới). Vì thế, các bộ, ngành, địa phương cần phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, Nhân dân, doanh nghiệp để triển khai đảm bảo tiến độ các công việc, nhất là đối với các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phân công triển khai các nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ban, ngành, địa phương, nhà thầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, công tác GPMB phải tập trung hơn nữa, huy động cả hệ thống chính trị tham gia, đặc biệt, công tác dân vận phải đi trước một bước để Nhân dân hiểu rõ được các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, gương mẫu, tích cực, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành các nhiệm vụ đã được phân công; thường xuyên cử các đoàn công tác để theo dõi tiến độ, đôn đốc tại các địa phương. Cùng với đó, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông mới trong thời gian tới cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bố trí phương án vốn phù hợp, tránh để kéo dài.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ GTVT chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để bảo đảm tiến độ thi công đã cam kết và đáp ứng kế hoạch giải ngân. Bộ KH&ĐT đẩy nhanh tiến độ thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Bộ TN&MT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 về triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Bộ NN&PTNT sớm nghiên cứu và hướng dẫn việc nộp tiền vào quỹ đối với các địa phương không còn diện tích trồng rừng thay thế hoặc diện tích còn lại không đủ để trồng rừng thay thế với tinh thần rút ngắn thời gian chuyển mục đích sử dụng rừng…
Với Dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành, yêu cầu các bộ, cơ quan, Ủy ban Quản lý vốn, ACV và các cơ quan thực hiện đúng chỉ đạo hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu nhà ga hành khách để khởi công trong tháng 8/2023.
Về phía địa phương, các địa phương có các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai thi công cần quyết liệt, tập trung đẩy nhanh và hoàn thành công tác GPMB theo các mốc tiến độ yêu cầu tại nghị quyết Chính phủ. Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, cần khẩn trương hoàn thành chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, khuyến khích tái định cư tại chỗ.
Đối với nguồn VLXD, chủ tịch UBND các tỉnh cần điều chỉnh, rà soát lại các điểm vướng mắc, báo cáo lên cấp trên để tháo gỡ, đảm bảo nguồn cung vật liệu cho các dự án. Một số dự án đường sắt cao tốc ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải tiếp tục phát huy tinh thần chủ động nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc, vấn đề từ trước đến nay theo tinh thần chỉ đạo đã nêu tại các cuộc họp vừa qua.