Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở huyện Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã xây dựng được nhiều mô hình, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tháng 10/2022, khi được xã Kỳ Phong chọn làm điểm xây dựng mô hình nuôi lợn hữu cơ liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TP Huế) gia đình ông Trần Văn Hợp - bà Đặng Thị Lê ở thôn Hà Phong đã tiến hành cải tạo 220m2 chuồng trại và thả nuôi 5 con lợn nái, 50 con lợn thịt. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, một số con lợn của gia đình đã đến kỳ xuất chuồng với khối lượng đạt trên 100 cân/con, vừa đúng dịp phục vụ thị trường tết nguyên đán Quý Mão 2023.

Mô hình nuôi lợn thương phẩm hữu cơ của gia đình ông Trần Văn Hợp - bà Đặng Thị Lê.

Bà Đặng Thị Lê phấn khởi cho biết: Gia đình lập trại đã khá lâu và đang nghĩ đến việc sản xuất ra sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng, nhưng chưa có điều kiện để thực hiện. Sau khi được xã và huyện tuyên truyền, vận động và cho đi học tập mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, tôi hết sức vui mừng và bắt tay triển khai mô hình ngay. Nuôi lợn hữu cơ không chỉ cho sản phẩm thịt sạch, an toàn mà quá trình chăm sóc cũng khá đơn giản, chỉ cần chấp hành đúng quy trình chăn nuôi của doanh nghiệp Quế Lâm hướng dẫn. Chi phí đầu vào của chăn nuôi hữu cơ tính ra rẻ hơn chăn nuôi truyền thống vì tận dụng được một lượng rau xanh tại chỗ.

Cũng theo bà Lê, với công nghệ sử dụng đệm lót sinh học, men vi sinh để xử lý chất thải, chuồng trại nuôi heo hữu cơ luôn khô thoáng, không có mùi hôi, không có nước thải. Toàn bộ phế phụ phẩm được xử lý thành phân bón hữu cơ để bón cho vườn cây dược liệu phục vụ chăn nuôi và các loại cây trồng khác.

Ra đời trước mô hình chăn nuôi lợn nói trên, mô hình “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” tại thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang, được triển khai từ vụ xuân năm 2022 cũng đã khẳng định được hiệu quả bước đầu hết sức khả quan.

Một góc vùng “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” tại thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang.

Là vùng đất thấp trũng, nguồn nước mặn lợ, từng có khá nhiều rươi tự nhiên, nhưng do người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), rươi cũng như các loại sinh vật sống trên đồng ruộng đã biến mất. Năm 2022, thực hiện chủ trương sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ, mô hình “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” lần đầu tiên triển khai trên diện tích 5 ha với 8 hộ gia đình tham gia.

Ông Nguyễn Văn Huấn (bên phải) kiểm tra sự phát triển của rươi và các loại sinh vật sống trên ruộng sau 2 vụ sản xuất theo hướng hữu cơ.

Là một trong những người tiên phong thực hiện mô hình, ông Nguyễn Văn Huấn đã quy hoạch 3 mẫu đất ruộng để sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi. Thực hiện liên kết với Công ty CP tập đoàn Quế Lâm, vụ đầu tiên ông sản xuất hết diện tích, sử dụng giống lúa mới chất lượng cao ST25. Với việc áp dụng triệt để kỹ thuật sản xuất theo hướng hữu cơ, dù không sử dụng thuốc BVTV nhưng lúa vẫn phát triển bình thường, không bị sâu bệnh.

Vụ hè thu 2022, ông thu về 7 tấn lúa, giá bán 20 nghìn đồng/kg (cao gấp 3,5 lần giá giống lúa thường). Sản phẩm không đáp ứng đủ nhu cầu của người mua.

Sau thành công bước đầu, mô hình “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” tại thôn Đậu Giang tăng lên 17,5 ha với 40 hộ tham gia.

Rươi xuất hiện ngày càng nhiều trên đồng đất sản xuất hữu cơ

Điều đáng mừng nhất là sau 2 vụ tiến hành sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ, không còn thuốc BVTV, rươi đã bắt đầu xuất hiện và phát triển khá nhanh; các loại sinh vật sống ở ruộng như: niềng niễng, cà cuống… vốn đã tuyệt chủng nay được khôi phục; các loại ốc, cá, cua đồng cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Trên đà phát triển, vụ xuân 2023, việc sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ đã có thêm gần 13 ha được đưa vào sản xuất, đưa tổng diện tích mô hình “Sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ” của thôn Đậu Giang lên trên 30 ha, với 87 hộ tham gia.

Sau khi được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP (đầu năm 2021) và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (đầu năm 2022), mô hình trồng ổi Đài Loan ở xã Kỳ Đồng (trên 20 ha) được liên kết với doanh nghiệp Quế Lâm theo hướng sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu.

Trên đây là một số mô hình tiêu biểu trong số hàng chục mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà huyện Kỳ Anh đã và đang triển khai liên kết với Tập đoàn Quế Lâm thời gian qua.

Theo ông Trần Bá Toàn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh, điều đáng phấn khởi là chủ trương sản xuất nông nghiệp hữu cơ được người dân đồng tình, ủng hộ rất cao, đặc biệt là sau khi được trực tiếp tham quan, tập huấn tại doanh nghiệp Quế Lâm. Hiện tại, huyện đang triển khai xây dựng thêm nhiều mô hình thí điểm khác để nhân ra diện rộng.

Mô hình sản xuất thanh long ruột đỏ chất lượng cao tại thôn Hà Phong, xã Kỳ Phong vừa được triển khai cũng đang được kỳ vọng tạo thêm một sản phẩm chủ lực mới cho địa phương.

Đến thời điểm này, toàn huyện Kỳ Anh đã có trên 10 mô hình liên kết sản xuất hữu cơ với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm. Một số mô hình đã đem lại hiệu quả vượt trội bởi sản phẩm sạch, an toàn, được người tiêu dùng đón nhận.

Theo lãnh đạo huyện Kỳ Anh, địa phương đang tiếp theo dõi, đánh giá đầy đủ từng chu kỳ sản xuất để xác định thực chất hiệu quả và sự phù hợp của các mô hình, để từng bước nhân rộng một cách đúng định hướng và bền vững, thay thế dần sản xuất truyền thống.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói