Một nhân viên kiểm tra chất lượng đóng gói các lọ đựng vaccine CoronaVac ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 24/9/2020. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, ông Rolando Enrique Domingo – giám đốc FDA cho biết, vaccine CoronaVac sẽ không được sử dụng cho các nhân viên y tế có nguy cơ cao nhiễm Covid-19.
Theo ông Domingo, các thử nghiệm ở giai đoạn cuối của CoronaVac cho thấy vaccine này có hiệu quả thấp hơn khi được sử dụng cho các nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 so với những người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18-59.
Philippines có khoảng 1,4 triệu nhân viên y tế. “Theo các chuyên gia của chúng tôi, vaccine (của Sinovac) không phải là loại tốt nhất dành cho họ”, ông Domingo nói trong cuộc họp báo, đề cập đến các nhân viên y tế.
Người đứng đầu FDA đưa ra tuyên bố trên sau khi trích dẫn kết quả các thử nghiệm lâm sàng của vaccine CoronaVac ở Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia.
CoronaVac là loại vaccine thứ 3 được phê chuẩn để sử dụng khẩn cấp tại quốc gia Đông Nam Á có hơn 108 triệu dân này.
Quyết định được FDA đưa ra hôm nay đã “dọn đường” cho việc vận chuyển 600.000 liều vaccine CoronaVac đến Philippines.
Trước đó, lô hàng gồm 600.000 liều vaccine của Sinovac Biotech do Trung Quốc viện trợ cho Philippines dự kiến sẽ được vận chuyển đến Manila vào ngày 23/2/2021 nhưng đã bị trì hoãn do chưa nhận được giấy phép từ FDA.
Philippines – quốc gia có tỷ lệ nhiễm và tử vong do Covid-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, vẫn chưa bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà cho người dân.
Trước đó, ngày 14/1/2021, FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển. Được xác nhận có hiệu quả lên tới 95%, vaccine của Pfizer-BioNTech là loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được nhà chức trách Philippines phê duyệt.
Tiếp đó, ngày 28/1/2021, FDA đã phê chuẩn thêm một vaccine ngừa Covid-19 nữa để sử dụng khẩn cấp tại nước này. Đây là loại vaccine do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca (Anh) hợp tác phát triển.