Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cần loại ra khỏi bộ máy những CBCC biến chất, bao che, tiếp tay cho hoạt động phạm tội

(Baohatinh.vn) - Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, có sự bao che, tiếp tay của một số cán bộ, công chức. Cần phải loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất.

Sáng nay (7/1), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ 2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia).

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cần loại ra khỏi bộ máy những CBCC biến chất, bao che, tiếp tay cho hoạt động phạm tội

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành, địa phương, công tác phòng chống tội phạm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong cả nước đạt kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cần loại ra khỏi bộ máy những CBCC biến chất, bao che, tiếp tay cho hoạt động phạm tội

Đại tá Nguyễn Thanh Liêm – Phó Giám đốc Công an tỉnh và ông Nguyễn Hồng Linh - Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Theo báo cáo của BCĐ 138/CP, trong năm qua, tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 42.958 vụ, giảm 6,8% so với năm 2019 nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, nổi lên là tội phạm giết người, xâm hại tình dục trẻ em, chống người thi hành công vụ, tệ nạn cờ bạc, mại dâm...

Tội phạm, vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế, môi trường, ma túy, sử dụng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cần loại ra khỏi bộ máy những CBCC biến chất, bao che, tiếp tay cho hoạt động phạm tội

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh phá thành công chuyên án ma túy, bắt giữ 3 đối tượng, thu giữ 30 kg ma túy vào ngày 26/6/2020.

Năm 2020, Bộ Công an điều tra khám phá 35.872 vụ phạm tội về trật tự xã hội, triệt phá 1.860 băng, nhóm hình sự các loại, đã trấn áp mạnh và đẩy lùi tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng đen; bắt, vận động, đầu thú, thanh loại 5.383 đối tượng truy nã; phát hiện và xử lý 20.550 vụ tội phạm về kinh tế; 277 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ; phát hiện, xử lý 24.548 vụ, bắt 36.404 đối tượng tội phạm ma túy, thu giữ 738,35 kg heroin, 3.430,8 kg ma túy tổng hợp và 2.066.637 viên ma túy tổng hợp.

Các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng bắt 13.587 vụ về ma túy, mua bán người; Viện KSND các cấp thực hành quyền công tố, kiểm soát điều tra 105.110 vụ với 153.439 bị can; TAND các cấp thụ lý 72.425 vụ với 132.148 bị cáo...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cần loại ra khỏi bộ máy những CBCC biến chất, bao che, tiếp tay cho hoạt động phạm tội

Các đại biểu ở điểm cầu Hà Tĩnh.

Trong khi đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thiên tai xảy ra nhiều nơi. Nổi lên là tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa phòng chống dịch, ma túy, pháo nổ... gây thất thu ngân sách cho Nhà nước, thiệt hại cho người tiêu dùng.

Năm 2020, BCĐ 389 và các đơn vị, địa phương đã phát hiện, xử lý 185.461 vụ việc vi phạm (giảm 16,3% so với 2019); thu nộp ngân sách nhà nước gần 25.000 tỷ đồng; khởi tố 2.543 vụ với 3.502 đối tượng.

Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2021, BCĐ 138/CP và BCĐ 389 Quốc gia khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo chuyển biến căn bản về an ninh quốc gia, bảo đảm tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại của đất nước.

BCĐ 138/CP tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030; giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với năm 2019, tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%; đảm bảo 100% các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đều được thụ lý, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%.

BCĐ 389 Quốc gia tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng phòng chống dịch, đề xuất các giải pháp chống giả mạo, gian lận xuất xứ, lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các nhóm hàng ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng; đấu tranh xử lý đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đã đóng góp ý kiến thẳng thắn, tập trung vào các vấn đề lớn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cần loại ra khỏi bộ máy những CBCC biến chất, bao che, tiếp tay cho hoạt động phạm tội

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của BCĐ 138/CP và BCĐ 389 Quốc gia, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thiên tai bão lũ xảy ra nhiều nơi.

Dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng theo Phó Thủ tướng thì tình trạng tội phạm vẫn còn những diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó có sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một số cán bộ, công chức tha hóa, biến chất. Cần phải loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các cơ quan tư pháp, lực lượng phòng chống tội phạm đẩy mạnh giải pháp ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng, chú trọng phòng chống tội phạm và phải xử lý ngay các vụ vi phạm; tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện thể chế về công tác phòng chống tội phạm...

Làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, tiếp nhận xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả, nhất là các tội phạm có tính tổ chức như ma túy, mua bán người, tín dụng đen, buôn lậu..

Các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với Viện KSND, TAND các cấp trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự cũng như không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội...

Trong năm 2020, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Trong năm, các lực lượng phát hiện, xử lý 3.779 vụ vi phạm (giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2019), giá trị hàng hóa vi phạm 4,5 tỷ đồng (giảm 33,8% so với cùng kỳ năm 2020).

Về công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người, trong năm 2020, đã phát hiện 419 vụ tội phạm hình sự, làm chết 7 người, bị thương 112 người, thiệt hại tài sản 8,54 tỷ đồng (giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2019); phát hiện, bắt giữ 399 vụ, 5 tổ chức, 412 đối tượng tội phạm và vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; phát hiện 22 vụ, 59 đối tượng sử dụng công nghệ cao hoạt động phạm tội; phát hiện 190 vụ, 253 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; 828 vụ, 15 tổ chức, 886 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường...

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Suốt phiên xử, bị cáo Trịnh Văn Sơn (trú huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tỏ ra hối hận do không làm chủ được hành vi và mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm lại cuộc đời.
Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.
Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.