Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh và Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng cùng dự.
Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, đến nay, Hà Tĩnh có 343 cơ sở kinh doanh karaoke, 2 vũ trường, 3 cơ sở chiếu phim, 13 cơ sở bán băng đĩa, 54 cơ sở dịch vụ quảng cáo, 262 khách sạn và nhà nghỉ, 25 khu điểm du lịch, 8 cơ sở kinh doanh lữ hành, 135 cơ sở bida, 12 cơ sở bơi lặn, 2 cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Cảnh Thuỵ: Không nên cấp giấy phép kinh doanh karaoke vô thời hạn như hiện nay.
Nhìn chung, việc thực hiện các chính sách pháp luật về kinh doanh có điều kiện được thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn còn các vi phạm như: Một số cơ sở hoạt động quá giờ, gây ồn ào quá mức quy định; chưa đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy; hoạt động quảng cáo, rao vặt tràn lan.
Phó trưởng ban Văn hoá xã hội – HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt: Công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho các chủ cơ sở kinh doanh chưa hiệu quả.
Từ năm 2013 đến nay, đội kiểm tra liên ngành các địa phương tổ chức 1.468 lượt kiểm tra tại 2.495 cơ sở, phát hiện 573 cơ sở vi phạm, nhắc nhở 304 cơ sở, đình chỉ 191 cơ sở, xử phạt 225 tổ chức, cá nhân vi phạm.
Phó trưởng phòng PA 83 Công an tỉnh Nguyễn Văn Liệu: Một số đoàn thanh tra, kiểm tra cấp huyện hoạt động chưa thường xuyên.
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu phân tích những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm như: Ý thức tìm hiểu, chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ văn hoá còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc quản lý thiếu thường xuyên và chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa kịp thời; đội ngũ cán bộ chuyên trách còn thiếu và yếu…
Phó Giám đốc Sở TT&TT Đậu Tùng Lâm: Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan thiếu thường xuyên và chặt chẽ khiến việc kiểm tra chồng chéo.
Các đại biểu cũng đề xuất một số nội dung nhằm thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra như: Cần quy định lại về thời hạn cấp đổi giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường 2 năm 1 lần thay vì không thời hạn như hiện nay; đôn đốc cấp huyện tích cực hoạt động thanh tra, kiểm tra hơn nữa; tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở kinh doanh…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cho rằng, hiện nay đội ngũ cán bộ chuyên trách trên lĩnh vực này còn quá mỏng nên việc tham mưu công tác quản lý còn yếu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở VH-TT&DL nghiêm túc tiếp thu các ý kiến và tập trung tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá. Công an tỉnh, Sở TT&TT, Sở VH-TT&DL phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá. Các địa phương tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải nhấn mạnh, các dịch vụ văn hoá có tác động rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách, lối sống của thế hệ trẻ. Đây cũng là lĩnh vực có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nên trong triển khai cần phối hợp chặt chẽ và linh hoạt hơn.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu, thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ chuyên trách, đơn vị kinh doanh dịch vụ văn hoá. Đội kiểm tra liên ngành xây dựng cơ chế làm việc nhuần nhuyễn, chặt chẽ, hoạt động đạt hiệu quả cao hơn.