Từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn thị xã Kỳ Anh xuất hiện 4 ổ dịch sốt xuất huyết ở các xã Kỳ Nam và phường Kỳ Phương với tổng số 46 ca mắc bệnh. Hằng năm, TX Kỳ Anh đều là nơi trọng điểm về dịch sốt xuất huyết. Năm 2021, tại đây cũng xuất hiện ổ dịch tại phường Kỳ Liên với tổng số 20 ca mắc.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát công tác phòng, chống dịch tại thị xã Kỳ Anh.
Bác sỹ Võ Văn Phong - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh cho biết: “Với đặc điểm là nơi có nhiều nhà máy, xí nghiệp, công trình, dự án trọng điểm đang triển khai, kéo theo có nhiều xưởng sửa chữa ô tô, thay lốp, các khu nhà trọ phục vụ cho công nhân lao động sinh sống, mật độ dân cư đông đúc nên nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và một số bệnh dịch truyền nhiễm khác rất cao. Dù ngành y tế và chính quyền địa phương đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân các giải pháp phòng, chống dịch, song ý thức chấp hành của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế”.
Qua giám sát tại các ổ dịch ở tại xã Kỳ Nam và phường Kỳ Phương đều cho thấy tâm lý chủ quan, lơ là của người dân. Các biện pháp phòng, chống dịch chưa được người dân triển khai tạo điều kiện cho mầm bệnh sinh sôi, phát triển.
Các lốp xe hỏng của các gara sửa xe trên địa bàn thị xã Kỳ Anh trở thành nơi chứa nước, tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng.
Bác sỹ Lê Hùng Cường - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Kỳ Phương chia sẻ: “Thực tế cho thấy, ý thức vệ sinh môi trường của bà con còn hạn chế, vẫn có nhiều vật dụng chứa nước chưa được lật úp, tạo điều kiện cho muỗi, lăng quăng, bọ gậy sinh sôi, phát triển. Đến nay, tổng số ca mắc tại 2 ổ dịch ở tổ dân phố Nhân Thắng và tổ dân phố Thắng Lợi là 31 bệnh nhân. Sau khi phát hiện các ổ dịch, nhờ triển khai kịp thời các giải pháp khoanh vùng, dập dịch nên 4 ngày trở lại đây không phát hiện thêm ca mắc mới, ổ dịch đang từng bước được kiểm soát”.
Việc người dân chưa có ý thức trong công tác phòng, chống dịch cũng là tình trạng chung tại nhiều ổ dịch sốt xuất huyết mà ngành y tế phát hiện trước đây như tại thôn Vĩnh Phú (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà), thôn Đại Lự (xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà), thôn Đông Sơn (xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh), thôn Bắc Mới (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân).
Đoàn công tác CDC Hà Tĩnh đến nhà người dân ở thôn Tân Tiến (xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh) tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh Tuấn Dũng.
Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) nhấn mạnh: “Qua điều tra, giám sát tại các ổ dịch cho thấy, việc để lây lan, phát sinh thêm nhiều ca bệnh là do người dân khi có các triệu chứng của sốt xuất huyết lại không đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị mà tự ý mua thuốc về uống tại nhà khiến cho ngành y tế không nắm bắt được để triển khai khoanh vùng, dập dịch. Từ đó dẫn đến dịch bệnh âm thầm lây lan, bùng phát trong các khu dân cư. Mặt khác, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch của người dân còn thấp, cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm và vào cuộc quyết liệt, chỉ đến khi xuất hiện ca bệnh, hình thành ổ dịch thì mới tập trung tuyên truyền, huy động lực lượng triển khai các giải pháp phòng, chống dịch”.
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang ở thời kỳ cao điểm, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 225 ca, trong đó 110 ca vãng lai và 115 ca mắc tại chỗ, thời gian tập trung chủ yếu từ tháng 6 đến nay. Hiện nay, có 4 ổ dịch sốt xuất huyết tại thị xã Kỳ Anh đang được ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương tập trung khống chế.
Cán bộ y tế tại các thôn, tổ dân phố và trạm y tế trên địa bàn TP Hà Tĩnh được tập huấn về kỹ năng giám sát ca bệnh, giám sát côn trùng phòng, chống sốt xuất huyết.
Sở Y tế đang tiếp tục tập trung chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở giám sát tình hình dịch sốt xuất huyết và giám sát ca bệnh nghi ngờ tại cộng đồng để kịp thời triển khai các giải pháp khống chế. Đồng thời đề nghị các địa phương rà soát vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch; tăng cường truyền thông sâu rộng về phòng, chống sốt xuất huyết tới đông đảo người dân bằng nhiều hình thức, nhất là trên loa phát thanh xã, thôn. Về mặt chuyên môn, ngành y tế đang tiếp tục tập huấn kỹ năng giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng và hướng dẫn điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết cho cán bộ trung tâm y tế huyện, trạm y tế các xã, y tế thôn bản.
Để phòng, chống hiệu quả đối với dịch sốt xuất huyết, bên cạnh các giải pháp của ngành y tế thì vấn đề then chốt nhất là ý thức tự giác của mỗi người dân, của cộng đồng dân cư trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của chính quyền, các đoàn thể chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân triển khai phòng, chống dịch.
Để ngăn ngừa dịch xâm nhập, hằng tuần, các thôn, tổ dân phố cần phải triển khai vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy với phương châm “không có lăng quăng, bọ gậy - không có sốt xuất huyết”.