Đặt máy tính ở khu vực chung trong nhà: Một trong những cách tốt nhất để giám sát, quản lý việc sử dụng Internet , mạng xã hội của con nhỏ là đặt các thiết bị như TV, máy tính bàn, máy tính bảng ở khu vực sinh hoạt chung như phòng làm việc, phòng khách. Không nên để trẻ tự ý sử dụng các thiết bị này ở phòng riêng. |
Tìm hiểu về máy tính, Internet: Theo Raychelle Lohmann, cố vấn về hành vi của thanh thiếu niên và thói quen sử dụng mạng xã hội, nhiều thanh thiếu niên ngày nay hiểu biết về công nghệ nhiều hơn cha mẹ. Các bậc phụ huynh có thể hoàn toàn không biết một số công cụ, tính năng mà thanh thiếu niên sử dụng như: cài đặt quyền riêng tư trực tuyến, tắt cookie, xóa lịch sử trình duyệt web... Vì vậy, khi muốn bảo vệ con cái khỏi những sản phẩm, đoạn livestream phản cảm, độc hại trên mạng, cha mẹ cần biết nhiều hơn về máy tính, mạng xã hội, Internet... |
Giới hạn thời gian sử dụng: Ngoài việc kiểm soát thời gian sử dụng Internet, cha mẹ cần phải biết con cái đang sử dụng các thiết bị công nghệ với mục đích gì và điều đó có thực sự có lợi hay không. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 61% phụ huynh được hỏi đã kiểm tra các trang web con mình truy cập. Nhưng chỉ 39% đã sử dụng "quyền kiểm soát của phụ huynh hoặc các công cụ công nghệ khác" để chặn các nội dung không phù hợp. |
Dành thời gian online cùng con: Theo UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới, phụ huynh nên dành thời gian trực tuyến cùng con cái, không chỉ với mục đích giám sát mà còn để thể hiện sự đồng cảm, tương tác cùng con trẻ trên không gian ảo. |
Định hướng nội dung phù hợp: Ngoài nhờ cậy đến những công cụ hỗ trợ quản lý việc sử dụng Internet của trẻ, các phụ huynh nên dành thời gian thảo luận, hướng dẫn, giải thích cho con cái về những nội dung nên và không nên tiếp cận trên môi trường Internet. Thay vì những quy tắc, lệnh cấm cứng nhắc, những cuộc nói chuyện cởi mở, trung thực khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng và lắng nghe nhiều hơn. |
Không trò chuyện cùng người lạ, tự ý dùng tài khoản của người lớn: Các phòng chat online hay những tin nhắn, cuộc gọi qua mạng xã hội là cách tội phạm trực tuyến tiếp cận con mồi. Ngoài ra, trẻ cần phải hiểu mức độ nguy hiểm của việc chia sẻ thông tin cá nhân như tên, tuổi, số điện thoại, địa chỉ... lên mạng. |
Không để trẻ tự tiện đăng tải hay download hình ảnh: Tội phạm trực tuyến thường sẽ gửi hình ảnh được cho là của họ và yêu cầu hình ảnh tương tự từ những đứa trẻ. Nếu con bạn nhận được ảnh từ một “người bạn” trực tuyến và chúng có nhiều nghi vấn, hãy báo cáo ngay với cảnh sát. |