Nơi “lạc nghiệp” cho lao động trở về từ vùng dịch

(Baohatinh.vn) - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, cơ hội việc làm ở các tỉnh bị thu hẹp, nhiều con em của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã trở về và tìm được việc làm, thu nhập ổn định ngay tại quê nhà.

Nơi “lạc nghiệp” cho lao động trở về từ vùng dịch

Công ty TNHH May và thương mại Việt Hàn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 100 lao động

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, huyện Cẩm Xuyên có hơn 9.500 lao động trở về địa phương từ các vùng dịch. Trong số lao động về quê có nhiều lao động có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực may mặc.

Nắm bắt nhu cầu lao động ở lại quê hương làm việc, tháng 10/2021, Công ty TNHH May và thương mại Việt Hàn (tổ dân phố 4, thị trấn Cẩm Xuyên) đã chính thức khai trương đi vào hoạt động với hơn 100 dàn may và tuyển dụng hơn 100 lao động.

“Sau khi từ Bình Dương về quê, tôi đã may mắn tìm được việc làm ở xưởng may của Công ty TNHH May và thương mại Việt Hàn. Nhờ có kinh nghiệm 3 năm làm công nhân may nên tôi nhanh chóng tiếp cận, làm chủ công việc, đồng thời hướng dẫn cho những người mới. Hiện tại, công việc đang rất ổn định với thu nhập 5,5 triệu đồng/tháng” - chị Trần Thị Nga ở xã Cẩm Duệ cho biết.

Theo chị Nga, mặc dù mức lương ở đây thấp hơn so với các doanh nghiệp may các tỉnh phía Nam khoảng 2 - 3 triệu nhưng chị cảm thấy yên tâm gắn bó với công việc hơn. Ngoài giờ đi làm, chị còn có thời gian bên cạnh bố mẹ, người thân và được tham gia các hoạt động xã hội với làng xóm.

Nơi “lạc nghiệp” cho lao động trở về từ vùng dịch

Công ty TNHH May và thương mại Việt Hàn đầu tư dàn may tự động, nâng cao chất lượng sản phẩm

Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Công ty TNHH May và thương mại Việt Hàn cho biết, để đảm bảo việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng như cam kết trong tuyển dụng, lãnh đạo Công ty TNHH May và thương mại Việt Hàn đã liên kết với các doanh nghiệp may lớn trên toàn quốc để nhận gia công, làm đa dạng các mặt hàng.

Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng nhờ đội ngũ công nhân có kinh nghiệm tại các công ty may mặc trong nước nên các đơn hàng được đối tác đánh giá cao về chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật và tiến độ giao hàng. Đầu năm 2022, Công ty TNHH May và thương mại Việt Hàn đã tiến hành ký kết với đối tác, nhận đơn hàng cho cả năm.

Cũng mới đi vào hoạt động từ tháng 6/2021, HTX Đông Minh Tiến (xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) đã thực sự là mái ấm, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng cho 60 lao động. Hầu hết các lao động ở đây là những người dân ở các xã lân cận và vừa trở về từ các tỉnh trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua.

Nơi “lạc nghiệp” cho lao động trở về từ vùng dịch

Nhiều lao động địa phương an tâm với việc làm và thu nhập ngay tại quê nhà. Trong ảnh: HTX Đông Minh Tiến tạo việc làm và thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng cho 60 lao động địa phương

Ông Phan Viết Đông - Giám đốc HTX Đông Minh Tiến cho biết, các lao động làm việc tại HTX hầu hết có kinh nghiệm may trở về từ các tỉnh phía Nam trong đợt dịch vừa qua. Bên cạnh trả lương theo sản phẩm với mức bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, HTX còn đảm bảo chế độ ăn trưa cho lao động. Hiện nay, HTX đã nhận được đơn hàng đảm bảo việc làm cho các lao động đến hết năm 2022.

Qua khảo sát của Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Cẩm Xuyên, năm 2021, trên địa bàn huyện có hơn 9.500 lao động trở về địa phương từ các vùng dịch và hiện nay còn 1.372 lao động đang ở lại địa phương. Trong số lao động đang ở lại địa phương có 589 người đăng ký giải quyết việc làm và 175 người đăng ký học nghề.

Để tạo việc làm cho lao động trở về cũng như lao động hiện có tại địa phương, thời gian qua, các tổ chức hội, đoàn thể như: hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân đã rà soát, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề, xây dựng mô hình sinh kế cho lao động nông thôn.

Nơi “lạc nghiệp” cho lao động trở về từ vùng dịch

Hội LHPN Cẩm Xuyên tạo mô hình sinh kế (gà giống) cho 9 hộ dân xã Cẩm Sơn

Chị Trần Thị Thanh Liên - Chủ tịch Hội LHPN Cẩm Xuyên cho biết, để giúp hội viên an tâm, ổn định công việc tại quê nhà, các cấp hội phụ nữ đã rà soát, nắm bắt nguyện vọng, khả năng tay nghề của từng đối tượng để tổ chức đào tạo, tập huấn và hỗ trợ mô hình sinh kế. Cùng với đó, hội đã kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn để giới thiệu, tìm việc làm cho hội viên. Năm 2021, các cấp hội phụ nữ Cẩm Xuyên đã hỗ trợ phát triển 54 mô hình kinh tế, 234 mô hình sinh kế cho các hội viên và giới thiệu, kết nối việc làm cho gần 200 hội viên.

Từ sự chủ động của các doanh nghiệp, sự phối hợp vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động bị mất việc làm trở về địa phương từ các tỉnh, thành trong cả nước đã, đang được Cẩm Xuyên thực hiện hiệu quả, góp phần ổn định tình hình an ninh – trật tự, phát triển kinh tế tại địa phương.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast