Khi tiểu thương Hà Tĩnh “bắt sóng”... bán hàng online

(Baohatinh.vn) - Trước sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, sự cạnh tranh từ các cửa hàng tiện lợi, siêu thị… nhiều tiểu thương chợ truyền thống ở Hà Tĩnh đã tự làm mới mình bằng việc “bắt sóng” kinh doanh online.

Khi tiểu thương Hà Tĩnh “bắt sóng”... bán hàng online

Ngoài bán trực tiếp tại chợ TP Hà Tĩnh, chị Thủy Quỳnh còn bán quần áo trẻ em qua mạng xã hội

“Chị đến cổng số 1 – chợ TP Hà Tĩnh rồi gọi em nhé! Quầy em ngay cạnh đó, em ra đón chị vào!”. Vừa kết thúc cuộc gọi, chị Nguyễn Thủy Quỳnh (chủ quầy hàng quần áo trẻ em – chợ TP Hà Tĩnh) lại tất bật đi dẫn khách vào quầy mua sắm. Được biết, đó là người khách theo dõi facebook của chị và đến trực tiếp tại quầy để chọn hàng.

Nhờ tận dụng tốt kênh Facebook, Zalo cá nhân với việc thường xuyên đăng ảnh quần áo trẻ em đẹp mắt, giá cả bình dân nên cũng phần nào giúp quầy hàng của chị Thủy Quỳnh có lượng khách tương đối. Vừa bán trực tiếp tại chợ, vừa đăng ảnh, “chốt” đơn, ship hàng toàn quốc nên công việc mỗi ngày của chị cũng khá bận rộn.

Khi tiểu thương Hà Tĩnh “bắt sóng”... bán hàng online
Khi tiểu thương Hà Tĩnh “bắt sóng”... bán hàng online

Sử dụng mạng xã hội để đăng ảnh, “chốt” đơn là việc làm quen thuộc của chị Thủy Quỳnh.

Chị Nguyễn Thủy Quỳnh cho hay: “Khách lựa chọn, đặt hàng qua mạng xã hội, có những đơn ở tận các tỉnh miền Nam thì mình chịu 50% phí ship (tầm khoảng 30 - 40 nghìn đồng/đơn). Ngày bán ở chợ, tối về mình tranh thủ đi ship những đơn hàng gần, đơn xa hơn thì thuê người ship; tính trung bình mỗi tháng, lượng bán hàng online dao động từ 30 - 40% trong tổng hàng xuất ra của quầy”.

Khi tiểu thương Hà Tĩnh “bắt sóng”... bán hàng online

Trang facebook cá nhân được chị Thủy Quỳnh thường xuyên cập nhật mẫu mã hàng hóa để giới thiệu cho khách hàng.

Là người khách biết đến quầy của chị Thủy Quỳnh qua facebook, chị Nguyễn Thị Nga (thị trấn Thạch Hà) chia sẻ: “Những mẫu mã hàng chị Quỳnh đăng bán rẻ hơn 10 – 20% so với một số shop thời trang trên địa bàn thành phố. Điều này cũng dễ hiểu khi ở shop phải chịu nhiều chi phí hơn. Trước đây tôi chủ yếu đặt hàng và chị Quỳnh ship tận nhà nhưng hôm nay rảnh rỗi nên đến mua hàng trực tiếp. Do được xem trước mẫu mã qua facebook trước đó nên việc đến chọn trực tiếp cũng đỡ mất thời gian".

Cũng linh hoạt bắt nhịp với sự phát triển của thương mại điện tử, chị Nguyễn Thị Thủy (Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh) sử dụng facebook để tạo thêm một kênh bán hàng khá hiệu quả.

Kinh doanh mặt hàng thịt bò tại chợ TP Hà Tĩnh, mỗi ngày, lượng hàng chị bán ra tương đối lớn cho một số bếp ăn của trường học, cơ quan, khách lẻ. Hiện nay, thị trường đã “ấm” hơn nhiều so với trước do dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nên chị Thủy cùng nhiều tiểu thương khác khá phấn khởi.

Khi tiểu thương Hà Tĩnh “bắt sóng”... bán hàng online

Chị Thủy tranh thủ chụp ảnh mặt hàng kinh doanh để đăng facebook nhằm thu hút khách hàng.

Sáng sớm, sau khi nhập hàng về quầy, sắp xếp ổn định, chị Thủy lại tranh thủ chụp ảnh hoặc livestream (phát trực tiếp) giới thiệu những thớ thịt tươi ngon để quảng cáo lên facebook. Với chị Thủy, việc làm này chủ yếu giới thiệu cho khách hàng biết hôm nay mình có sản phẩm ngon và nếu ai đặt hàng qua facebook, số điện thoại cũng sẽ ship theo yêu cầu.

Dù khả năng sử dụng smartphone còn nhiều hạn chế nhưng chị Trần Thị Nhung (tiểu thương chợ TX Hồng Lĩnh) đã rất “có duyên” trong việc đưa rau củ lên chợ… facebook. “Sáng ni rau đầy đủ: rau thơm, hành, ngò, dưa chuột, măng... chi cũng có hết. Ai ăn chi thì gọi, em ship cho nha!” là đoạn phát trực tiếp quen thuộc của chị Nhung sử dụng để bán hàng online thời gian qua.

Khi tiểu thương Hà Tĩnh “bắt sóng”... bán hàng online

Những hình loại rau, củ tươi ngon, đẹp mắt được chị Nhung đăng lên facebook để bán.

Chị Nhung chia sẻ: Vào thời điểm TX Hồng Lĩnh áp dụng cách ly y tế để phòng chống dịch COVID-19 (giữa tháng 8/2021), người dân hạn chế ra đường nên tôi đã sử dụng facebook để bán hàng. Thông qua những mặt hàng được quảng cáo trên facebook, khách hàng lựa chọn và vợ chồng tôi ship tận nơi. Vì là mặt hàng rau, củ nên chúng tôi chỉ nhận đơn ở những địa chỉ gần.

Bên cạnh chị Quỳnh, chị Thủy hay chị Nhung, hiện nay, có không ít các tiểu thương chợ truyền thống ở Hà Tĩnh đã “bắt sóng” bán hàng online để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Với các chị, việc đưa hàng lên facebook không khó, khả năng quảng bá, lan tỏa rộng nhưng việc nhận đơn, ship hàng, từ chối khách hàng ở quá xa cũng đang còn nhiều hạn chế. Thậm chí có trường hợp hàng khách đã đặt nhưng do không có người ship nên đành hủy đơn…

Hơn nữa, phần lớn tiểu thương tại các chợ đều biết đến thương mại điện tử, sử dụng được facebook nhưng chỉ một số ít mạnh dạn triển khai, chủ yếu là những người trẻ…

Khi tiểu thương Hà Tĩnh “bắt sóng”... bán hàng online

Sức mua tại chợ truyền thống ngày càng có xu hướng giảm.

Thực tế cho thấy, sức mua tại các chợ truyền thống có xu hướng giảm do ngày càng có nhiều hình thức bán hàng tiện lợi xuất hiện. Trong bối cảnh này, những năm gần đây, Sở Công thương đã tổ chức các chương trình tập huấn, cung cấp cho tiểu thương về văn minh thương mại, nghiệp vụ bán hàng online (mỗi năm 4 lớp, mỗi lớp từ 200 - 250 người)… Mới đây nhất là kết nối với các sàn thương mại hướng dẫn trực tiếp cho người dân về cách livestream giới thiệu sản phẩm…

Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Mỗi tiểu thương cần xác định rằng, việc bắt nhịp thương mại điện tử là điều cần thiết để kinh doanh hiện nay. Do vậy, bên cạnh việc hỗ trợ theo hướng “cầm tay chỉ việc” của ngành chuyên môn, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động tự đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc... của bà con tiểu thương chợ truyền thống để nâng cao sức cạnh tranh với các hình thức bán hàng tiện lợi khác.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast