Vô cảm hay dại dột khi tung tin giả về dịch Covid-19?

(Baohatinh.vn) - Trong khi các cấp chính quyền, ngành chức năng và đại bộ phận người dân đang tập trung phòng chống với dịch Covid-19 thì nhiều người dùng mạng xã hội vẫn vô tâm khi đăng những thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến tình hình chung...

Ngày 27/2, người dùng mạng xã hội tại Hà Tĩnh “mất ăn mất ngủ” sau khi tài khoản facebook có tên “Mèo Thắm” thông tin công dân Xuân Song (Nghi Xuân) từ Hàn Quốc trở về dương tính với virus Corona, kèm lời khẳng định đã tiếp xúc với rất nhiều người...

Vô cảm hay dại dột khi tung tin giả về dịch Covid-19?

Công an huyện Nghi Xuân đã xử phạt 10 triệu đồng đối với Trương Thị Thắm (thôn Lạc An, xã Cổ Đạm) vì đã thực hiện hành vi đăng tải thông tin không đúng sự thật về dịch Covid-19.

Chỉ trong một thời gian ngắn, bài viết đã thu hút hàng trăm lượt share và comment. Nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng trước thông tin được đăng tải này.

Khi sự việc trên chưa kịp “nguội”, vào chiều 28/2, Công an huyện Nghi Xuân tiếp tục triệu tập một học sinh lớp 11 để làm rõ hành vi tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận. P.T.H (SN 2004), một học sinh lớp 11 trú tại thị trấn Tiên Điền tham gia vào một nhóm chát trên mạng xã hội rồi thách đố nhau đưa thông tin người Nghi Xuân dương tính với virus Corona lên mạng xã hội.

Cũng vì nông nổi, dại dột H. đã đăng tải lên facebook cá nhân với nội dung không có thật.

Vô cảm hay dại dột khi tung tin giả về dịch Covid-19?

Nội dung mà nữ sinh Nghi Xuân đăng tải trên trang facebook cá nhân của mình

Câu chuyện của 2 facebooker nói trên cho thấy sự nguy hiểm từ việc lợi dụng mạng xã hội để bịa đặt các thông tin sai sự thật nhằm mục đích câu like.

Nhiều tháng nay, Chính phủ, các bộ, ngành cùng các địa phương nói chung, Hà Tĩnh nói riêng đã chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa virus Corona “tràn” vào Việt Nam, thông qua việc kiểm soát tại các cửa khẩu, tiến hành cách ly những người trở về từ vùng dịch, tiêu độc khử trùng môi trường...

Đặc biệt, nhiều bác sĩ, chiến sỹ quân đội đã phải vất vả, chịu nhiều thiệt thòi để phục vụ nơi cách ly tập trung. Họ bất chấp nguy hiểm, không màng tính mạng bản thân vì mục tiêu không để dịch “hoành hành” ở nước ta.

Vậy nhưng, vẫn có rất nhiều người dùng mạng xã hội bình thản tung tin đồn sai sự thật về dịch Covid- 19! Chỉ đến khi bị cơ quan chức năng triệu tập thì mới... ngơ ngác, sợ hãi!

Họ chưa thể nhận thức được rằng, chỉ một câu status tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” xuất phát từ đùa cợt hay “nghe hơi nồi chõ” lại kéo theo hậu quả vô cùng nghiêm trọng trong cộng đồng.

Vô cảm hay dại dột khi tung tin giả về dịch Covid-19?

Công an huyện nghi Xuân, Công an thị trấn Tiên Điền lấy lời khai của nữ sinh P.T.H (SN 2004) với sự giám hộ của người mẹ, về việc nữ sinh này sử dụng mạng xã hội (facebook) tung tin thất thiệt về dịch Covid - 19 vào ngày 27/2.

Chưa rõ động cơ, mục đích của các trường hợp này là gì, nhưng việc tung tin sai sự thật về đại dịch Covid 19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh, phủ nhận công sức của những con người ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh; thể hiện sự “vô trách nhiệm” với xã hội.

Tin giả sẽ nguy hiểm hơn khi cộng hưởng với hiệu ứng đám đông. Nhiều người nhẹ dạ, cả tin tiếp tay cho cái sai để nỗi hoang mang lan xa, khiến cộng đồng tiếp tục bị “khủng bố” bởi sự nhiễu loạn của tin giả, gây bất an trong xã hội.

Cơ quan chức năng luôn khuyến cáo người dân khi tham gia không gian mạng cần tìm hiểu thông tin từ các nguồn tin chính thức; không chia sẻ, hùa theo những thông tin chưa được kiểm chứng hay không có nguồn gốc. Trong trường hợp phát hiện có người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, cần thông báo ngay với cơ quan công an nơi xảy ra vụ việc, để có biện pháp xử lý kịp thời.

Điều quan trọng nhất lúc này là cần tăng cường tuyên truyền Luật An ninh mạng, Bộ Luật Hình sự và các văn bản pháp luật liên quan... nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng và khai thác thông tin trên mạng xã hội, qua đó góp phần ngăn chặn thông tin giả trên mạng, nhất là các thông tin không chính xác về dịch Covid 19.

Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Tại Điều 8, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Quá trình điều tra xác minh, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi “Vu khống”, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất 7 năm.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast