Hài hòa nhu cầu tâm linh và phòng dịch cho người dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trẩy hội ngày xuân là cách con người hiện đại hòa mình vào văn hóa truyền thống. Trong bối cảnh hiện nay, khi dừng tổ chức các lễ hội, người Hà Tĩnh vẫn tìm được cho mình cách để vừa thỏa mãn đời sống tâm linh, vừa đảm bảo phòng dịch.

Hài hòa nhu cầu tâm linh và phòng dịch cho người dân Hà Tĩnh

Đi lễ chùa Hương Tích dịp đầu xuân Tân Sửu, nhiều du khách chấp hành nghiêm túc quy định phòng dịch.

Ông Nguyễn Trí Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh: “Cần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh hài hòa với tình hình dịch bệnh”

Các tín ngưỡng tâm linh là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt từ xưa đến nay. Việc tổ chức và tham gia lễ hội của nhiều người tại các đền, miếu, chùa... là nhu cầu tìm về cội nguồn để tri ân những người có công trong xây dựng đất nước (đền, miếu) hoặc hướng thiện (chùa). Truyền thống này đã thành một “dòng chảy”, không thể vì lý do gì khiến nó ngưng lại hoàn toàn trong đời sống.

Hài hòa nhu cầu tâm linh và phòng dịch cho người dân Hà Tĩnh

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Nguyễn Trí Sơn

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc duy trì lễ hội bằng những cách thức mới, gắn với các giải pháp phòng, chống dịch là cần thiết. Đầu xuân Tân Sửu, lượng người tham gia hành lễ ở các chùa, đền có giảm nhưng vẫn đông.

Các lực lượng chức năng tại những địa chỉ này đã làm khá tốt công tác kiểm tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, người dân đi lễ cũng đã có nhận thức và ý thức cao hơn trong việc phối hợp phòng dịch. Tôi nghĩ, bằng cách nào đó, chúng ta phải thích nghi hóa để đưa sinh hoạt văn hóa tâm linh các lễ hội gắn với tình hình dịch bệnh một cách hài hòa, đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Hùng Vỹ - Trưởng phòng VH-TT huyện Thạch Hà:“Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch trong hoạt động đi lễ đầu năm”

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, thời gian qua, đặc biệt là dịp xuân Tân Sửu, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng dịch tại các di tích trên địa bàn.

Dù năm nay không tổ chức lễ hội nhưng trong dịp đầu xuân này, một số đền, miếu ở Thạch Hà như: đền Lê Khôi (xã Thạch Bàn), đền Truông Bát (xã Ngọc Sơn), miếu Ao (xã Thạch Trị)… đã có nhiều bà con đến hành lễ.

Hài hòa nhu cầu tâm linh và phòng dịch cho người dân Hà Tĩnh

Trưởng phòng VH-TT huyện Thạch Hà Nguyễn Hùng Vỹ

Tại những điểm này, chúng tôi đã tạo “không khí” phòng dịch ngay từ nơi vào. Từ hệ thống loa truyền thanh với các bản tin phòng dịch, bảng chỉ dẫn thực hiện biện pháp “5K”, điểm sát khuẩn… Tất cả được bố trí với tần suất dày đặc nhằm nâng cao cấp độ tuyên truyền ý thức phòng chống dịch trong mỗi người dân.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng và các ban quản lý, ban lễ nghi của các di tích cũng quán triệt tinh thần phòng dịch một cách cao độ. Không chỉ nhắc nhở bằng lời nói, mỗi cán bộ, nhân viên vừa là người tuyên truyền, hướng dẫn, vừa làm công tác giám sát du khách.

Hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã giúp việc phòng dịch tại nhiều điểm tâm linh thu hút đông người ở Thạch Hà thời gian qua đạt hiệu quả cao hơn.

Đại đức Thích Hạnh Minh - Trụ trì chùa Phổ Độ (Lộc Hà): “Hành lễ phải đảm bảo an toàn cho cộng đồng”

Trong tinh thần chung của Phật giáo là giúp con người hướng thiện, chùa Phổ Độ rất hoan hỉ khi ngày càng có nhiều thiện nam, tín nữ, khách hành hương về lễ chùa, bái Phật. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhà chùa cũng quan niệm an toàn cho cộng đồng, lợi ích đất nước luôn được đặt lên hàng đầu.

Vì vậy, thời gian qua, chùa Phổ Độ đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm việc phòng dịch.

Hài hòa nhu cầu tâm linh và phòng dịch cho người dân Hà Tĩnh

Đại đức Thích Hạnh Minh - Trụ trì chùa Phổ Độ (Lộc Hà)

Cụ thể, ngoài công tác phòng dịch như: dung dịch sát khuẩn, khẩu trang… được nhà chùa trang bị đầy đủ thì các buổi lễ được tổ chức đơn giản và giãn cách.

Hài hòa với nhu cầu lễ Phật cầu an đầu năm mới, tuy Phật đường có sức chứa 300 người nhưng nhà chùa đã chủ trương mỗi đợt lễ chỉ tối đa 30 gia đình, mỗi gia đình chỉ 1 người đại diện. Tất cả khách lễ viếng, đến các sư thầy đọc tụng cũng đều phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trong lúc hành lễ.

Bên cạnh đó, các sư thầy cũng luôn nhắc nhở phật tử và du khách về ý nghĩa cốt lõi của việc lễ chùa, bái Phật là hướng thiện, thực hành điều thiện. Trong đó, ý thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng trước dịch bệnh đã là hành thiện.

Đầu năm, khi một số phật tử hành lễ không đeo khẩu trang được Báo Hà Tĩnh phản ánh, chùa đã tăng cường hơn trong việc theo dõi, nhắc nhở phật tử. Vì vậy, chùa vẫn đáp ứng mong muốn của các phật tử nhưng cũng hài hòa trong công tác đảm bảo an toàn phòng dịch…

Ông Nguyễn Duy Vỵ - Trưởng ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích: “Đưa lễ hội thích nghi dần trong bối cảnh mới”

Dịp cuối năm 2020 và đầu xuân Tân Sửu 2021, dù trong điều kiện dịch bệnh phức tạp nhưng chùa Hương Tích vẫn thu hút một lượng lớn du khách đến thăm viếng. Trong đó chỉ trong 5 ngày đầu năm mới Tân Sửu 2021 (từ mùng 1 đến mùng 5), chúng tôi đã đón gần 11.000 lượt khách.

Để đảm bảo an toàn, Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích đã phối hợp với chính quyền thực hiện công tác phòng dịch một cách quyết liệt nhất.

Hài hòa nhu cầu tâm linh và phòng dịch cho người dân Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Duy Vỵ - Trưởng BQL KDL chùa Hương Tích

Ngoài được UBND huyện Can Lộc tăng cường lực lượng công an chính quy trực tại các điểm chốt từ ngày 25 tháng Chạp, chúng tôi cũng quán triệt với cán bộ, nhân viên khu du lịch và các đơn vị làm dịch vụ tại cơ sở về thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt nhất trong chủ trương chung.

Cụ thể, tại các điểm bán vé như: bãi đỗ xe, cổng vào, bến xe điện, bến thuyền, ga cáp treo…, ngoài trang bị các bảng chỉ dẫn phòng dịch “5K”, điểm rửa tay sát khuẩn…, lực lượng chức năng thường xuyên túc trực, giám sát, nhắc nhở thực hiện đúng quy định phòng dịch đối với từng du khách.

Ngoài ra, ngay từ cổng vào bãi xe, chúng tôi cũng kiểm soát chặt chẽ hành trình của du khách, đặc biệt là du khách ngoại tỉnh nhằm đảm bảo không bỏ sót du khách có yếu tố dịch tễ nào.

Qua việc này, chúng tôi thấy nếu thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, đồng thời nâng cao tinh thần tự giác của người dân thì chúng ta vẫn có thể duy trì các nghi lễ với một cách thức mới.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast