Ngoại trưởng Mỹ: Sẽ tìm cách ổn định chiến lược với Nga

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 16-2 với Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia Mỹ ( NPR ), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng chính quyền Washington sẽ tìm cách thúc đẩy sự ổn định chiến lược với Nga.

"Chúng tôi sẽ xem xét những phương hướng khác để thúc đẩy ổn định chiến lược với Nga, ngay cả khi chúng tôi nắm rất rõ về những hành động mà họ đang thực hiện” - Ngoại trưởng Blinken tuyên bố.

Ông Blinken không nói cụ thể về những biện pháp mà ông nghĩ chính quyền Mỹ sẽ xem xét sử dụng để tăng cường sự ổn định chiến lược với Nga. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ nói rõ ý định của chính quyền Washington là coi Nga như một “kẻ xấu”.

Ngoại trưởng Mỹ: Sẽ tìm cách ổn định chiến lược với Nga

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: REUTERS

“Tôi nghĩ rằng cả thế giới có thể thấy rõ về mối lo ngại trước những hành vi của Nga. Chúng tôi cũng đang tiến hành xem xét và điều tra những hành động nghiêm trọng của nước Nga làm suy yếu lợi ích và giá trị của chúng tôi” - ông Blinken cho hay.

“Vụ đầu độc nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny, sự can thiệp của họ vào cuộc bầu cử tổng thống của chúng ta, cuộc tấn công mạng vào công ty phát triển phần mềm Solar Winds... tất cả những việc làm này và những hành vi khác đều đang được xem xét” - Ngoại trưởng Mỹ với NPR .

Chỉ vài tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt được thỏa thuận với Moscow để gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược Mới (New START) thêm 5 năm.

Thỏa thuận nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân này được ấn định hết hạn vào ngày 5-2, song chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã tỏ ra không quan tâm đến việc cứu vãn hiệp ước này, hãng tin Sputnik đưa tin.

Ngoại trưởng Mỹ: Sẽ tìm cách ổn định chiến lược với Nga

Quốc kỳ Mỹ (phải) và quốc kỳ Nga (trái). Ảnh: SPUTNIK

Trong suốt bốn năm nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã rút Mỹ khỏi nhiều hiệp ước quốc tế, bao gồm một số hiệp ước mà chính quyền của ông cho rằng Nga vi phạm các điều khoản.

Chính quyền Washington năm 2019 đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga. Sau đó vào năm 2020, ông Trump cũng rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trời mở.

Ngoài ra, vào năm 2018, Mỹ cũng rút khỏi Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) - thỏa thuận gồm tám bên liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, trong đó có Nga.

Động thái này đã khiến căng thẳng tại khu vực Trung Đông gia tăng đáng kể, trong khi Iran bắt đầu lơ là việc tuân theo các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận.

Ngoại trưởng Mỹ: Sẽ tìm cách ổn định chiến lược với Nga

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: AP

Tuyên bố của ông Blinken được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định Moscow sẵn sàng tham gia trở lại Hiệp ước Bầu trời mở nếu Mỹ cũng làm như vậy.

Nga tuyên bố rút khỏi hiệp ước này vào tháng 1 năm nay với lý do các thành viên còn lại của thỏa thuận không cam kết ngừng chia sẻ thông tin với Mỹ, theo Sputnik.

Tuy nhiên, ông Ryabkov bác bỏ quan điểm cho rằng một trong hai quốc gia có thể quay trở lại INF theo những thỏa thuận ban đầu một khi hiệp ước này hết hiệu lực.

“Trong khi xem xét ưu tiên chính sách đối ngoại của mình và phân tích di sản của chính quyền ông Trump, nếu Mỹ quyết định đề ra một giải pháp thay thế, báo hiệu Washington sẵn sàng quay trở lại Hiệp ước Bầu trời mở , chúng tôi có thể sẽ xem xét lại quyết định rời khỏi hiệp ước này” - Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói.

Ông Ryabkov trong khoảng thời gian gần đây cũng tiết lộ rằng chính quyền Nga có thể quay trở lại một số hiệp ước bị chính quyền cựu Tổng thống Trump gây tổn hại, nhưng không phải tất cả mọi hiệp ước.

Theo PLO

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast