Luật Công bằng tài chính: Chờ điều gì từ vụ Man City?

(Baohatinh.vn) - Man City đã bị UEFA “tuýt còi” với án phạt cấm thi đấu 2 mùa giải 2020/2021 và 2021/2022 tại cúp châu Âu. Tuy nhiên, nửa xanh thành Manchester vẫn có thể kháng án lên Tòa án thể thao quốc tế. Có thể chờ đợi gì từ vụ việc “động trời” này? Luật sẽ bị lách hay công lý được thực thi?

Luật… dễ lách?

Án phạt UEFA đã đưa ra, nhưng Man City có quyền kháng án lên những cơ quan cấp cao hơn. Các trang báo hàng đầu của châu Âu vẫn chỉ nhắc đến cuộc chiến top 4 ở Premier League, phần nào cho thấy cơ hội dự Champions League cho đội bóng xếp thứ 5 (thay suất của Man City) là không cao.

Luật Công bằng tài chính: Chờ điều gì từ vụ Man City?

Man City đang bị UEFA “tuýt còi”.

Chưa kể, phát biểu với báo giới, lãnh đạo Man City tự tin đến ngạc nhiên và cho rằng đó là kịch bản “chúng tôi đã lường trước”. Người phát ngôn câu lạc bộ trả lời báo giới đại ý: “Chúng tôi rất thất vọng vì thông báo của Ủy ban Kỷ luật UEFA. Câu lạc bộ vẫn trông đợi vào bản án công bằng từ một cơ quan xét xử độc lập (có thể là Tòa án thể thao quốc tế-PV) với những tài liệu khách quan nhất”.

Có vẻ như Man City sẽ có cách lách luật. Chẳng đâu xa, chính họ và Paris Saint-Germain (PSG) cũng đã từng “nhận trát” của UEFA rồi bình yên vô sự.

Mùa giải 2013/2014, khi lần đầu tiên Luật Công bằng tài chính được áp dụng, mọi người hướng mắt về Man City và PSG, được sở hữu bởi những ông chủ Qatar và UAE, với những túi tiền gần như không đáy.

Chỉ riêng mùa giải 2013/2014, PSG đã lỗ “sơ sơ” 97 triệu bảng. Bờ bên kia Đại Tây Dương, Man City cũng lỗ 93 triệu bảng. Luật Công bằng tài chính nêu rõ, các các câu lạc bộ không được lỗ quá 45 triệu Euro (khoảng 40 triệu bảng) trong vòng 3 năm, không được chi quá phần kiếm được, nếu không sẽ bị phạt.

Luật Công bằng tài chính: Chờ điều gì từ vụ Man City?

Vụ chuyển nhượng Neymar từ Barca sang PSG gây nhiều tranh cãi bởi cách lách luật của đội bóng nước Pháp.

Những tưởng, sẽ có “án điểm” để răn đe các ông lớn lắm tiền, nhiều của. Nhưng chốt lại, năm đó, cả 2 câu lạc bộ cùng bị phạt mức tiền 48,8 triệu bảng và có đến 32,5 triệu bảng là “án treo”. Man City và PSG chỉ phải nộp phạt 16,3 triệu bảng nếu đáp ứng được các điều kiện tài chính thời gian tới và mùa tiếp theo không được chi quá 48,8 triệu bảng mua cầu thủ.

Mức phạt đó chỉ đủ để “gãi ngứa”. Với Man City và PSG, khoản tiền 16,3 triệu bảng quá nhỏ bé. Còn việc giới hạn mức chi mùa tới, thì với việc đã sở hữu hàng loạt cầu thủ hàng đầu thế giới, họ cũng sẽ chẳng phải bận tâm nhiều đến việc bổ sung lực lượng.

Những tưởng “trò đùa” chỉ dừng lại ở đó, thì một thời gian sau, giới túc cầu lại ngã ngửa bởi Luật Công bằng tài chính quá… dễ lách. Nguyên tắc trong việc hạn chế chi tiêu của UEFA là câu chuyện lỗ-lãi trong hoạt động câu lạc bộ mà không đề cập giới hạn số tiền chuyển nhượng và quỹ lương.

Các ông lớn có nhiều cách để lách luật. Như Man City, họ bán bản quyền truyền hình cho 1 câu lạc bộ mà chẳng ai biết ở đâu để mang về doanh thu. Với PSG, thương vụ mang về Neymar đã trở thành tiêu biểu cho sự “khôn lỏi” trong việc lách luật của họ.

Ngày 2-8-2017, luật sư của Neymar đến trụ sở của Barca thanh toán khoản tiền 222 triệu Euro nhằm phá vỡ hợp đồng cho thân chủ. Barca chuyển hồ sơ lên Ban Tổ chức La Liga để xem xét. La Liga cho rằng vụ chuyển nhượng này vi phạm Luật Công bằng tài chính và tham khảo ý kiến từ UEFA và cơ quan quyền lực nhất bóng đá châu Âu không có ý kiến phản đối.

Luật đã bị lách dễ dàng. Đầu tiên, thay vì dùng tiền ngân sách, PSG “mượn tạm” tiền Neymar và cầu thủ này tự bỏ “tiền túi” tự giải phóng hợp đồng. 222 triệu Euro “mượn tạm”, PSG trả lại Neymar bằng cách để Qatar Sports Investments (cơ quan chủ quản của PSG) “mời” anh làm Đại sứ hình ảnh cho World Cup 2022 với chi phí tương ứng.

Cần sự công bằng

Luật Công bằng tài chính ra đời với mục đích rõ ràng: Không có chuyện các câu lạc bộ lớn vung tiền vô tội vạ để kéo về những cầu thủ giỏi nhất. Trong khi những đội bóng với tiềm lực tài chính có hạn đành chấp nhận sử dụng những cầu thủ “làng nhàng”.

Và quả thật, đã có những “quả đấm thép” của UEFA, nhưng bi hài ở chỗ, nó không dành cho “đại gia” mà cho các đội bóng “thường thường bậc trung”.

Luật Công bằng tài chính: Chờ điều gì từ vụ Man City?

Malaga chưa kịp ngoi lên đã bị nhấn ngụp xuống do án phạt của UEFA.

Theo báo cáo tài chính của câu lạc bộ Galatasaray (Thổ Nhĩ Kỳ), trong 3 năm liên tiếp (2014- 2016) bị thua lỗ. UEFA cấm Galatasaray tham dự Champions League ở các mùa 2016/17 và 2017/18. Không còn nguồn thu dồi dào như giải đấu này, Galatasaray càng điêu đứng và chưa thể ngóc đầu lên được.

Malaga (Tây Ban Nha) cũng đã từng bị UEFA xử phạt. Họ chỉ mới giàu lên, nhưng sớm lụi tàn bởi bản án cấm thi đấu 4 năm tại cúp châu Âu. Sau đó, các ông chủ cũng tìm cách tháo chạy, các ngôi sao mới mua về cũng phải bán xới. Họ chưa kịp ngoi lên đã bị nhấn chìm xuống.

Bởi những nghịch lý đó, nhiều ý kiến đã phản đối UEFA vì họ vẫn làm ngơ cho các đội bóng siêu giàu và khiến một số câu lạc bộ hạng trung thêm khó khăn.

Gần đây nhất, AC Milan cũng khiến Luật Công bằng tài chính bị “việt vị” dù phải nhận án phạt. UEFA phạt AC Milan bằng việc cấm họ thạm gia những giải đấu trong hệ thống do UEFA tổ chức ở mùa giải 2019/2020 do vi phạm luật FFP trong 2 giai đoạn điều tra 2015-2017 và 2016/2018.

Luật Công bằng tài chính: Chờ điều gì từ vụ Man City?

Án phạt cấm thi đấu mùa giải này hoàn toàn nằm trong toan tính của AC Milan.

Tuy nhiên, đây là điều hoàn toàn nằm trong toan tính của bộ sậu gã khổng lồ nước Ý và họ chấp nhận án phạt một cách vui vẻ. Kết thúc mùa giải với vị trí thứ 5, Milan chỉ được tham dự Europa League, một giải đấu hạng 2 tại châu Âu. Họ vốn chẳng mặn mà với giải đấu mang lại ít giá trị thương mại này.

Chưa kể, việc bị cấm thi đấu cúp châu Âu mùa giải 2019/2020 giúp họ thoát khỏi sự “soi mói” của UEFA và những mùa giải sau họ sẽ thoải mái và mạnh tay hơn trên thị trường chuyển nhượng.

Với Man City, lần này, họ nhận án phạt bởi báo cáo điều tra của UEFA chỉ ra: Công ty mẹ Abu Dhabi United Group của nửa xanh thành Manchester bơm tiền trái phép để chi tiêu vượt quá nguồn thu thương mại và giải thưởng.

Luật Công bằng tài chính: Chờ điều gì từ vụ Man City?

Nếu bản án được thực thi, sẽ là tai họa cho Man City với sự tháo chạy của HLV Guardiola và các ngôi sao.

Cụ thể, ít nhất 60-70 triệu bảng được Abu Dhabi United Group chuyển cho Man City dưới vỏ bọc giấy tờ là các hợp đồng tài trợ (áo đấu, tên sân vận động, cơ sở tập luyện…) với hãng hàng không quốc gia của UAE là Etihad. Tuy nhiên, con số thực tế Etitad chi trả được cho chỉ vỏn vẹn 8 triệu bảng.

Nhiều người vẫn nghĩ sẽ với những bằng chứng khó chối cãi, Man City chắc chắn sẽ bị phạt. Tuy nhiên, mức phạt cụ thể như thế nào, sẽ do Tòa án thể thao quốc tế định đoạt, nhưng có thể nhẹ hơn bản án của UEFA nhiều nếu các báo cáo tài chính bị “phù phép”.

Vẫn phải chờ đến phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, cần ghi nhận, rõ ràng UEFA đã tìm cách tung “quả đấm thép” vào các đại gia. Nhiều người hi vọng về sự công bằng khi PSG, Manchester United, Chelsea hay các đội bóng lắm tiền nhiều của khác sẽ biết sợ nếu cuối cùng là một bản án nghiêm khắc.

Nếu điều đó xảy ra, trước mắt, vấn đề thâm hụt tài chính mà Man City phải chịu là không thể tránh khỏi. Chưa kể, họ còn có thể mất đi hàng loạt trụ cột và quan trọng nhất là HLV Guardiola. Thử hình dung xem, các ngôi sao hàng đầu thế giới liệu có hứng thú công hiến ở một đội bóng không được tham gia UEFA Champions League. Điều đó chẳng khác gì những vũ công giỏi nhất không được biểu diễn ở sân khấu lớn nhất. Và người đi đã đành, người đến còn có ai hào hứng?

Chủ đề Ngoại hạng anh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast