Nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump có ý nghĩa gì với châu Á?

Châu Á sẽ chứng kiến nhiều thay đổi nếu ông Trump tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai bởi sức mạnh quân sự của Mỹ có thể tập trung vào khu vực này để kiềm chế Trung Quốc ngày càng nổi lên mạnh mẽ.

Triển vọng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump

Những sự kiện gần đây, vốn có khả năng đảo ngược tình hình tranh cử tổng thống Mỹ khiến những dự đoán trước đó về đường vào Nhà Trắng của ông Joe Biden cần được đánh giá lại. Tổng thống Trump dường như đang hồi phục mạnh mẽ sau khi mắc Covid-19. Mặc dù ông vẫn bị dẫn trước trong hầu hết các cuộc khảo sát nhưng điều đó đã từng xảy ra năm 2016. Trên thực tế, sự ủng hộ mạnh mẽ của các cử tri với ông Trump, những người không bị ảnh hưởng bởi các biến cố, dường như vẫn không hề thay đổi.

Nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump có ý nghĩa gì với châu Á?

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới có tác động rất lớn đến bản thân nước Mỹ và khu vực Đông Á, dựa trên những dự đoán trước đó cũng như sự khác biệt về chính sách giữa ông Trump và ông Biden.

Ngày 1/7, một bài bình luận trên New York Times đã dẫn ra các số liệu khảo sát cho thấy ông Biden dẫn trước ông Trump ở mức 2 con số và dự đoán rằng khả năng chiến thắng phiếu đại cử tri của ông Trump chỉ là 1/10. Tác giả bài viết kết luận “tình hình của ông Trump dường như rất ảm đạm”.

Tuy nhiên, theo một số cuộc khảo sát gần đây, ngay cả những đơn vị tiến hành khảo sát từng đánh giá thấp sự ủng hộ của cử tri với ông Trump năm 2016 cũng cho thấy ông dẫn trước ở các bang dao động như Arizona, Florida và Michigan. Nền kinh tế đã khôi phục mạnh mẽ trở lại, GDP quý 2 của Mỹ cho thấy mức tăng trưởng mạnh nhất trong lịch sử và tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 15% thời kỳ đỉnh dịch xuống còn chưa tới 8% hiện nay.

Một cuộc khảo sát gây sốc hồi đầu tháng 9 cho thấy ông Trump và ông Biden có tỷ lệ ngang nhau ở nhóm cử tri gốc Tây Ban Nha tại hạt Miami-Dade, bang Florida, vốn nghiêng hẳn về đảng Dân chủ. Hơn nữa, ông Trump đang chiếm ưu thế trong những chiến dịch với các sự kiện đông người tham gia, trái ngược hẳn với chiến dịch tranh cử trực tuyến của ông Biden.

Việc ông Trump thành Tổng thống có ý nghĩa gì với châu Á?

Diễn biến này cũng đặt ra một câu hỏi: Liệu nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với nước Mỹ và Đông Á? Nhiệm kỳ thứ hai của các Tổng thống thường mờ nhạt hoặc thậm chí là thảm họa. Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Bill Clinton lún sâu trong những bê bối. Tổng thống George W. Bush cũng chứng kiến tỷ lệ ủng hộ giảm xuống mức 30% sau những thất bại ở Iraq và cuộc khủng hoảng tài chính. Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama thì chứng kiến sự trì trệ về kinh tế kéo dài và đó là tiền đề làm nên chiến thắng cho ông Trump.

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ thứ hai, các Tổng thống thường mất quyền kiểm soát Hạ viện và tập trung nhiều hơn vào các vấn đề đối ngoại, lĩnh vực mà họ có thể đơn phương hành động.

Đối với khu vực Đông Bắc Á, nếu trở thành Tổng thống, ông Trump sẽ tiếp tục thỏa thuận thương mại thứ hai với Nhật Bản, đồng thời đảm bảo duy trì mối quan hệ vững chắc giữa Washington và Tokyo.

Với Trung Quốc thì khác. Mỹ và các đồng minh tiến hành nhiều biện pháp quan trọng nhằm ngăn cản những nỗ lực của Bắc Kinh để chiếm ưu thế trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo hay viễn thông. Do đó, nếu đắc cử, ông Trump và các quan chức Mỹ sẽ chỉ gia tăng những nỗ lực nhằm kìm hãm Bắc Kinh qua việc hạn chế công nghệ chất bán dẫn và ngăn cản sự tiếp cận của Trung Quốc với các tổ chức nghiên cứu nước ngoài hàng đầu.

Ông Trump có thể cũng sẽ dịch chuyển sức mạnh quân sự của Mỹ từ Trung Đông và châu Âu sang khu vực Thái Bình Dương, vấn đề đã được thảo luận trong 1 thập kỷ qua. Mặc dù từ chối chấm dứt thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc nhưng ông Trump không còn nhắc nhiều đến thành tựu này nữa. Thỏa thuận này có thể chỉ là còn là một cái tên và việc Trung Quốc nhập khẩu nông sản Mỹ theo thỏa thuận sẽ còn cần một thời gian dài. Do đó, nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ đẩy mạnh quan hệ thương mại với các đối tác châu Á khác.

Chính sách đối ngoại của ông Trump ở châu Á tương phản sâu sắc với chính sách của ông Biden. Mặc dù một số cố vấn của cựu Phó Tổng thống khẳng định chính sách với Trung Quốc của ông tương tự với Tổng thống Trump nhưng gần đây, ông Biden từ chối gọi Bắc Kinh là “kẻ thù” mà thay vào đó chỉ gọi là “đối thủ cạnh tranh”. Ông Biden cũng phản đối việc áp thuế lên Trung Quốc theo Điều 301 Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974 mà ông Trump thực hiện. Các cố vấn thương mại của ông Biden cho hay cựu Phó Tổng thống Mỹ có thể sẽ lấy việc này ra để “mặc cả” về một thỏa thuận biến đổi khí hậu với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tóm lại, một nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng của ông Trump sẽ chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ về châu Á với tâm điểm là một cuộc cạnh tranh chiến lược nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc và các tham vọng không giấu diếm của Bắc Kinh trong khu vực cũng như trên thế giới./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast