Người dân miền núi Hà Tĩnh vào mùa gom mật ngọt

(Baohatinh.vn) - Tháng ba, khi nắng ấm gọi cây cối thức giấc sau mùa đông dài, trên khắp miền quê Vũ Quang (Hà Tĩnh), từng đàn ong lại nối nhau bay đi tìm mật. Và người nuôi ong cũng sẵn sàng cho một mùa “thu hái”.

Người dân miền núi Hà Tĩnh vào mùa gom mật ngọt

Với hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi ong, ông Nguyễn Quang Đài (thôn Mỹ Ngọc, xã Đức Lĩnh) cho biết, mùa nào ong cũng cho mật nhưng nhiều nhất vẫn là mùa xuân.

“Tháng ba - mùa con ong đi lấy mật” - người nuôi ong nắm rõ quy luật ấy nên mỗi khi tháng ba trở về trên tinh khôi bông cam, bông bưởi, khi đầy rừng hoa nở họ lại tất bật bước vào mùa chăm ong để gom mật ngọt.

Nói là ong nuôi nhưng thực ra mật lấy được đều rất tự nhiên. Để thu hoạch được lượng mật chất lượng, người nuôi đã phải nghiên cứu để hiểu đàn ong của mình. Ong có đặc tính bầy đàn rất cao và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ.

Vì vậy, người nuôi nếu muốn thành công, phải “hiểu” được ong; có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng; thường xuyên vệ sinh thùng đảm bảo khô ráo và sạch sẽ. Có như vậy, đàn ong mới khỏe mạnh và cho năng suất cao.

Người dân miền núi Hà Tĩnh vào mùa gom mật ngọt

Với 60 đàn ong, mỗi đợt thu hoạch, ông Nguyễn Quang Đài thu được khoảng 80 lít.

Ông Nguyễn Quang Đài (thôn Mỹ Ngọc, xã Đức Lĩnh) - người có hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi ong cho biết: “Mùa xuân vẫn là mùa ong lấy được nhiều mật nhất. Gia đình tôi có 60 đàn ong, bình quân mỗi năm tôi thu về khoảng 7 tạ mật.

Năm nay, thời tiết đầu xuân thuận lợi, các loài hoa bung nở nhiều nên ong tiết mật đều. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi thu hoạch được 80 lít mật. Vì đang đầu mùa nên mật ong bán khá được giá, 300 nghìn đồng/lít”.

Người dân miền núi Hà Tĩnh vào mùa gom mật ngọt

Thời điểm này, gia đình ông Trần Văn Thắng (thôn 4, xã Ân Phú) đang bắt đầu thu hoạch lứa mật ong chính vụ đầu tiên trong năm.

Những ngày này, vì đang chính vụ nên gia đình ông Trần Văn Thắng (thôn 4, xã Ân Phú) luôn “sát cánh” cùng những đàn ong.

Ông Thắng cho biết: “Thời điểm này, gia đình đang bắt đầu thu hoạch lứa mật ong chính vụ đầu tiên trong năm. Ước tính, 20 đàn ong của gia đình sẽ thu khoảng 60 lít mật chất lượng cao, cho thu nhập khoảng 18 triệu đồng. Nuôi ong không khó, lợi nhuận lại cao nên gia đình tôi rất yên tâm khi gắn bó với loài vật nuôi này”.

Người dân miền núi Hà Tĩnh vào mùa gom mật ngọt

Vì đang đầu mùa nên các cầu mật của gia đình ông Thắng đều nặng trĩu.

Với hơn 20 năm làm nghề nuôi ong, ông Thắng “hiểu con ong như hiểu chính mình”. Tâm huyết với nghề, ông Thắng và các thành viên trong HTX Ân Phú đã xây dựng thành công thương hiệu “Mật ong Ân Phú” và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020.

Nhờ đó, sản phẩm mật ong của ông và các thành viên trong HTX làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Thậm chí có nhiều thời điểm “cháy hàng”.

Người dân miền núi Hà Tĩnh vào mùa gom mật ngọt

Vợ chồng ông Thắng cẩn thận quay từng cầu mật vừa thu hoạch từ các tổ ong.

Cũng như nhiều nghề khác, nghề nuôi ong đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ. Đưa tay nhấc một cầu ong lên kiểm tra, ông Thắng rón rén, nhẹ nhàng để không làm đàn ong hoảng sợ.

“Con ong rất khó tính, nếu không nhẹ tay để ong “cáu”, nó sẽ xù lên đốt chủ. Khó khăn nhất với người nuôi ong là làm sao để đàn ong không bỏ tổ. Có những người nuôi ong đã 6 - 7 năm vẫn thiếu kinh nghiệm, dẫn đến mất mùa, lượng mật thu về không đáng kể” - ông Thắng cho hay.

Nuôi ong không tốn thời gian chăm sóc nhưng lại đòi hỏi sự cẩn thận. Người nuôi ong không chỉ như người mẹ chăm sóc con nhỏ mà còn cần phải như một nhà dự báo thời tiết để lựa chọn thời điểm chia đàn, nhân đàn phù hợp.

Người dân miền núi Hà Tĩnh vào mùa gom mật ngọt

Ông Phạm Đăng Anh (thôn 3, xã Ân Phú) nuôi 20 đàn ong, mỗi năm thu về khoảng 250 lít mật, thu nhập trên 70 triệu đồng.

Ông Phạm Đăng Anh (thôn 3, xã Ân Phú) chia sẻ: “Thời điểm chia đàn, nhân đàn cho ong thích hợp nhất là vào tháng 2, tháng 3, tháng 10, tháng 11. Nghề nuôi ong mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Gia đình tôi nuôi 20 đàn, mỗi năm thu khoảng 250 lít mật, thu nhập trên 70 triệu đồng”.

Với kinh nghiệm nuôi ong lấy mật lâu năm, ông Anh cho biết: “Hoa nhãn, hoa vải, hoa cam, hoa bưởi sẽ cho mật màu vàng óng; hoa rừng sẽ cho mật màu đậm. Và mật của những loài hoa này dẻo quánh, không ngọt gắt như các loại mật khác, không bị ngả màu hay đóng đường nên được khách hàng tin tưởng sử dụng”.

Người dân miền núi Hà Tĩnh vào mùa gom mật ngọt

Vì đang đầu mùa nên mật ong có giá khá ổn định, dao động từ 290 - 300 nghìn đồng/lít.

Như mối quan hệ cộng sinh, những vườn cam, vườn bưởi… cho ong mật ngọt và những con ong chăm chỉ hút mật, thụ phấn để giúp các loại cây ăn quả đơm hoa, kết trái thuận lợi.

Ông Phan Văn Hóa - Phó Chủ tịch UBND xã Ân Phú thông tin: “Toàn xã hiện có trên 40 hộ nuôi ong, với hơn 500 đàn. Trong đó, có 1 HTX đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao, với 27 thành viên tham gia.

Mỗi năm, toàn xã cung cấp ra thị trường gần 7 tấn mật, thu về khoảng 21 tỷ đồng. Để nghề nuôi ong lấy mật ở Ân Phú ngày một phát triển, sản phẩm mật ong ngày càng vươn ra các thị trường lớn, chính quyền địa phương đang vận động các hộ tham gia vào HTX để nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Người dân miền núi Hà Tĩnh vào mùa gom mật ngọt

Huyện Vũ Quang hiện có hơn 1.000 hộ nuôi ong với hơn 5.000 đàn. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Vũ Quang kiểm tra mô hình nuôi ong của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở tổ dân phố 3 (Thị trấn Vũ Quang).

Huyện Vũ Quang hiện có hơn 1.000 hộ nuôi ong với hơn 5.000 đàn, mang về nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang cho biết: “Năm nay, thời tiết đầu xuân khá thuận lợi, ong tiết mật nhiều. Vì đang đầu mùa nên mật có giá khá ổn định, dao động từ 290 - 300 nghìn đồng/lít.

Để giúp người dân tăng thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật và bảo đảm tính bền vững, chúng tôi đã hướng dẫn bà con áp dụng KHKT vào quá trình nuôi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức nuôi dưỡng, phòng trị bệnh, chăm sóc, nhân đàn, quản lý các đàn ong giống cho người dân”.

Hương sắc mùa xuân đang vào độ “chín”, trên các sườn đồi, những đàn ong chăm chỉ cũng đang cần mẫn đi tìm mật ngọt. Người nuôi ong cũng vậy. Họ cũng đang cần mẫn đợi chờ một mùa mật mới lên sắc, lên hương…

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast