Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP cho kết quả khả quan

(Baohatinh.vn) - Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP vụ hè thu 2020 trên đồng đất Hà Tĩnh nhằm đảm bảo an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái.

Sáng 27/8, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh chủ trì hội thảo mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP vụ hè thu 2020, sử dụng phân hữu cơ Sông Gianh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, lãnh đạo các huyện, thành phố và các đơn vị cung ứng giống, phân bón hữu cơ cùng dự.

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP cho kết quả khả quan

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng các đại biểu tham quan mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP tại xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên)

Vụ hè thu năm 2020, từ nguồn kinh phí phân bổ cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP.

Mô hình được triển khai thí điểm tại các huyện: Kỳ Anh (20ha), Cẩm Xuyên (20 ha), Đức Thọ (20 ha), Thạch Hà (11 ha) và sử dụng giống lúa RVT và Dự Hương 8 do Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam Vinaseed cung ứng.

Các loại lúa đều được bón phân hữu cơ khoáng Hà Gianh HCK-242, hữu cơ khoáng Sông Gianh HCK-423 của Tổng Công ty Sông Gianh theo quy trình do đơn vị này đề xuất.

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP cho kết quả khả quan

Đại biểu tham quan mô hình tại xã Thạch Liên (Thạch Hà)

So với đối chứng các giống lúa gieo cấy tại mô hình có thời gian sinh trưởng tương đương. Giống RVT sinh trưởng 95 - 97 ngày, giống Dự Hương 8 sinh trưởng 95 - 96 ngày. Đặc biệt, vụ hè thu 2020 trên các vùng sản sản xuất lúa mô hình hầu như ít bị đối tượng gây hại, khả năng chống đổ của cây lúa cao.

Đánh giá cho thấy, năng suất của các giống lúa sử dụng phân hữu cơ có giảm so với sử dụng phân vô cơ. Tuy nhiên, năng suất dự kiến thu hoạch vẫn ở mức khá so với các lúa sản xuất vụ hè thu tại Hà Tĩnh, đạt từ 53 - 56 tạ/ha (RVT: 53 tạ/ha, Dự Hương 8: 56 tạ/ha).

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP cho kết quả khả quan

Đại biểu dự hội thảo

Chi phí đầu tư về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật của canh tác hữu cơ và canh tác thông thường của bà con nông dân chênh lệch không đáng kể (9.495.000 đồng/ha so với 9.230.000 đồng/ha); chi phí khác (công làm đất, gieo trỉa, chăm sóc, thu hoạch) của canh tác hữu cơ cao hơn so với canh tác thông thường (4.500.000 đồng/ha).

Nhưng khi đánh giá về hiệu quả kinh tế của 2 phương thức canh tác cho thấy, sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ cho thu nhập cao hơn so với canh tác thông thường là 2.485.000 đồng/ha. Như vậy, trong vụ đầu tiên triển khai mô hình bước đầu cho thấy, lúa sản xuất theo quy trình hữu cơ cho giá trị thu nhập cao hơn.

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP cho kết quả khả quan

Ông Nguyễn Văn Xuyên - thôn Phú Quý, xã Thạch Liên, Thạch Hà: Lần đầu tiên trồng lúa nhưng không phải bón, phun thuốc bảo vệ thực vật, ban đầu chúng tôi không tin tưởng lắm. Nhưng qua vụ hè thu này cho thấy, cây lúa phát triển tốt, không bị sâu bệnh, năng suất khá; người nông dân cũng không phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật nên cản thấy rất yên tâm.

Tại hội thảo, các hộ nông dân trực tiếp thực hiện mô hình và các sở, ngành, địa phương đều ghi nhận những hiệu quả bước đầu của mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP vụ hè thu năm 2020; góp phần chuyển đổi vùng đất từ sản xuất vô cơ sang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; hướng tới xây dựng chuỗi sản phẩm OCOP lúa gạo hữu cơ của Hà Tĩnh.

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP cho kết quả khả quan

GS.TS Đại tá Vương Khả Cúc - Chủ tịch Ban Cố vấn Tổng Công ty Sông Gianh: Với quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn không sử dụng phân bón vô cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực hóa học có hiệu quả rất lớn đối với việc bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn hoan nghênh, đánh giá cao chủ đề hội thảo, đồng thời ghi nhận những kết quả bước đầu trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường của mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ đã triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh.

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP cho kết quả khả quan

Mô hình đã định hướng cho bà con nông dân sản xuất lúa theo hướng không bón phân vô cơ, không sử dụng thuốc hóa học, hóa chất kích thích, chất bảo quản nhằm đảm bảo an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, làm nông nghiệp hữu cơ là khó. Tuy nhiên, khó mấy cũng phải làm và phải làm căn cơ, bài bản, trách nhiệm, đảm bảo thực chất của sản xuất "hữu cơ”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị, các cấp các ngành, đặc biệt là ngành chuyên môn cần tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo để bà con nông dân hiểu rõ về tính hiệu quả của công nghệ hữu cơ để nhận thức, nhân rộng mô hình. Các đơn vị cung ứng giống, phân bón hữu cơ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ngành nông nghiệp Hà Tĩnh hoàn thành mục tiêu sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast