Truyện ngắn: Mận

(Baohatinh.vn) - Năm nay Mận mười bảy, thân hình đã ra dáng thiếu nữ rồi. Mận nghỉ học từ hồi xong lớp 9. Thực tình so với đám bạn cùng tuổi thì Mận khờ khờ, chậm chạp nên nó trầy trật mới theo hết cấp hai. Bố mẹ nó thấy vậy thì bảo, thôi học không nổi nữa thì nghỉ, ở nhà phụ bà chăm mấy luống rau kiếm đồng ra đồng vào mắm muối. Mận vui ra mặt. Nó làm việc chăm chỉ lắm.

- Thôi, bỏ đi, bỏ qua đi chị Dân ạ! Tại nó không biết đấy thôi! Đừng chấp.

- Bỏ đi cô, cũng chẳng ảnh hưởng gì. Người làng người nước mình cả.

Người ta xua nhau, ai nấy quay lại sạp hàng của mình. Còn Mận quẩy gánh rau ra khu vực dành cho người dân bán hàng nhưng trong lòng xem ra còn ấm ức.

Khu chợ của xã chia lô rõ ràng cho những tiểu thương buôn bán. Có mái, có sạp hẳn hoi. Còn lại một khoảng đất trống phía Nam dành để người dân, nhà ai có gì đôi lúc mang lên bán. Ở khu đó, người bán vài mớ rau, người bán đôi gà, người lại bán ít quả vườn nhà, có khi là ổ trứng hay mớ tôm tép nửa đêm rạng sáng chồng con đi xúc được…

Truyện ngắn: Mận

Khu đó, người bán vài mớ rau, người bán đôi gà, người lại bán ít quả vườn nhà, có khi là ổ trứng hay mớ tôm tép nửa đêm rạng sáng chồng con đi xúc được… Ảnh minh họa

Nói chung thập cẩm đủ cả nhưng Mận chẳng biết đến sự phân chia đó. Mận cứ nghĩ ai đến sớm thì được chọn chỗ mình thích, nên sáng nay nó đã dậy thật sớm cắt rau đay rồi xếp vào quang gánh cùng những bó rau muống hai bà cháu đã hái sẵn từ chiều qua. Đi sớm còn chọn chỗ đẹp, nó nghĩ vậy.

Và rồi nó chọn gian bán đồ khô của chị Dân. Chị Dân đến thì Mận đã bày rau ra rồi. Lúc đầu chị cũng nói nhỏ nhẹ nhưng nó không nghe, nghĩ chị cậy lớn bắt nạt nhỏ. Sau thì chị làm toáng lên, la mắng. Mận thấy vô lý quá, muốn cự lại mà mồm miệng lúc đó sao cứ cứng vào, chậm chạp. Cũng may mọi người xúm lại nói giúp mỗi người một câu, chị Dân mới nguôi giận, chứ không chị nói từ sáng đến trưa luôn.

Năm nay Mận mười bảy, thân hình đã ra dáng thiếu nữ rồi. Mận nghỉ học từ hồi xong lớp 9. Thực tình so với đám bạn cùng tuổi thì Mận khờ khờ, chậm chạp nên nó trầy trật mới theo hết cấp hai. Bố mẹ nó thấy vậy thì bảo, thôi học không nổi nữa thì nghỉ, ở nhà phụ bà chăm mấy luống rau kiếm đồng ra đồng vào mắm muối. Mận vui ra mặt. Nó làm việc chăm chỉ lắm.

Mận ngồi sau gánh rau của mình, ai đi qua cũng niềm nở mời chào, cái này là bà dạy cho Mận từ những lần đi chợ cùng bà (chỉ có điều Mận chào không được nhanh nhẹn như người ta).

- Mận ơi, nay đi chợ mỗi mình à? Bán cho cô mớ rau nào!

Người phụ nữ ngồi xuống cầm hai mớ rau muống bỏ vào làn. Vừa mở ví lấy tiền trả Mận, người phụ nữ vừa hỏi:

- Nay bà đâu mà để cháu bán một mình vậy?

- Bà cháu ốm rồi. Chiều qua còn hái rau cùng cháu mà đêm đến bà mệt. Sáng nay bà không dậy nổi nữa.

Gà gáy sang canh thì bà của Mận cắt cơn sốt. Mới mờ sáng bà đã chống tay định ngồi dậy ra vườn cắt thêm ít rau đay, hái ít đậu đũa để hai bà cháu đi chợ, thế mà gượng mãi không dậy nổi. Bà yếu xìu. Qua cơn sốt nóng sốt rét đêm qua, bà như không còn hột sức nào. Sáng nay, mẹ Mận phải nghỉ làm để ở nhà coi bà. Mận cắt thêm được ít rau thì xếp lên quang gánh đi cho sớm.

Truyện ngắn: Mận

Bà mệt mà còn cố thều thào dặn Mận đi bán sớm sớm rồi về kẻo nắng. Minh họa Internet

Lúc Mận gánh rau đi, mẹ đang đút cháo cho bà. Bà mệt mà còn cố thều thào dặn Mận đi bán sớm sớm rồi về kẻo nắng. Mận vừa đi vừa nghĩ, bà thật là, đã mệt rồi mà cứ lo cho Mận. Mận lớn rồi mà. Gánh rau ra chợ giúp bà, cứ băng băng, có khi bà theo còn không kịp ấy chứ.

Bà của Mận - bà Thiên, trước là một thanh niên xung phong, hoạt động chủ yếu ở chiến trường Tây Nguyên. Bà đi từ năm sáu mốt đến năm sáu sáu thì gặp và yêu ông Mận - cũng là một người lính. Đơn vị tổ chức đám cưới cho hai người, tuy đơn sơ nhưng hạnh phúc và ấm tình đồng đội. Được vài tháng, bà mang thai bố của Mận, cũng do bị thương nên đơn vị cho xuất ngũ trở về quê.

Ai ngờ buổi chia tay đó là buổi biệt ly mãi mãi. Ông Mận hy sinh tại chiến trường một năm sau đó. Bố Mận sinh ra chưa một lần gặp mặt cha. Một mình bà Thiên âm thầm phụng dưỡng cha mẹ chồng già cả, nuôi nấng thằng con. Bố mẹ chồng không đành nhìn bà như vậy, giục bà đi bước nữa thì bà vẫn một mực lắc đầu. Nên giờ bố Mận trên dưới chẳng có anh em gì cả. Mận cũng giống bố, chỉ có một mình, buồn thiu.

Mà thực ra bố mẹ Mận không phải chỉ đẻ mình Mận. Trên Mận còn hai người anh nữa. Nhưng… Có lần Mận nghe bà thở dài kêu hai người anh của Mận vắn số. Một người vừa mới sinh ra đã mềm oặt như sợi bún, sống đâu được vài ngày. Đau lắm, mà ngày đó chưa biết do làm sao, cứ nghĩ con cháu nó không có duyên trần thế với gia đình.

Nguôi nguôi chừng hai năm, mẹ Mận lại sinh anh thứ hai. Lúc đón anh từ tay y sĩ trạm y tế, bố Mận run run, hồi hộp. Bố lật đật mở chiếc khăn quấn anh ra, thấy chân tay con bụ bẫm, giơ lên khua khoắng, miệng khóc oe oe vang cả khu trạm xá. Đến lúc ấy bố Mận mới bật khóc sung sướng mà nói: “Không sao rồi con ơi!”. Vậy mà anh càng lớn càng sao sao ấy. Bà bảo vậy. Con người ta ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi, bi bô gọi bà, gọi mẹ. Còn anh thì năm tháng mới lẫy, mười tháng mới bò rồi thì lê lết mãi chẳng đứng lên được lần nào. Miệng thì cứ u a u ơ. Được đúng mười tuổi thì anh mất sau hơn năm ốm nằm liệt.

Bữa đó trời mưa, Mận và bà không ra vườn nhổ cỏ, hái rau được. Mận nằm gối đầu vào lòng bà nghe tiếng mưa rơi lộp bộp ngoài vườn. Còn bà, mắt nhìn xa xăm vào khu vườn qua ô cửa sổ, vừa vuốt mái tóc Mận, vừa kể chuyện. Bà bắt đầu từ chuyện mưa ở rừng không “hiền” như mưa ở nhà, đến chuyện bộ đội mình hành quân qua rừng, muỗi, vắt nhiều vô kể.

Rồi bà lại kể bố Mận giống ông như đúc. Mận chưa từng gặp ông nhưng qua lời kể của bà, Mận có thể hình dung ra, từ khuôn mặt sạm nắng của bố có thêm một chùm râu trước ngực. Còn mái tóc thì bạc trắng gần hết như mái tóc của bà. Ông là như thế. Chợt Mận thấy có hạt nước rơi vào má mình, ươn ướt. Nước mắt bà chảy trên đôi gò má nhăn nheo mà Mận tưởng như hai dòng nước mưa đậu vào đó. Bà cứ tự trách mãi, tại bà mà hai anh Mận thành ra như vậy. Sau này khi biết đích xác hai anh mất do chất độc da cam, bố mẹ Mận không dám đẻ nữa. Mận ngồi dậy, nhìn bà ngơ ngác:

- Vậy còn cháu?

Bà lại kéo Mận nằm xuống lòng mình.

- Cháu là do tổ tiên ông cha phù hộ. Ngày biết mình lỡ mang thai nữa, bố mẹ cháu lo lắm.

Ngày mang thai Mận, mẹ Mận nghén lên nghén xuống, không ăn uống được gì, người xanh như tàu lá. Bà Thiên ngày đêm cầu nguyện mong cho con cháu mạnh khỏe đến ngày sinh nở được mẹ tròn con vuông. Đến khi thấy Mận sinh ra hồng hào, khỏe mạnh cũng chưa dám mừng, qua lốt mười năm của anh thứ hai mới bớt lo. Mận khỏe mạnh, chỉ có điều nhận thức hơi chậm. Bạn bè hay gọi Mận ngố. Bà bảo:

- Khôn ngoan không lại với giời cháu ạ. Cứ hiền lành, chăm chỉ cuộc sống khắc bình an. Sau này bà tìm cho một người chồng biết yêu thương, che chở cho cháu xong thì bà mới yên tâm đi theo ông và các cụ được.

- Cháu ở với bà, không đi lấy chồng đâu.

- Cha bố cô! Bà có sống mãi được đâu mà đòi ở với bà. (Bà thở dài) Rắn già rắn lột, người già người chui tọt vào săng.

Nói thì nói vậy chứ bố mẹ và bà Mận đều biết Mận chậm chạp, khù khờ thế cũng khó lấy chồng, mà lấy rồi chẳng biết có được hạnh phúc không hay còn khổ hơn là không lấy. Mà không lấy chồng, sau này bà và bố mẹ Mận đi cả thì lấy ai bên Mận. Mận sẽ buồn lắm.

- Mận ơi, còn bao nhiêu mớ rau muống đếm cả cho cô nhé! Ruộng rau nhà cô cấy được nửa già mà hết rau mất.

Mận cứ mải để ý thằng nhỏ ngồi chầu gian hàng bánh đúc mà không nghe tiếng cô Thanh gọi. Đến khi cô nhắc lần thứ hai Mận mới nghe thấy. Mận xếp rau cho cô mà mắt thỉnh thoảng lại nhìn về thằng bé. Cô Thanh hỏi:

- Mận nhìn gì đó.

- Nó đó!

- À, thằng bé đó chẳng biết ở đâu đến đây. Hai hôm rồi, cô đi chợ đều thấy. Hỏi gì nó cũng không nói. Nó cứ ngồi đấy, người cho cái này, cái kia. Chắc từ sáng giờ mọi người mới bán chưa ai cho gì, nó đói.

Mận bán hết rau, quẩy quang qua hàng trầu, mua cho bà vài lá trầu, ít quả cau. Mận cũng không biết là bà còn cau trầu không nhưng mỗi lần đi chợ, bà hay ghé hàng bà cụ Nhàn mua cau trầu nên hôm nay Mận cũng ghé mua. Chỉ có điều, Mận không nán lại nói chuyện với bà cụ một lúc như bà.

Truyện ngắn: Mận

Mận dắt tay nó vào hàng bánh đúc, gọi một miếng bánh đúc lạc, gói lá chuối đưa thằng bé. Ảnh Internet

Mận còn đang mải để ý đến thằng bé. Mận đến chỗ nó, đặt quang gánh xuống, ngồi xuống bên nó. Thằng bé hôi rình, tóc rối bù bụi bặm, mặt mũi lấm lem, chiếc áo phông nó mặc bị sứt chỉ hết bên hông, hở cả mạng sườn. Mận hỏi nó đói không, nó ngước cặp mắt nhìn Mận gật đầu. Mận hỏi bố mẹ em đâu, nó cúi đầu buồn buồn lắc đầu. Mận bảo em không biết nói hả. Nó gật. Mận dắt tay nó vào hàng bánh đúc, gọi một miếng bánh đúc lạc, gói lá chuối đưa thằng bé. Còn Mận mua ba miếng nữa gói treo đầu quang gánh về.

Mận ra đến cổng, ngoái lại, thấy thằng bé vẫn đứng nhìn theo. Miếng bánh đúc còn cầm trên tay. Mận ra hiệu nói nó ăn, nó vẫn đứng đó. Mận vẫy tay, nó liền chạy đến. Mận bảo:

- Muốn về cùng chị hả?

Đôi mắt thằng bé bỗng sáng lên. Nó gật đầu, bẻ đôi miếng bánh đúc đưa Mận một nửa. Mận lắc đầu: Nhường em cả đấy.

Truyện ngắn: Mận

Minh họa của Huy Tùng.

Thấy Mận đưa thằng bé lạ về, mẹ ngạc nhiên hỏi. Nghe Mận kể rồi mẹ không nói gì. Chỉ giục Mận đưa thằng bé đi tắm gội cho sạch sẽ. Bà gọi mẹ vào nói gì đó, mẹ ra xoay người nó, đo gang rồi lấy xe đi ra chợ.

- Để mẹ đi mua cho nó mấy bộ đồ.

- Chị gọi em là Mậm nha. Chị là Mận, em là Mậm.

Hai chị em Mận thích thú bên bờ giếng, tiếng cười vang cả góc vườn, làm mấy chú chim non trên chiếc tổ ở cành ổi ngay đầu hồi giật mình, chúng ngóc đầu cả dậy, miệng há to ra phía ngoài đòi ăn.

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast