Phơi chữ!

(Baohatinh.vn) - Tôi không đủ ngôn từ để diễn tả cảm xúc của mình khi nhìn cảnh người dân vùng lũ phơi sách vở. Có gì đó thắt nghẹn ở tim mình. Trên những nẻo đường tôi qua, sau lũ, người ta không phải phơi lúa, phơi ngô mà là phơi chữ...

Phơi chữ!

Cơn lũ tháng mười nhấn chìm nhiều làng mạc, thôn xóm, trường học

Tháng mười ở quê tôi, hầu như năm nào cũng có vài ba cơn bão, thi thoảng mẹ thiên nhiên nổi giận lại nhấn chìm tất cả vào trong lũ. Những mái nhà ngập nước, thóc lúa, hoa màu, trâu, bò, lợn, gà... cứ thế ra đi. Có một thứ khiến tôi đau lòng hơn cả, đó là những trang sách của học trò quê tôi cũng bị lũ cuốn chìm.

Những lúc này, tôi thấy thương yêu và trân quý nghề của mình vô cùng. Tôi ước gì mình có thể làm gì đó để những con chữ méo mó, nhăn nhúm kia có thể phẳng phiu, tròn trịa trở lại. Dù có phải nỗ lực như thế nào, tôi cũng sẽ sẵn sàng.

Phơi chữ!

Sau lũ, sách phơi đầy các phòng học...

Người miền Trung vốn sinh ra trong gian khó, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai nên xem sự học là con đường tốt nhất để phát triển.

Nhà văn Thomas Carlyle đã nói rằng “tất cả những gì con người làm, nghĩ hoặc trở thành: được bảo tồn một cách kì diệu trên những trang sách”; và như nhà bác học Lê Quý Đôn cũng khẳng định “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Chẳng bằng kinh sử một vài pho”. Người Hà Tĩnh xưa nay vốn trọng chữ nghĩa, kính thầy và thương sách.

Chiều nay, trên đường thiện nguyện cho người dân vùng lũ, tôi đã rưng rưng nước mắt khi bắt gặp hình ảnh đôi bàn tay gầy guộc của cô giáo cẩn thận nâng từng cuốn sách, cuốn vở đã nhũn ra vì ngâm nước lâu ngày. Cô nhẹ nhàng lau sạch đất, nhẹ nhàng chăng hết lên dây rồi bật quạt để hong cho khô sách, đợi ngày các con trở lại.

Tôi cứ đứng bần thần ở cửa phòng học ấy, xót xa và nghẹn ngào. Đây là số sách còn “cứu” được vì nằm trong phòng không trôi ra ngoài nhưng còn bao nhiêu em học sinh chưa thể mua sách sau ngày lũ rút khi cha mẹ chúng còn bận lo khắc phục hậu quả.

Phơi chữ!

Chia sẻ với học sinh vùng lũ, nhiều người đã đứng ra kêu gọi, quyên góp và cẩn thận phân loại thành từng bộ sách để mang đến cho học sinh vùng lũ.

Khi tôi nhìn thấy cảnh phơi sách vở dọc hành trình thiện nguyện của mình, tôi lại nhớ bạn bè tôi, những người đang cần mẫn thu gom sách cũ, phân loại và đóng thành từng bộ để mang đến cho các em học sinh vùng lũ.

Đất miền Trung nắng lắm mưa nhiều nhưng con người miền Trung vô cùng hiếu học, dẫu biết cơn bão sắp đến có thể khiến công sức phơi sách “đổ sông đổ biển” nhưng họ vẫn làm. Một niềm tự hào về nghề gieo chữ cứ dâng lên tràn ngập cảm xúc của tôi.

Ước gì những cơn bão ngoài khơi kia tan biến để hành trình đi tìm con chữ sẽ chẳng còn lao đao. Bão ơi thôi đừng đến! Thương lắm miền Trung!

Chủ đề Chung tay khắc phục hậu quả lũ lụt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast