Thắp sáng truyền thống hiếu học trên quê hương Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau 5 năm triển khai thực hiện (2015 - 2020), đến nay, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đã phủ sóng khắp các địa phương trên vùng đất học Hà Tĩnh.

Từ những hạt nhân tiêu biểu

Từ nhiều năm nay, “ngọn đèn học” của ông Đặng Tiến Dũng (xã Phúc Đồng, Hương Khê) đã thắp sáng ước mơ cho chính các con mình và biết bao trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên vùng rốn lũ.

Thắp sáng truyền thống hiếu học trên quê hương Hà Tĩnh

Khát vọng học tập của ông Dũng đã là động lực cho các con và hàng trăm học sinh ở vùng khó khăn.

Ông chia sẻ: “Bệnh tật làm cơ thể tôi khiếm khuyết, việc học cũng phải dang dở từ lớp 7 bởi cái khó, cái nghèo, nhưng tôi còn có một khát khao vẹn nguyên đó là cho con kiến thức để mở mang tầm nhìn, để con tự lập trong cuộc sống”.

Mỗi tối, ông Dũng lại trở thành người thầy cùng các con đèn sách ôn luyện, trau dồi kiến thức. Vừa tự học, vừa làm thầy, vừa làm trò của các con, nỗ lực miệt mài của ông trong việc góp nhặt kiến thức đã tạo động lực, thôi thúc các con không ngừng vươn lên. Đến nay, cả 5 đứa con của ông đều tốt nghiệp đại học, đều có việc làm ổn định.

Từ những học sinh đầu tiên là các con mình, ông Dũng đã trở thành thầy giáo của hàng trăm học sinh ở những vùng quê nghèo khó. Những kiến thức ông truyền đạt cho thế hệ con cháu, bài học về nỗ lực không ngừng của chính bản thân ông, con cái của ông đã là tấm gương để các thế hệ học sinh trong vùng noi gương phấn đấu.

Thắp sáng truyền thống hiếu học trên quê hương Hà Tĩnh

Ông Dũng đã trở thành thầy giáo của hàng trăm học sinh ở những vùng quê nghèo khó.

Cùng suy nghĩ “nền tảng giáo dục tốt chính là chìa khóa thành công trong tương lai”, vợ chồng ông Lê Tự Sâm, ở xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) luôn động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các con được theo đuổi quyết tâm của mình. Đồng tiền eo hẹp được chắt chiu gom góp trong mỗi mùa vụ, đồng lương lái xe của cha là động lực để 4 người con của ông bà rèn luyện, phấn đấu. Đến nay, cả 4 đều đã thành đạt, trong đó 1 người là tiến sỹ chuyên ngành kinh tế học, 1 người chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sỹ chuyên ngành xây dựng.

Cùng với sự “thắt lưng buộc bụng” của những người làm cha mẹ trong mỗi gia đình, các dòng họ ở Hà Tĩnh cũng đã phát huy vai trò, truyền thống trong việc khơi dậy phong trào học tập của con cháu. Các hình thức xây dựng quỹ khuyến học dòng họ, tôn vinh học sinh giỏi trong các dịp giỗ tổ, tế tổ… đã tiếp thêm niềm tự hào, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện ước mơ khởi nghiệp bằng con đường tri thức cho thế hệ tương lai.

Thắp sáng truyền thống hiếu học trên quê hương Hà Tĩnh

Với suy nghĩ, nền tảng giáo dục tốt chính là chìa khóa thành công trong tương lai, vợ chồng ông Lê Tự Sâm cố gắng tạo điều kiện cho con ăn học. Ảnh: Thùy Dương.

Con số 309.845 gia đình, gần 5 ngàn chi họ, dòng họ học tập tiêu biểu trong phong trào học tập của Hà Tĩnh 5 năm qua là minh chứng rõ nét về truyền thống hiếu học trên mảnh đất Hồng La.

Lan tỏa phong trào học tập suốt đời

Từ những ngọn đèn hiếu học ở các gia đình, dòng họ, phong trào học tập ở các đơn vị, cộng đồng dân cư cũng ngày càng tỏa sáng. 5 năm qua, toàn tỉnh có gần 2.900 cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu.

Thắp sáng truyền thống hiếu học trên quê hương Hà Tĩnh

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong các nhà trường đã khích lệ tinh thần học tập của học sinh.

Ở các công ty, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị là việc không ngừng nâng cao năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, công tác.

Với khối trường học là phong trào thi đua dạy tốt học tốt, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo; phát triển các thư viện trường học, phong trào xây dựng quỹ, tiếp bước cùng em đến trường, tiếp sức mùa thi...

Thầy Nguyễn Văn Quang - Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho biết: “Song song với phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng dạy và học, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên trường còn tích cực đẩy mạnh phong trào khuyến học khuyến tài. Đến nay, quỹ khuyến học của trường có 1,5 tỷ đồng, mỗi năm tặng hàng chục suất quà, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó”.

Thắp sáng truyền thống hiếu học trên quê hương Hà Tĩnh

Truyền thống khoa bảng tạo động lực cho con em học tập, đồng thời để nhiều vùng quê vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Phong trào học tập suốt đời cũng đã lan tỏa khắp các cộng đồng dân cư từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến miền biển.

Chủ tịch UBND xã Thạch Châu (Lộc Hà) Lê Văn Thông cho biết: “Cách đây gần 20 năm, Thạch Châu là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh thành lập thư viện trung tâm học tập cộng đồng. Buổi đầu, thư viện ra đời chỉ phục vụ niềm đam mê của một số người nhàn rỗi. Dần dần, thấy rõ lợi ích của việc đọc sách, bà con đủ mọi lứa tuổi đều tìm đến ngày càng đông. Đến nay, thư viện văn hóa xã đang đáp ứng tốt nhu cầu văn hóa đọc của phần lớn người dân, trong đó có các em nhỏ tại địa phương, với trên 3.600 đầu sách”.

Thắp sáng truyền thống hiếu học trên quê hương Hà Tĩnh

Thư viện cộng đồng xã Thạch Châu có hơn 3.600 đầu sách, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân.

Từ những nhân tố điển hình, đến nay phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập ở Hà Tĩnh đã lan tỏa, đi vào chiều sâu, chiều rộng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Trong giai đoạn mới, Hà Tĩnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo Kết luận 49-KL/TW, Quyết định số 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 159/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11- CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT”.

Gắn phong trào thi đua, khuyến học, khuyến tài, xây dựng các mô hình học tập với các phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng làng xã văn hóa và các phong trào thi đua khác ở địa phương, tạo động lực trong thực hiện khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, hướng tới xây dựng mô hình “Công dân học tập”, huyện, thành phố, tỉnh học tập.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.