Trâu ơi! Có nhớ thương đồng?

(Baohatinh.vn) - Mỗi lần mùa thu trở về, ghé qua cánh đồng trũng xanh ngút ngàn năn, lác, cỏ lùng và lúa “rai” ấy, lòng tôi lại xốn xang, xúc cảm dâng lên lấp lánh khóe mắt. Dòng ký ức tuổi thơ trong tôi tưởng chừng đã lắng sâu trong cuộc đời, nay trỗi dậy thao thiết. Cánh đồng lặng yên bỗng trỗi gió mênh mang và đàn trâu dặm bùn khô trắng lóa như đang hiện lên ràn rạt gặm cỏ…

Trâu ơi! Có nhớ thương đồng?

Tuổi thơ chăn trâu. Ảnh internet

Tôi ngửi thấy mùi bùn sâu ngai ngái. Tôi tan chảy trong ngan ngát hoa súng dại và những thứ hương bay lên từ bùn đã lắng qua một buổi sớm sương mai tinh khôi trên đồng trũng. Và hơn tất cả những hương vị đó của đất trời, thứ hằn in lên tuổi thơ của những đứa trẻ đồng quê như tôi là mùi của trâu “khắm” lên quần áo học trò.

Quê tôi là một vùng bán sơn địa, đầu gác tận đỉnh cao nhất non Hồng, chân duỗi xuống cánh đồng ven sông Yến. Chẳng thế mà suốt tuổi thơ tôi, mỗi lần đọc những câu chuyện từ Đông sang Tây, từ ngày xửa ngày xưa đến ngày nay… tôi thường tưởng tượng ra những địa danh được miêu tả trong truyện là chỗ này, chỗ khác trên quê hương mình.

Và ngay trên cánh đồng trũng giữa làng, những mùa tháng tám ngập đầy nước và năn, lác ấy, tôi cùng lũ trẻ trong làng cưỡi trâu băng băng đùa nghịch, tôi nghĩ mình đang sống như cậu bé An trong truyện “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi.

Tôi đã lớn lên như thế, ngập ngàn trong nhật ký tuổi thơ cùng lũ bạn là đàn trâu từng ngày ngụp lặn trên đồng trũng. Đó là cánh đồng Đầm Nẩy xanh mướt năn lác, lúa “rai” sau vụ gặt tháng 5.

Trâu ơi! Có nhớ thương đồng?

Trâu không chỉ là con vật giúp người nông dân cày ruộng mà là tài sản có giá trị lớn của mỗi gia đình. Ảnh Internet

Ngày ấy, cách đây đã hơn 20 năm, làng tôi nghèo hơn bây giờ rất nhiều. Cả làng sống chủ yếu nhờ vào trồng trọt: trồng lúa, trồng khoai lang, trồng khoai sắn, trồng chè… Vì đói, con người không ngơi nghỉ, đất không ngơi nghỉ và vì vậy, con trâu, con bò cũng không ngơi nghỉ. Có lẽ vì thế mà trong làng hầu như không có nhà nào không nuôi một con trâu, con bò để cày kéo.

Khi con người còn phải sống thiếu cái ăn thì những con vật nuôi cũng chủ yếu sống dựa vào rau cỏ ngoài đồng. Vì thế, trẻ con cả làng ngoài buổi học, đứa nào cũng phải đi chăn trâu, cắt cỏ. Cũng vì thế mà hội chăn trâu, hội chăn bò trở thành tập thể đầu tiên của chúng tôi khi bước ra khỏi mái trường. Thường thì bò ăn cỏ trên đồng khô, trâu lại ưa nước. Đặc tính của trâu là hễ trời nắng nóng là lội xuống ao, xuống đầm để dằm (tắm), vì vậy, khác với lũ trẻ chăn bò, hội chăn trâu thường dắt thả ở vùng trũng.

Ngày ấy, vùng trũng chỉ cấy hái một mùa, thành ra sau tháng 5, chúng tôi tha hồ thả trâu trên cánh đồng và cùng nhau tụ tập bày đủ loại trò chơi. Chỉ đến chiều tối, cả hội mới đi đánh trâu về chuồng.

Trâu ơi! Có nhớ thương đồng?

Chăn trâu là ký ức tuổi thơ của nhiều người nay đã trưởng thành. Ảnh Internet.

Nói về kỷ niệm chăn trâu trên đồng Đầm Nẩy của chúng tôi có lẽ viết cả cuốn sách cũng không thể tả hết. Đó là những trận ăn roi “mót” của cha vì mải chơi để trâu lạc đồng ăn lúa bị dân quân bắt phạt; là những lần để trâu “báng chắc” (chọi nhau - PV), đứt “chạc mụi” (dây thừng - PV), khiến cha không thể bắt trâu đi cày.

Là niềm vui khi trâu mẹ sinh nở, chú nghé bé nhỏ vừa mới ra đời còn ướt nhẹp nằm yên một chỗ rồi ngọ nguậy, chẳng bao lâu sau đã tự đứng dậy được. Một ngày, hai ngày rồi vài tháng sau nó đã theo trâu mẹ ra đồng, ngơ ngơ ngác ngác chạy bên này nhảy bên kia. Còn mấy đứa bạn trong hội lại tranh thủ “ác tẻ” cố tình cù chọc nghé con cho nó chạy lung tung để bắt đứa còn lại phải vất vả quản nó…

Ngoài những kỷ niệm vui, chúng tôi còn có những ký ức buồn khi nghĩ về những chú trâu đã đi qua tuổi thơ của mình. Đó là những ngày đại hàn giá rét. Đặc điểm của trâu vào mùa giá rét thường bị “cước chân” tức là chân bị nứt da không thể đi được, có khi đang đi trên đồng, trâu bị ngã khụy và không có cách nào đưa chúng về nhà.

Mỗi lần như thế, những gia đình có trâu thường mang rơm, củi lên đồng chỗ trâu ngã đốt cho nó sưởi. Nhưng cách này không phải lúc nào cũng hiệu quả, có những chú trâu vì bệnh này phải chịu cảnh bị thịt như một cách cứu vãn cơ nghiệp. Tôi cũng đã hơn một lần rơi nước mắt nhìn cảnh tượng đó. Nhìn chú trâu gắn bó với mình lâu năm buộc phải từ giã cuộc đời, lòng tôi như xoắn lại.

Đã có lúc đến vuốt ve nó, tôi cảm giác trong ánh mắt long lanh của nó sự đau đớn và lời thiết tha cầu cứu. Nhưng sau tất cả, tôi không thể cứu “người bạn” của mình. Đối với một đứa trẻ mùa đông cũng như mùa hè, năm này qua năm khác phải đi chăn trâu, đưa nó đi hết cánh đồng này đến cánh đồng kia để tìm cỏ không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ mà còn là tình thương khi thấy nó cày đồng vất vả.

Tình thân giữa người với trâu không còn đơn thuần là cậu chủ nhỏ và vật nuôi của mình nữa. Nó là thứ tình cảm sự gắn kết như người bạn thân. Sau này khi đã lớn, trong giấc mơ, tôi vẫn nhớ về những chú trâu của mình với tình thương nhớ xen lẫn đó là niềm ân hận, nuối tiếc khôn nguôi...

Trâu ơi! Có nhớ thương đồng?

Ngày nay, con trâu không còn là đầu cơ nghiệp trong việc cấy cày nhưng vẫn là tài sản có giá trị hàng hóa của người nông dân. Ảnh Vũ Viễn

Những chú trâu đến rồi đi, chúng tôi cũng lớn lên theo ngày tháng, cũng đến lúc chúng tôi từ giã “sự nghiệp” chăn trâu của mình để kết thúc thời thơ dại và bước vào đời. Tôi và lũ bạn đi xa làng, đi xa đồng trũng và xa những đàn trâu. Gác lại trong miền tâm tưởng là những kỷ niệm tuổi thơ với nhiều xúc cảm.

Mãi sau này, khi đã hiểu biết về cuộc đời, khi đã va đập với những bon chen và thăng trầm của đời người, một lần tôi đọc được đâu đó ý thiền rằng: “Thiền là luôn luôn kiểm soát ý thức của mình, cũng như kẻ chăn trâu. Nếu giải đãi, hôn trầm, trạo cử (buông lỏng ý thức) thì dễ đi vào sai lầm cũng như kẻ chăn trâu nếu mải chơi thì trâu sẽ ăn lúa vậy”.

Không hiểu có phải vì thế hay không, khi trưởng thành, mỗi lần có những bước đi sai lầm trong cuộc đời, tôi lại thường hụt hẫng mơ thấy mình để lạc mất trâu trên cánh đồng mênh mông…

Giờ về làng, cuộc sống đã rất khác. Những con đường bê tông có hàng hoa cây cảnh. Những mái nhà kiên cố có công trình phụ khép kín. Và thỉnh thoảng mới thấy có một hai nhà nuôi trâu, bò. Nhưng họ nuôi nhốt trong chuồng. Trâu bò giờ ít có cỏ để ăn, thay vào đó, người ta cho ăn các thức ăn khác. Những cánh đồng giờ việc cày đã có máy móc, con trâu, con bò không còn là đầu cơ nghiệp trong việc cấy cày nhưng vẫn là tài sản có giá trị hàng hóa của người nông dân.

Trâu ơi! Có nhớ thương đồng?

Cánh đồng Đầm Nẩy một thời đã chứng kiến tuổi thơ “dữ dội” của những đứa trẻ chăn trâu chúng tôi

Trở lại Đầm Nẩy một ngày giữa thu, bầu trời như cao và xanh hơn. Cánh đồng xanh sau vụ gặt mướt cỏ năn, cỏ lùng và lúa “rai”. Nhưng bóng dáng đàn trâu đã trở thành ký ức. Bọn trẻ bây giờ không phải chăn trâu như chúng tôi, thay vào đó là niềm vui khác bên những thứ phương tiện hiện đại.

Chắc hẳn không ai trong số chúng sẽ có ký ức tuổi thơ khắm mùi trâu trên áo học trò. Sẽ không ai có cảm giác lội đồng trũng mùa đông, tắm mưa rào mùa hè trong mái nhà lá dựng tạm của lũ trẻ chăn trâu bên chân núi…

Đứng trước cánh đồng lộng gió chiều thu vắng bóng đàn trâu, tuổi thơ đã không vẫy gọi tôi bằng hiện thực. Có cái gì đó cay cay xộc lên sống mũi. Nỗi nhớ tuổi thơ diệu vợi quyện vào ngan ngát hoa cỏ dại. Một chút buồn như kẻ hoài cổ. Tự nhiên sâu thẳm nơi nào đó trong lòng tôi như cất lên tha thiết: Trâu ơi! Có nhớ thương đồng...

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast