Đón nhận bằng Di tích LSVH cấp tỉnh Nhà thờ Phan Công Tăng ở Thượng Lộc

(Baohatinh.vn) - Nhà thờ Phan Công Tăng được xây dựng vào năm 1842 tại xã Thượng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh), đây là nơi thờ phụng một võ tướng tài ba có nhiều đóng góp cho triều Lê đánh dẹp các cuộc nổi loạn vào nửa cuối thế kỷ 18.

Sáng 24/4, UBND xã Thượng Lộc (Can Lộc) tổ chức lễ đón nhận bằng Di tích lịch sử văn hóa (LSVH) Nhà thờ Phan Công Tăng. Lãnh đạo Sở VH-TT&DL và huyện Can Lộc cùng dự.

Đón nhận bằng Di tích LSVH cấp tỉnh Nhà thờ Phan Công Tăng ở Thượng Lộc

Đại biểu dự lễ.

Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Phan Công Tăng được xây dựng vào năm 1842 tại thôn Tru Nhất (cũ) tổng Nga Khê, huyện Thiên Lộc, nay gọi là thôn Nam Phong, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc. Trải qua thời gian dài, do chiến tranh nên nhà thờ bị xuống cấp nặng nề. Đến năm 1985, nhà thờ được di dời đến vị trị mới (cách nơi cũ 700m); năm 2016, con cháu dòng họ đầu tư tôn tạo khang trang.

Đón nhận bằng Di tích LSVH cấp tỉnh Nhà thờ Phan Công Tăng ở Thượng Lộc

Nhà thờ Phan Công Tăng được xây dựng vào năm 1842, đến năm 2016, được con cháu dòng họ đầu tư, tôn tạo khang trang.

Theo gia phả dòng họ, Phan Công Tăng là thần tổ đời thứ 2 của chi họ Phan Công tại thôn Nam Phong, xã Thượng Lộc. Ông sinh vào khoảng thập niên 30-40 của thế kỷ 18. Thuở nhỏ, ông là người thông minh hoạt bát, lại rất khỏe mạnh, giỏi võ và có tấm lòng yêu thương người nghèo khổ. Ông đã cùng với cha và anh em tập hợp trai tráng trong làng lập trại để sản xuất, lấy lương thực chiêu mộ binh sỹ và giúp đỡ người nghèo. Ông còn có sáng kiến đắp đập Bạc, đập Lá Nghê để lấy nước phục vụ sản xuất.

Đón nhận bằng Di tích LSVH cấp tỉnh Nhà thờ Phan Công Tăng ở Thượng Lộc

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL, huyện Can Lộc trao bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho đại diện địa phương và dòng họ.

Thời đó, tình hình đất nước rối ren loạn lạc, triều Lê có nhiều biến động lớn. Năm 1776, sau khi được tuyển chọn vào đội quân ưu binh của triều đình để phục chính quyền Lê - Trịnh, ông đã dũng cảm, mưu lược, lập nhiều công lao giúp triều đình bình ổn tình hình biên cương đất nước.

Năm Cảnh Hưng thứ 35, với sự dũng cảm, trung thành và tài binh đao, ông đã được cử theo Đại tư đồ Đoan quận công Bùi Thế Đạt chinh phạt đàng trong và đã lập được nhiều chiến công hiển hách. Ông được sắc phong giữ chức Phó Thiên Hộ, Thiên Hộ rồi phong làm Kiệt Trung Tướng quân Hiệu lệnh ty Kỳ bài Tráng sỹ Vân kỵ úy Thiên hộ Trung tuyển.

Hiện nay, 2 bản sắc phong vẫn được lưu giữ tại Nhà thờ Phan Công Tăng ở Thượng Lộc.

Đón nhận bằng Di tích LSVH cấp tỉnh Nhà thờ Phan Công Tăng ở Thượng Lộc

Người dân xã Thượng Lộc và dòng họ Phan Công long trọng đón, rước bằng di tích tích sử văn hóa.

Với những giá trị lịch sử đó, ngày 2/12/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định công nhận Nhà thờ Phan Công Tăng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây cũng là cơ sở để chính quyền, người dân xã Thượng Lộc cũng như con cháu dòng họ Phan Công tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Chủ đề Hội nghị văn hóa Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast