Cửa hàng nông sản an toàn - kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả của nông dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dù phải cạnh tranh trực tiếp với nhiều hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị… nhưng các cửa hàng nông sản an toàn thuộc hội nông dân các cấp ở Hà Tĩnh vẫn đang hoạt động ổn định, tạo được lòng tin của người tiêu dùng.

Cửa hàng nông sản an toàn - kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả của nông dân Hà Tĩnh

Cửa hàng nông sản an toàn đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người tiêu dùng Hà Tĩnh.

Để giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn và hội viên có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm, cuối năm 2019, Hội Nông dân Hà Tĩnh triển khai đề án xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn.

Theo kế hoạch, đến tháng 6/2020, toàn tỉnh sẽ xây dựng thí điểm 3 cửa hàng nhưng do hiệu quả thiết thực, đến nay, các địa phương đã mở 11 cửa hàng trên địa bàn toàn tỉnh.

Cửa hàng nông sản an toàn - kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả của nông dân Hà Tĩnh

Cửa hàng nông sản an toàn còn sơ chế, đóng gói sản phẩm tiện lợi, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, nhìn chung các cửa hàng được đầu tư cơ sở vật chất khá tốt. Mặt hàng kinh doanh khá đa dạng, tối thiểu có khoảng 60 mặt hàng, trong đó nhiều cửa hàng trên 100 mặt hàng.

Đặc biệt, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có tem, nhãn theo quy định và niêm yết giá công khai. Các cửa hàng cũng dành sự ưu tiên cao để quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong tỉnh. Nhiều cửa hàng đã phát huy lợi thế để đẩy mạnh hoạt động sơ chế, đóng gói sản phẩm tiện lợi và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Cửa hàng nông sản an toàn - kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả của nông dân Hà Tĩnh

Chị Phan Thị Thắm (áo đỏ) luôn tin dùng các sản phẩm của cửa hàng nông sản an toàn.

Kể từ khi biết đến cửa hàng nông sản an toàn Hồng Cẩm (Can Lộc), chị Phan Thị Thắm (thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc) trở thành khách ruột của cửa hàng này. Chị Thắm chia sẻ: "Sản phẩm tại cửa hàng có mức giá hợp lý, rõ nguồn gốc xuất xứ, có ngày sản xuất và hạn sử dụng nên gia đình tôi ưu tiên lựa chọn.

Cửa hàng nông sản an toàn - kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả của nông dân Hà Tĩnh

Các sản phẩm bày bán tại các cửa hàng nông sản an toàn có đầy đủ chứng nhận của cơ quan chức năng về nguồn gốc, chất lượng.

Chị Vũ Hồng Cẩm - chủ cửa hàng Hồng Cẩm cho hay: “Để tạo uy tín với khách hàng, những sản phẩm nông sản được chúng tôi lựa chọn từ những cơ sở sản xuất uy tín. Mức doanh thu khoảng 100 triệu đồng/tháng đã phần nào chứng minh được chất lượng của sản phẩm trong lòng người tiêu dùng của cửa hàng. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi phát triển thị trường, hướng đến sự phát triển bền vững”.

Đặc biệt, cửa hàng Trung tâm Hỗ trợ nông dân (TP Hà Tĩnh) ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật để hiện đại hoá hoạt động. Chị Bùi Thị Nga - người bán hàng tại đây chia sẻ, để hoạt động kinh doanh thuận lợi, cửa hàng đã đầu tư hệ thống máy móc và phần mềm bán hàng chuyên nghiệp trị giá khoảng 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, để tăng cường việc quản lý chất lượng sản phẩm, cửa hàng đã phối hợp với Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (thuộc Sở Y tế) định kỳ lấy mẫu ngẫu nhiên các sản phẩm để đánh giá chất lượng. Kết quả cho thấy các loại sản phẩm bày bán tại cửa hàng đều đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng công bố.

Cửa hàng nông sản an toàn - kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả của nông dân Hà Tĩnh

Trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh vừa qua, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng (thứ ba từ phải sang) đánh giá cao chuỗi cửa hàng nông sản an toàn của Hội Nông dân Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Tiến Anh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh cho hay: Chuỗi cửa hàng đang từng bước trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người tiêu dùng; góp phần tích cực trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Trong 11 cửa hàng, đến nay có 4 cửa hàng đạt doanh số bán hàng ổn định từ 100 – 150 triệu đồng/tháng. Phần lớn các cửa hàng khác cũng đã có doanh thu ổn định, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động trở lên với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng.

Hội Nông dân sẽ tiếp tục mở thêm các cửa hàng, phủ kín tất cả các địa phương cấp huyện; kiện toàn những cửa hàng chưa phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, thống nhất đầu mối chung cung cấp hàng hóa để tạo thuận lợi trong điều chuyển, phân phối; phối hợp đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu vào các bếp ăn tập thể thông qua ký kết các chương trình phối hợp.

Đặc biệt, hội cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, VietGAP, đảm bảo về cả chất lượng, mẫu mã và sản lượng.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh Bùi Nhân Sâm

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast