Thực trạng nhiều hồ, đập ở Hà Tĩnh: Đến hẹn lại lo!

(Baohatinh.vn) - Mùa mưa lũ đang cận kề nhưng hiện nay, nhiều hồ, đập trên địa bàn Hà Tĩnh lại đang xuống cấp, hư hỏng nặng.

Thực trạng nhiều hồ, đập ở Hà Tĩnh: Đến hẹn lại lo!

Hồ Đập Trạng (xã Hương Thuỷ, Hương Khê) đang bị rò nước ở mang tràn xả lũ với lưu lượng lớn

Hồ chứa nước Đập Trạng (xã Hương Thuỷ, Hương Khê) được xây dựng cách đây hàng chục năm với nhiệm vụ cấp nước phục vụ đời sống dân sinh và tưới cho 50 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Trải qua nhiều năm chống chọi với thiên nhiên, hiện nay, hồ Đập Trạng đã xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao.

Theo kết quả kiểm định an toàn đập hồi tháng 6/2022 của Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh, hồ Đập Trạng chỉ đạt mức độ an toàn loại 3 - “Đập có nguy cơ mất an toàn, cần phải tăng cường giám sát, kiểm tra sửa chữa, nâng cấp công trình”.

Thực trạng nhiều hồ, đập ở Hà Tĩnh: Đến hẹn lại lo!

Phần mái hạ lưu hồ Đập Trạng bị thấm, nước chảy thành dòng gây thất thoát nước lòng hồ.

Theo hiện trạng, hồ Đập Trạng đang bị rò nước ở mang tràn xả lũ. Phần mái đập thượng lưu được gia cố bằng đá lát khan nhưng nay đã bong tróc hư hỏng, không đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ mái đập trước tác động của sóng gió. Phía mái đập hạ lưu hiện có nhiều vị trí lồi lõm, không có rãnh tiêu thoát nước và xuất hiện tình trạng thấm, rò rỉ gây thất thoát nước trong hồ.

Tương tự, hồ chứa nước Nhà Lào (xã Phú Phong, Hương Khê) được xây dựng từ năm 2004, có nhiệm vụ cấp nước phục vụ đời sống dân sinh và tưới cho 50 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn cũng đang xuống cấp nghiêm trọng khiến chính quyền và người dân nơi đây nơm nớp lo sợ khi mùa mưa lũ về.

Hiện nay, tràn xả lũ của hồ Nhà Lào xuất hiện nhiều lỗ hổng tạo dòng chảy nhỏ hai bên thân tràn; hạ lưu chân mái đập ở hai bên cống lấy nước bị sình lầy; cống lấy nước dưới đập đóng không kín nên nước bị rò rỉ, ảnh hưởng đến diện tích nước sản xuất hàng năm.

Thực trạng nhiều hồ, đập ở Hà Tĩnh: Đến hẹn lại lo!

Hồ Nhà Lào (xã Phú Phong, Hương Khê) xuất hiện nhiều lỗ hổng tạo thành dòng chảy ở hai bên thân tràn.

Ông Dương Ngọc Hoàng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết: “Với hơn 140 hồ, đập các loại, huyện Hương Khê là địa bàn có nhiều hồ, đập nhất toàn tỉnh. Mới đây, qua khảo sát của các ngành chức năng, toàn huyện có 10 hồ đập xuống cấp nghiêm trọng, bao gồm: hồ Cha Chạ ở xã Gia Phố; hồ Đập Trạng và hồ Đập Làng ở xã Hương Thuỷ; hồ Đập Mưng ở xã Điền Mỹ; hồ Đập Hội ở xã Hương Trạch; hồ Mục Bài ở xã Hương Xuân; hồ Ma Leng ở xã Phúc Trạch; hồ Nhà Lào ở xã Phú Phong; hồ Nước Đỏ ở xã Lộc Yên và hồ Nước Vàng ở xã Hương Liên”.

Được biết, sau khảo sát, có 6 hồ, đập đã được cân nhắc, bố trí nguồn vốn dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Hà Tĩnh (WB8) để nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn. "Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho các công trình trong mùa mưa lũ năm nay, huyện đã chỉ đạo các xã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản sát với tình hình thực tế của địa phương để ứng phó kịp thời, bảo vệ các công trình, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra” - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê nhấn mạnh.

Thực trạng nhiều hồ, đập ở Hà Tĩnh: Đến hẹn lại lo!

Toàn huyện Hương Khê hiện có 10 hồ, đập xuống cấp nghiêm trọng, cần đầu tư sửa chữa.

Theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 348 hồ chứa nước với dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước ; có 86 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s. Hằng năm, các công trình cấp nước phục vụ tưới cho trên 62.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và nhiều ngành kinh tế khác, cắt giảm lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái.

Qua khảo sát đánh giá, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 117 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, trong đó có 33 hồ chứa xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2022.

Thực trạng nhiều hồ, đập ở Hà Tĩnh: Đến hẹn lại lo!

Hồ Đập Làng ở xã Hương Thủy (Hương Khê) đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn khi mưa lũ.

Ông Trần Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: “Với 33 công trình xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm nay thì tỉnh đã chỉ đạo, giao các ngành, địa phương đi khảo sát, đánh giá. Đối với các hồ, đập xuống cấp, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý xây dựng phương án bảo vệ như: không thực hiện tích nước, tích nước hạn chế... nhằm đảm bảo an toàn của công trình thuỷ lợi và Nhân dân vào mùa mưa bão”.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast