Thế giới ngày qua: Slovakia có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử

(Baohatinh.vn) - Slovakia có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử; Ấn Độ kéo dài thời điểm đánh thuế 29 hàng hóa để trả đũa Mỹ... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 31/3 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới ngày qua: Slovakia có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử

Bà Zuzana Caputova. (Ảnh: Getty)

Slovakia có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử: Ngày 30/3, nữ luật sư Zuzana Caputova đã đánh bại đối thủ Maros Sefcovic, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, với khoảng cách khá cách biệt tại vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Slovakia, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử độc lập của nước này.

Với 98% số phiếu được kiểm, nữ luật sư Caputova, đồng thời cũng là nhà hoạt động môi trường, dành được sự ủng hộ của 58% số cử tri đi bầu, nhiều hơn 16% so với ông Sefcovic, người được đảng Dân chủ xã hội cầm quyền tại Slovakia ủng hộ.

Ngay khi biết tin về kết quả sơ bộ, ông Sefcovic thừa nhận thất bại và chúc mừng bà Caputova sẽ trở thành tổng thống thứ 5 của Slovakia kể từ khi nước Cộng hòa Trung Âu này tách ra khỏi Liên bang Tiệp Khắc cũ gần 3 thập kỷ về trước. Còn bà Caputova cảm ơn cử tri đã gửi gắm niềm tin vào bà và mong rằng xu thế tích cực này sẽ tiếp tục trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 5 năm nay và bầu cử Quốc hội Slovakia năm tới.

Thế giới ngày qua: Slovakia có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Ấn Độ kéo dài thời điểm đánh thuế 29 hàng hóa để trả đũa Mỹ: Chính phủ Ấn Độ một lần nữa kéo dài thời điểm đánh thuế trả đũa đối với 29 hàng hóa của Mỹ, trong đó có hạnh nhân, óc chó và đậu lăng. Theo đó, thời điểm áp thuế sẽ được kéo dài từ ngày 1/4 đến ngày 2/5.

Tháng 6 năm ngoái, Ấn Độ lần đầu tiên áp thuế để trả đũa trước việc Mỹ đánh thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập của Ấn Độ.

Ấn Độ kéo dài thời hạn đánh thuế trong bối cảnh hai nước đang đàm phán nhằm thúc đẩy thương mại song phương. Tuy nhiên đầu tháng 3 vừa qua, Mỹ quyết định rút lại những ưu đãi xuất khẩu dành cho các công ty xuất khẩu của Ấn Độ theo chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Các công ty Ấn Độ đang tỏ ra lo ngại trước quyết định này của Mỹ bởi xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ theo chương trình GSP có trị giá tới 5,6 tỷ USD. 1.900 mặt hàng, trong đó có lĩnh vực hóa chất, cơ khí được hưởng lợi từ chương trình này.

Thế giới ngày qua: Slovakia có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro (trái) tại lễ đón ở sân bay quốc tế Tel Aviv Ben Gurion. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Brazil chính thức mở văn phòng thương mại tại Jerusalem: Ngày 31/3, Bộ Ngoại giao Brazil thông báo nước này đã mở một văn phòng thương mại mới tại Jerusalem. Văn phòng này trực thuộc Đại sứ quán Brazil đặt tại Tel Aviv.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Brazil có đoạn: "Brazil đã quyết định thành lập một văn phòng tại Jerusalem để thúc đẩy thương mại, đầu tư, công nghệ và cải cách. Văn phòng là một cơ quan thuộc Đại sứ quán Brazil tại Israel."

Tuyên bố trên được đưa ra trong chuyến thăm của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tới Israel. Cũng nhân dịp này, Tổng thống Bolsonaro và Thủ tướng nước chủ nhà Benjamin Netanyahu đã chứng kiến lễ ký một số thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực an ninh, hàng không, khoa học-công nghệ và y tế.

Thế giới ngày qua: Slovakia có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử

Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi (giữa) chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 30 ở Tunis, Tunisia ngày 31/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nước Arab vận động HĐBA thông qua nghị quyết về Golan: Lãnh đạo các nước Arab ngày 31/3 tuyên bố sẽ vận động Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua một nghị quyết của nhằm phản đối quyết định của Mỹ về việc công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 30 ở thủ đô Tunis của Tunisia, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit cũng tuyên bố: "Chúng tôi, lãnh đạo các nước Arab nhóm họp ở Tunisia… bày tỏ sự phản đối và lên án quyết định của Mỹ về việc công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan".

Theo ông Gheit, các nước Arab sẽ đệ trình một bản dự thảo nghị quyết lên HĐBA đồng thời tham khảo ý kiến về khía cạnh pháp lý từ Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đối với quyết định của Washington về vấn đề Golan. Các nước Arab cũng đưa ra cảnh báo rằng các nước khác không nên có động thái giống như Washington về vấn đề Golan.

Thông cáo cuối cùng của hội nghị nêu rõ các nước Arab "xác nhận rằng Golan là vùng lãnh thổ của Syria bị chiếm đóng thể theo luật pháp quốc tế, các quyết định của LHQ và HĐBA".

Ngoài ra, các nước Arab cũng đã nhắc lại sự ủng hộ dành cho Sáng kiến hòa bình Arab và khẳng định họ sẽ theo đuổi việc khôi phục các cuộc hòa đàm với Israel. Các nước Arab cũng bày tỏ cam kết ủng hộ Palestine trong nỗ lực hướng tới một nhà nước độc lập.

Thế giới ngày qua: Slovakia có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử

Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU tại thủ đô London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đức cho phép công dân Anh ở lại ngay cả khi Brexit không thỏa thuận: Ngày 31/3, báo Sueddeutsche Zeitung của Đức đưa tin, nước này có kế hoạch cho phép các công dân Anh và gia đình của họ ở lại nước này, ngay cả khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không có một thỏa thuận về mối quan hệ song phương trong tương lai.

Theo thỏa thuận Brexit đã đạt được giữa London và EU, 100.000 công dân Anh hiện sống tại Đức sẽ được phép ở lại nước này, sau khi họ mất quyền được làm công dân của một nước thành viên EU. Tuy nhiên, các nước thành viên EU đang tích cực chuẩn bị cho trường hợp Brexit không có thỏa thuận, sau khi Quốc hội Anh lần thứ 3 bác thỏa thuận Brexit đạt được giữa Thủ tướng Anh Theresa May và EU.

Báo trên cho hay, Berlin đã gửi một văn bản tới các bang của Đức, trong đó nhấn mạnh, các công dân Anh và gia đình của họ sẽ được phép ở lại Đức, ngay cả trong trường hợp Brexit không có thỏa thuận. Tuy nhiên, những người cần phải xin giấy phép cư trú mới.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast