Phân luồng THCS ở Hà Tĩnh: Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên “vừa chạy, vừa sắp hàng”!

(Baohatinh.vn) - Sau khi có kết quả trúng tuyển lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021, sẽ có hơn 5.000 học sinh không vào trường THPT công lập, định hướng học nghề. Nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở Hà Tĩnh đang “vừa chạy, vừa sắp hàng”.

Thực trạng này là do nhiều năm trước, số lượng học sinh lựa chọn học bổ túc văn hóa song song học nghề ở các trung tâm rất ít nên cơ sở vật chất ở đây không được nâng cấp, giáo viên văn hóa không được bổ sung.

Thiếu cơ sở vật chất, gầm cầu thang thành nơi làm việc

Năm 2012, Trung tâm GDNN-GDTX (gọi tắt là trung tâm) huyện Lộc Hà chính thức đi vào hoạt động với 1 dãy nhà 14 phòng, tọa lạc trên diện tích 21.700 m2. Sau 8 năm vận hành, cơ sở vật chất (CSVC) vẫn chưa được đầu tư, nâng cấp, không đáp ứng yêu cầu phát triển.

Phân luồng THCS ở Hà Tĩnh: Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên “vừa chạy, vừa sắp hàng”!

Thiếu cơ sở vật chất, Trung tâm GDNN-GDTX Lộc Hà phải ngăn gầm cầu thang thành phòng làm việc

Thiếu nhà làm việc cho cán bộ, giáo viên, ngoài việc trưng dụng 2 phòng của dãy nhà học duy nhất, trung tâm phải dùng tôn ngăn đôi gầm cầu thang thành 2 phòng làm việc. Mỗi phòng 2m2, Đoàn Thanh niên và Thông tin tuyên truyền ghép 1 và phòng cạnh bên dành cho 3 vị trí: văn thư, thư viện, kế toán. Phòng Phó Giám đốc đồng thời là nơi sinh hoạt chuyên môn còn phòng Giám đốc cũng biến thành kho chứa các loại máy in, máy photocopy, máy tính…

Giám đốc Trung tâm Lê Sỹ Đài cho biết: “Từ năm học 2019 - 2020, số học sinh phân luồng THCS tăng, nâng tổng quy mô trung tâm lên 11 lớp với 441 học sinh (trong đó có 2 lớp 12, 3 lớp 11 và 6 lớp 10). Năm nay, trung tâm dự kiến tuyển sinh 7 lớp 10, như vậy, quy mô của trung tâm sẽ là 16 lớp. Điều lo nhất không phải là cán bộ vẫn phải làm việc ở gầm cầu thang mà là thiếu 4 phòng học”.

Phân luồng THCS ở Hà Tĩnh: Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên “vừa chạy, vừa sắp hàng”!

Khoảng diện tích hơn 2m2 là chỗ ngồi của 3 vị trí làm việc: Văn thư, kế toán, thiết bị thư viện

Để giải quyết khó khăn này, thời gian qua, Ban Giám đốc trung tâm đã phải đôn đáo khắp nơi để trình bày các phương án về CSVC. Phương án xây dựng 4 phòng học kiên cố hơn 3 tỷ đồng khó khả thi vì không bố trí được nguồn lực, trung tâm chuyển sang ý định làm tạm phòng học bằng tôn khoảng 650 triệu đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kinh phí để triển khai.

Tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Can Lộc, từ năm 2016 được tiếp nhận cơ sở của Trường THPT Dân lập Can Lộc nên không thiếu các phòng học, phòng chức năng. Tuy nhiên, “CSVC xây dựng khá lâu nên đã bắt đầu xuống cấp, trong khi 4 năm qua chưa được đầu tư kinh phí để tu sửa. Cái khó nhất hiện nay là thiếu thiết bị máy móc để học sinh thực hành” - ông Lương Xuân Bình, Giám đốc trung tâm cho biết.

Phân luồng THCS ở Hà Tĩnh: Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên “vừa chạy, vừa sắp hàng”!

25 máy may ở Trung tâm GDNN-GDTX Can Lộc được đầu tư hơn chục năm nay đã lạc hậu, hư hỏng.

Không riêng ở Lộc Hà, Can Lộc, nhìn chung CSVC tại các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn Hà Tĩnh chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Nơi thiếu phòng học, nơi phòng học xuống cấp, trang thiết bị dạy học còn thiếu, xưởng thực hành chắp vá, máy móc lạc hậu, cũ kỹ…

Ngay cả Trung tâm GDNN-GDTX Hương Khê - mới được xây dựng vào năm 2014 với kinh phí 39 tỷ đồng sau nhiều năm không được đầu tư sửa chữa hiện cũng đã xuống cấp. Huyện Kỳ Anh vẫn chưa có trung tâm GDNN-GDTX dù năm nay theo chỉ tiêu phân luồng sau THCS, có tới hơn 500 học sinh trên địa bàn sẽ không vào các trường THPT công lập. Thực trạng trên cho thấy, thời gian qua, phần lớn các trung tâm chưa được sự quan tâm đầu tư nguồn lực từ đơn vị chủ quản là UBND cấp huyện.

Loay hoay với bài toán giáo viên

Theo báo cáo, năm học 2019 - 2020, tất cả các trung tâm đều trong tình trạng thiếu giáo viên văn hóa. Nơi nhiều nhất là Đức Thọ (thiếu 9 giáo viên), nơi ít như: Thạch Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn (thiếu từ 2 - 3 giáo viên). Giải pháp duy nhất hiện nay của các trung tâm là hợp đồng thỉnh giảng, tuy nhiên, đây cũng là giải pháp tình thế.

Phân luồng THCS ở Hà Tĩnh: Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên “vừa chạy, vừa sắp hàng”!

Để đáp ứng nhu cầu học tập Trung tâm GDNN-GDTX Thị xã Kỳ Anh vẫn thiếu 6 giáo viên văn hóa.

Tại TX Kỳ Anh, mặc dù có các trường nghề chia sẻ, nhưng phải “gánh” thêm một phần tuyển sinh học sinh huyện Kỳ Anh (do huyện chưa có trung tâm GDNN-GDTX) nên Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Kỳ Anh phải chịu sức ép lớn về đội ngũ giáo viên. Đảm nhận dạy văn hóa hệ bổ túc cho học sinh trung tâm và cả ở trường tư thục dạy nghề trên địa bàn với tổng số 15 lớp, nhưng Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Kỳ Anh chỉ có 14 giáo viên văn hóa, hiện còn thiếu 6 giáo viên.

Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Kỳ Anh Nguyễn Phúc Long cho biết: “Để đảm bảo việc dạy học, thời gian qua, trung tâm thuê giáo viên thỉnh giảng ở một số trường THPT lân cận và một vài sinh viên mới ra trường. Tuy các giáo viên luôn nhiệt huyết với nghề, với học sinh nhưng điều khó khăn nhất đó là giáo viên thỉnh giảng không gắn bó thường xuyên ở trung tâm nên việc bố trí thời khóa biểu không ổn định, dẫn đến tình trạng bị động trong việc tổ chức dạy học”.

Tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đức Thọ, sau nhiều năm học trước không có học sinh, được xếp vào diện giải thể theo lộ trình sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh, nhiều giáo viên văn hóa ở đây đã chuyển đi nơi khác. Hiện, trung tâm chỉ còn 9 cán bộ, giáo viên cơ hữu và 1 hợp đồng, trong đó có 3 giáo viên văn hóa. 2 năm học gần đây, số học sinh tăng nhanh, trung tâm rơi vào thế bị động vì thiếu quá nhiều giáo viên văn hóa.

Phân luồng THCS ở Hà Tĩnh: Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên “vừa chạy, vừa sắp hàng”!

Chỉ có 3 giáo viên văn hóa cơ hữu trên tổng số 5 lớp nên việc bố trí chủ nhiệm chủ nhiệm ở Trung tâm GDNN-GDTX Đức Thọ rất khó khăn

Ông Nguyễn Tuấn Hoàn - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đức Thọ cho biết: “Mùa tuyển sinh năm học 2020 - 2021, chúng tôi dự kiến tuyển sinh 2 lớp, nâng quy mô của trung tâm lên 7 lớp với tổng số học sinh hơn 250 em. Mặc dù chương trình học ở trung tâm chỉ 7 môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa nhưng căn cứ vào số lớp và số tiết, chúng tôi còn thiếu ít nhất 9 giáo viên văn hóa. Với số lượng này, trung tâm buộc phải điều cán bộ hành chính kiêm nhiệm chủ nhiệm các lớp. Do không có chuyên môn nên các chủ nhiệm lớp (bất đắc dĩ) này khó lòng quản lý, dìu dắt, giáo dục học sinh”.

Những bất cập về CSVC, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên văn hóa ở các trung tâm GDNN-GDTX cần được giải quyết sớm, khi mà sau phân luồng, số lượng học sinh khá lớn đang chuyển dịch sang các trung tâm và yêu cầu về chất lượng, hiệu quả dạy - học bổ túc nghề cũng ngày càng cao hơn.

Theo Nghị quyết 96/2018/HĐND tỉnh ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh (về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh) và Kế hoạch 182 ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh (về thực hiện Đề án 522 của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018 - 2025), đến năm 2020, có 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục được đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp tại các cơ sở GDNN; đến năm 2025, con số này là 40%.

Chủ đề Hướng nghiệp dạy nghề

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast