Quản lý khai thác khoáng sản: Vi phạm nhiều, xử chẳng được bao!

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, công tác quản lý khai thác khoáng sản ở Hà Tĩnh đã bộc lộ nhiều bất cập, không chỉ làm lãng phí, thiệt hại tài nguyên quốc gia, thất thu ngân sách nhà nước mà còn gây nhiều hệ lụy về môi trường và bức xúc trong nhân dân.

Đơn vị khai thác “bất tuân”

Tính đến tháng 6/2016, trên địa bàn Hà Tĩnh có 83 đơn vị đang khai thác và chế biến khoáng sản tại 91 mỏ phân bố trên địa bàn 11 huyện, thị xã. Trong đó, chủ yếu tập trung khai thác các loại khoáng sản vật liệu xây dựng (VLXD) và kim loại, sericit, nước khoáng nóng, thạch anh sạch... Đáng nói, việc chấp hành các quy định của pháp luật sau cấp phép của các đơn vị hoạt động khoáng sản còn thấp.

quan ly khai thac khoang san vi pham nhieu xu chang duoc bao

Một số mỏ khai thác đá chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về nổ mìn, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Theo thông tin từ Sở TN&MT, hiện tại, còn 18 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác nhưng vẫn còn nhiều sai phạm trong quá trình khai thác so với quy định. Một số doanh nghiệp khai thác ngoài diện tích được cấp phép, khai thác với độ sâu vượt quá mức cho phép.

Đơn cử, tại mỏ đá xã Kỳ Tân (Kỳ Anh), Công ty CPXD và Khai thác mỏ Miền Trung đến nay vẫn chưa bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, chưa lập thiết kế mỏ, ký quỹ phục hồi môi trường và chưa ký hợp đồng thuê đất, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của năm 2015; chưa lập kế hoạch khai thác và thông báo kế hoạch khai thác cho cơ quan quản lý nhà nước; chưa làm đường vào mỏ, xây dựng nhà điều hành, đường điện… và cũng chưa đi vào khai thác dù được cấp giấy phép từ năm 2014!

Tương tự, HTX Tiểu thủ công nghiệp 26/3 (mỏ đá xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên) đến nay vẫn chưa ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường năm 2015, 2016; chưa có giấy phép sử dụng tài nguyên nước, tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, đặt nội quy lao động tại mỏ… Việc lập hộ chiếu nổ mìn chưa đầy đủ. Khai thác đá chưa theo thiết kế mỏ đã được phê duyệt. Đã đặt các biển báo, bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc nhưng chưa đầy đủ theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT) cho biết, ngay trong quá trình khai thác, nhiều doanh nghiệp, HTX chưa chú trọng tuân thủ theo thiết kế cơ sở và yêu cầu kỹ thuật, an toàn khai thác mỏ. Chưa thực hiện đầy đủ việc báo cáo định kỳ về kết quả khai thác và cập nhật bản đồ hiện trạng mỏ. Một số mỏ khai thác đá không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về nổ mìn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và đời sống nhân dân xung quanh. Chưa thiết lập đầy đủ các biển báo, biển cảnh báo nguy hiểm theo quy định…

Bên cạnh đó, hầu hết các dự án chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn công nghệ thân thiện với môi trường khi khai thác, chế biến khoáng sản nên quá trình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm còn gây tác động xấu đến môi trường. Việc thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ không đầy đủ. Chưa chú trọng đầu tư thiết bị chế biến sâu, nhất là các mỏ khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp nên chất lượng sản phẩm thấp. Kê khai thuế chưa đầy đủ, kịp thời như quy định. Hầu hết các đơn vị khai thác đều sử dụng hạ tầng giao thông của địa phương nhưng chưa hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đường giao thông trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương.

Ngoài ra, hoạt động khai thác khoáng sản (đất, cát, sét) trái phép còn diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông; một số bến bãi hoạt động kinh doanh VLXD không phép chưa được xử lý triệt để, làm thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn. Công tác tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản triển khai chậm, số lượng các mỏ được tổ chức đấu giá ít.

Đáng trách hơn, nhiều đơn vị đã bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường, nhưng đến nay các nội dung vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn. Số đơn vị vi phạm nhiều, tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp vào ngân sách nhà nước còn hạn chế.

Quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo

Trên thực tế, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng khai thác trái phép, đặc biệt là khai thác đất đồi trong hộ gia đình, cát sỏi lòng sông. Việc chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, tự ý cho các tổ chức, cá nhân khai thác và tận thu khoáng sản không đúng thẩm quyền, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách, gây ảnh hưởng môi trường, mất an toàn, an ninh, ảnh hưởng cuộc sống của nhân dân.

quan ly khai thac khoang san vi pham nhieu xu chang duoc bao

Công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là các công nghệ thân thiện với môi trường vẫn chưa được chú trọng đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Thành thẳng thắn thừa nhận, chất lượng tham mưu trong công tác lập quy hoạch khoáng sản đến nay vẫn còn không ít hạn chế do chưa dự báo sát nhu cầu sử dụng khoáng sản gắn với quá trình phát triển của tỉnh, thiếu tính đồng bộ, bao quát và tầm nhìn dài hạn. Một số quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị được lập nhưng không gắn với quy hoạch khoáng sản dẫn tới việc xử lý các mỏ được cấp gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, do sự phối hợp giữa các sở: TN&MT, Xây dựng, Công thương và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh còn hạn chế nên dự báo nhu cầu khoáng sản làm VLXD như đá, cát, sỏi không sát, dẫn đến việc cấp phép mỏ còn có sự bất cập giữa sản lượng và nhu cầu.

Dù vậy, việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công tác đóng cửa tại các mỏ đã được phê duyệt vẫn chưa được thực hiện tốt. Hiện nay, có nhiều mỏ đã hết hạn khai thác thuộc diện phải đóng cửa mỏ, nhưng mới có 43 đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được phê duyệt, trong đó, chỉ có 8 đơn vị hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ. Nhìn chung, chất lượng phê duyệt đề án cải tạo, phục hồi môi trường của UBND các huyện, thị xã còn hạn chế, số tiền ký quỹ thấp, không đủ chi phí để thực hiện công tác đóng cửa mỏ.

Hiện còn 85 giấy phép chưa thực hiện ký quỹ với số tiền 12,8 tỷ đồng. Việc kiểm tra, xử lý các sai phạm chưa nghiêm, thiếu kiên quyết nên vẫn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

(Còn nữa)

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Doanh nghiệp Hà Tĩnh sôi nổi ra quân sản xuất đầu năm

Doanh nghiệp Hà Tĩnh sôi nổi ra quân sản xuất đầu năm

Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, không khí ra quân sản xuất tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh diễn ra sôi nổi, phấn khởi. Các doanh nghiệp đều thể hiện quyết tâm, nỗ lực ngay từ những ngày đầu năm.
Tăng tốc trên công trình trọng điểm quốc gia

Tăng tốc trên công trình trọng điểm quốc gia

Sau những ngày nghỉ Tết, công trường cao tốc Bắc - Nam cùng các dự án trọng điểm lại nhộn nhịp tiếng máy. 2025 là năm hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình quan trọng nên nhà thầu quyết tâm tạo khí thế thi đua ngay từ đầu xuân mới.
Cảng Vũng Áng đón chuyến hàng đầu năm mới

Cảng Vũng Áng đón chuyến hàng đầu năm mới

Sáng mùng 4 Tết, cảng Vũng Áng đã đón chuyến tàu đầu tiên cập cảng bốc xếp hàng hóa, mang theo hy vọng về sự khởi đầu thuận lợi của hoạt động vận tải biển Hà Tĩnh.
Vũng Áng vươn mình

Vũng Áng vươn mình

Những con tàu cập bến, những chuyến hàng ra khơi, tiếng xe, tiếng máy… đã trở thành hình ảnh biểu trưng cho sự vận động, chuyển mình vừa thâm trầm mà mạnh mẽ, quyết liệt ở Vũng Áng - khu kinh tế động lực của Hà Tĩnh.
Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Năm 2024, Hà Tĩnh cán mốc thu ngân sách hơn 18.100 tỷ đồng, tăng 3% dự toán HĐND tỉnh giao. Mốc son này góp phần điểm tô thêm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh.