Đột phá tư duy, kiến tạo nền tảng phát triển bền vững

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đang tập trung phát huy nội lực, mở rộng kết nối, hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng linh hoạt. Trên tinh thần đó, một số chuyên gia đã gợi mở những giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh.

bqbht_br_tien-sy-nguyen-van-dinh-1.jpg

GS.TS.NGND Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Du lịch (Hiệp hội Du lịch Việt Nam): Tiếp cận tổng hòa tài nguyên - giá trị văn hóa trong xây dựng mô hình du lịch xanh

Hiện nay, du lịch xanh đã nổi lên như một xu thế toàn cầu nhằm hướng tới phát triển bền vững. Loại hình này chú trọng bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa và đảm bảo lợi ích cho cộng đồng bản địa. Hà Tĩnh là vùng đất có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa rất phong phú, đa dạng nhưng cũng là địa phương chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Vì thế, Hà Tĩnh đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải định hình mô hình phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu trong Kế hoạch tăng trưởng xanh của tỉnh đến năm 2030.

Từ cả góc độ lý luận và thực tiễn, việc xây dựng một mô hình du lịch xanh phù hợp định hướng phát triển bền vững của tỉnh là điều cần thiết và nên đặt trong một hệ quy chiếu đa chiều - vừa kế thừa giá trị bản địa, vừa tích hợp công nghệ và mô hình quản trị hiện đại. Ở khu vực ven biển, có thể ưu tiên các loại hình như du lịch tắm biển, trải nghiệm đời sống ngư nghiệp, du thuyền sinh thái. Trong khi đó, khu vực miền núi, nông thôn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp hữu cơ, làng nghề truyền thống và văn hóa dân gian.

Yếu tố cơ sở hạ tầng cần được thiết kế theo hướng thân thiện môi trường. Hệ thống lưu trú có thể đa dạng từ khu nghỉ dưỡng cao cấp đến homestay cộng đồng, sử dụng vật liệu tự nhiên như tre, gỗ, nứa. Giao thông nội khu ưu tiên phương tiện không gây ô nhiễm như xe đạp, xe điện, thuyền nhỏ; đồng thời cần tích hợp năng lượng tái tạo vào chiếu sáng, vận hành và giải trí.

Cần nhìn nhận cộng đồng địa phương như một tác nhân trung tâm, đóng vai trò đồng kiến tạo giá trị và đảm bảo tính bền vững văn hóa - xã hội của mô hình du lịch xanh. Quy hoạch không gian sống - sản xuất - sinh hoạt cộng đồng cần tích hợp yếu tố bản sắc văn hóa với tiêu chí phát triển bền vững. Cùng với đó, hệ thống xử lý nước thải, rác thải và chất thải sinh hoạt phải được đầu tư đồng bộ, bảo đảm môi trường sạch sẽ, trong lành và bền vững. Đồng thời, đầu tư có chiều sâu vào hệ thống xử lý nước thải, rác thải và chất thải sinh hoạt nhằm duy trì môi trường sinh thái ổn định.

Về chính sách, Hà Tĩnh cần xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả các lĩnh vực như quản lý đất đai, quy mô dân cư tại điểm đến; chính sách thu hút đầu tư; ưu đãi thuế;… Về tổ chức quản lý, chính quyền giữ vai trò định hướng, ban hành chính sách; người dân được khuyến khích tham gia trên cơ sở cùng phát triển và chia sẻ lợi ích. Đồng thời, việc xây dựng “bộ tiêu chí du lịch xanh”, “mô hình du lịch xanh”; quảng bá du lịch xanh, đào tạo nhân lực chất lượng… là những giải pháp mang tính chiến lược cần được tổ chức thực hiện một cách bài bản.

bqbht_br_img-0526.jpg

Ông Bùi Quang Hoàn - Giám đốc Sở KH&CN: Tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Trên cơ sở Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Hà Tĩnh đã ban hành Chương trình hành động số 40 ngày 14/2/2025 với nhiều mục tiêu quan trọng. Tỉnh xác định KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là khâu đột phá, động lực chính để phát triển trong kỷ nguyên mới.

Theo đó, tỉnh chú trọng đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức và lãnh đạo các ngành, các cấp về ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; khuyến khích phong trào sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả công tác tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

Hà Tĩnh tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, xóa bỏ các rào cản cản trở sự phát triển. Trong đó, chú trọng về cơ chế tài chính, đơn giản hóa thủ tục quản lý; đảm bảo chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ và chia sẻ lợi ích từ các nghiên cứu, ứng dụng; xây dựng chính sách đột phá khuyến khích đổi mới công nghệ;…

4352.jpg
Hà Tĩnh khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào chuyển đổi số, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ và chuyển đổi số, bao gồm xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp, cơ sở nghiên cứu và không gian sáng tạo. Trong năm 2025 sẽ quan tâm thực hiện đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, dữ liệu, nền tảng dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền số, làm đầu kéo thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển.

Về công tác nhân lực, tỉnh phát triển nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tăng cường đầu tư, đổi mới GD&ĐT của tỉnh; triển khai các chương trình tìm kiếm, đào tạo tài năng trong các ngành khoa học cơ bản và công nghệ chiến lược. Các cơ sở đào tạo được khuyến khích gắn giảng dạy với nghiên cứu và triển khai nhiệm vụ khoa học thực tiễn.

Thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý nhà nước, phát triển cơ sở dữ liệu ngành và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng. Nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ, nhằm huy động nguồn lực và kinh nghiệm cho phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.

bqbht_br_img-9499-1-1.jpg

Ông Lê Trung Phước - Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh: Tập trung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành trung tâm động lực tăng trưởng

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ: Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng, với hạt nhân là Khu liên hợp Gang thép Formosa và cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương sẽ đóng vai trò trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ.

Trên cơ sở định hướng đó, Ban Quản lý KKT tỉnh tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là rà soát, điều chỉnh và lập mới các quy hoạch phân khu chức năng, nghiên cứu mở rộng diện tích tự nhiên nhằm tạo dư địa thu hút các dự án quy mô lớn trong thời gian tới. Việc quy hoạch bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, tính kết nối vùng, nhất là với khu vực Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình và toàn vùng Bắc Trung Bộ - duyên hải miền Trung.

Cùng với đó, chú trọng phát triển hệ thống logistics hậu cần sau cảng, bao gồm: kho bãi, trung tâm phân phối, dịch vụ logistics tích hợp và vận tải liên vùng. Từ đó, góp phần hình thành chuỗi cung ứng khép kín, nâng cao giá trị hàng hóa, giảm chi phí logistics và tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

41.jpg
KKT Vũng Áng sẽ đóng vai trò trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ.

Công tác thu hút và hỗ trợ nhà đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Hà Tĩnh cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng dẫn thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận cơ hội mới tại Vũng Áng. Tỉnh ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, dịch vụ logistics,…

Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tiếp tục đề xuất các dự án giao thông chiến lược liên tỉnh, liên vùng gắn với cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương; phối hợp nghiên cứu thành lập Khu thương mại tự do Vũng Áng để kết nối tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng theo quy hoạch,... qua đó mở rộng hành lang kinh tế Đông - Tây, tăng cường giao thương quốc tế.

Đồng thời, ưu tiên quỹ đất xây dựng các khu chức năng, khu công nghiệp, TM-DV quy mô lớn theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư với hạ tầng đầy đủ, quan tâm ổn định đời sống, sinh kế mới cho người dân bị thu hồi đất.

Với sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, chính quyền địa phương và các nhà đầu tư, chúng tôi tin tưởng rằng, KKT Vũng Áng sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc trong những năm tới, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT - XH của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.

bqbht_br_img-0380.jpg

Ông Trần Hữu Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường: Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững

Trước yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành đang tập trung tổ chức tuyên truyền sâu rộng Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2030”, các chủ trương chính sách của trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, góp phần từng bước thay đổi nhận thức về sản xuất truyền thống, tiến tới nền nông nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững, có lợi cho người sản xuất, doanh nghiệp và môi trường.

Ngành cũng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong chỉ đạo, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái và nhu cầu thị trường. Việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về sản xuất hữu cơ và kinh tế tuần hoàn cũng được quan tâm, nhằm nâng cao năng lực cho người dân và đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở.

anh-7-9827-9507-1.jpg
Hà Tĩnh tập trung phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ phù hợp với thực tiễn sản xuất.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung, quy mô lớn, hiện đại; thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết khép kín, từ cung ứng vật tư đầu vào, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất - chế biến - đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển dịch vụ nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình sản xuất 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer) trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chính sách khuyến khích nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua, xây dựng chính sách cho giai đoạn 2026 - 2030, trong đó sẽ tiến hành xây dựng, đề xuất chính sách phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ phù hợp với thực tiễn sản xuất.

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, đảm bảo đúng đối tượng, quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật; kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Công tác giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ cũng được đôn đốc kịp thời, hiệu quả, đúng quy định, đảm bảo chính sách thực sự đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ đề Tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Việt - Lào: Hữu nghị thủy chung, đồng hành vươn ra biển lớn

Việt - Lào: Hữu nghị thủy chung, đồng hành vươn ra biển lớn

Gần 30 năm trên hành trình xây dựng và phát triển, Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt luôn đồng hành cùng cả nước đánh thức, khơi dậy tiềm năng kinh tế biển Việt Nam. Đây là minh chứng rõ nét cho tình hữu nghị, là động lực phát triển của 2 nước Việt - Lào.
Tàu 4 vạn tấn "mở hàng" cầu cảng số 3 Vũng Áng

Tàu 4 vạn tấn "mở hàng" cầu cảng số 3 Vũng Áng

Tàu có trọng tải 40.000 tấn vào cảng số 3 Vũng Áng (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nhận hàng Kali của doanh nghiệp Lào xuất khẩu đi Nhật Bản. Các thành viên thủy thủ đoàn hài lòng vì cầu cảng đáp ứng các thông số kỹ thuật đề ra.
Nâng cao năng lực hoạt động của cảng quốc tế Lào - Việt Nam

Nâng cao năng lực hoạt động của Cảng quốc tế Lào - Việt

Với nhiều lợi thế về cảng biển nước sâu, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối và việc đầu tư đồng bộ thiết bị xếp dỡ hàng hóa, các bến cảng của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt luôn sôi động, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Vướng mặt bằng, nhiều dự án ở thành phố Hà Tĩnh chậm tiến độ

Vì sao nhiều dự án ở thành phố Hà Tĩnh chậm tiến độ?

Trên địa bàn TP Hà Tĩnh hiện có nhiều dự án xây dựng hạ tầng được triển khai nhưng một số công trình chậm tiến độ. Hãy đi tìm câu hỏi vì sao xảy ra tình trạng này, gây ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Yếu tố then chốt đưa 2 tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh “về đích” trước 6 tháng

Yếu tố then chốt đưa 2 tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh “về đích” trước 6 tháng

2 tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh thông xe nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm áp lực về giao thông mà còn mở ra không gian, động lực phát triển mới cho Hà Tĩnh. Đó cũng là niềm tự hào của Hà Tĩnh và chủ đầu tư, nhà thầu thi công khi đã cùng nỗ lực, quyết tâm cao, vượt tiến độ 6 tháng.
Linh hoạt vận hành phát điện trong mùa cao điểm

Linh hoạt vận hành phát điện trong mùa cao điểm

Trước tình hình phụ tải điện tăng cao trong mùa nắng nóng, các nhà máy sản xuất điện ở Hà Tĩnh đã chủ động triển khai các giải pháp vận hành hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.