Bất cập trong thực hiện Nghị định 94/2012/NĐ-CP (bài 2):
>> Quản lý sản xuất rượu “cuốc lủi”: Vẫn còn... xa lắm!
Tìm hiểu thực tế có thể thấy, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh vẫn đang “phớt lờ” NĐ 94, vẫn chưa có biện pháp quản lý rượu thủ công cụ thể. Tình trạng nấu rượu, bán rượu không phép, không nhãn mác, không kiểm định chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra… như chưa từng có nghị định!.
Về xã Khánh Lộc (Can Lộc) - địa phương có nhiều hộ dân sản xuất rượu, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Mai Khắc Tám cho biết: “Chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng ước lượng xã có trên 50% hộ dân nấu rượu. Tuy số lượng người nấu rượu khá nhiều nhưng toàn xã mới chỉ có duy nhất 1 HTX đăng ký SXKD và có thương hiệu, nhãn mác. Quy định của Nhà nước là bắt buộc nhưng hiện tại xã vẫn chưa thể triển khai được dù địa phương rất muốn phát triển thương hiệu rượu Khánh Lộc”.
Do chưa thực hiện quản lý nghiêm túc theo Nghị định 94, các cơ sở sản xuất rượu thủ công có đăng ký SXKD, thương hiệu phải chịu nhiều thiệt thòi khi cạnh tranh trên thị trường do chịu mức thuế rất cao.
Nói về những khó khăn khi thực hiện đăng ký SXKD rượu thủ công, chị Trần Thị Phi Yến - Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh rượu nếp Khánh Lộc cho rằng, rượu là sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, việc đăng ký SXKD phải chịu mức thuế rất cao. Nếu bán với mức giá cao thì không có khách mua, còn nếu bán bằng mức giá thị trường thì HTX phải chịu lỗ. Do đó, đến nay, việc sản xuất rượu của HTX chỉ hoạt động cầm chừng, lấy tiền lãi từ kinh doanh nhà hàng, tiệc cưới để bù lỗ kinh doanh rượu. Thậm chí, có những đơn vị khác đăng ký kinh doanh, làm thương hiệu nhưng rồi “chết yểu” do không cạnh tranh được.
Việc thực hiện NĐ 94 ở huyện Thạch Hà cũng gần như chưa được bắt đầu. Ông Lê Minh Sơn - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết, SXKD rượu là ngành đặc biệt, có mức thuế cao. Trên thực tế, các đơn vị SXKD rượu thủ công không muốn đăng ký SXKD, cùng với đó, hình thức kinh doanh chủ yếu là trao tay nên rất khó quản lý. Huyện vẫn chưa nắm được số liệu về số đơn vị sản xuất rượu thủ công và toàn huyện đến nay mới chỉ có 2 nhãn hiệu được đăng ký (Hương Bộc và Trung Thu). Việc thực hiện nghị định vẫn đang gắn với các nội dung liên quan khác của ngành như tuyên truyền người dân đăng ký SXKD, đảm bảo chất lượng sản phẩm; chưa có cuộc kiểm tra độc lập về SXKD rượu. Còn công tác kiểm tra vẫn đang còn gặp khó do người dân kinh doanh nhỏ lẻ, số lượng ít.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc (Thạch Hà) Nguyễn Hồng Thanh cho biết, ở xã, người dân không đăng ký thương hiệu, không đăng ký SXKD nên rượu không có nhãn mác. Hơn nữa, người dân SXKD không ổn định nên không thể quản lý theo quy trình. NĐ 94 vẫn chưa được thực hiện trên địa bàn.
Khi được phỏng vấn, nhiều hộ dân sản xuất rượu thủ công cho hay, đến thời điểm này, NĐ 94 vẫn chưa được tuyên truyền rộng rãi. Một số người dân bày tỏ băn khoăn về các mức xử lý, xử phạt trong quy định; nhiều ý kiến cho rằng, các thương hiệu, công ty rượu lớn bị làm nhái, rượu giả tràn lan còn khó xử lý, thì các hộ nhỏ lẻ sẽ còn nhiều thời gian nữa mới xử lý được...
Là một trong những địa bàn có số đơn vị kinh doanh rượu lớn của tỉnh nhưng công tác quản lý SXKD rượu thủ công của TP Hà Tĩnh vẫn còn khá lỏng lẻo. Theo Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng TP Hà Tĩnh Trần Hậu Tuấn, quản lý SXKD rượu thủ công là một lĩnh vực rất khó khăn. Nhân lực của phòng quá ít, trong khi số người nấu rượu lớn, khó thống kê hết. Công tác tuyên truyền nội dung nghị định vẫn còn hạn chế nên nhiều người dân chưa biết. Các chế tài xử lý hiện vẫn chưa đủ mạnh để răn đe.
Trưởng phòng Quản lý công nghiệp - Sở Công thương Đặng Tiến Bình cho biết, thực tế đến nay vẫn chưa có chương trình tập huấn, tuyên truyền cụ thể về nội dung NĐ 94 mà chỉ kết hợp với nhiều nội dung khác. Việc quản lý SXKD rượu thủ công đã được phân cấp đến cấp huyện, xã; cùng với đó, đây là lĩnh vực lớn nên cấp sở không thể “với tay” đến các địa phương hết được. Đối tượng điều chỉnh trong nghị định quá rộng trong khi đơn vị thực hiện quá mỏng. Đầu năm 2017, sở sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến về nội dung NĐ 94 và các văn bản liên quan, đặc biệt là về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời, yêu cầu các cấp, đơn vị báo cáo định kỳ về việc triển khai thực hiện, đưa việc SXKD rượu thủ công đi vào nền nếp theo quy định.
Thiết nghĩ, để NĐ 94 đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả tốt nhất, còn rất nhiều vấn đề cần được tháo gỡ. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, trước mắt, các cấp, ngành, địa phương cần sớm tổ chức việc rà soát, thống kê các hộ cũng như cơ sở nấu rượu trên địa bàn để phân loại, xử lý. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong vận chuyển, tiêu dùng rượu ở các quán ăn, xây dựng các chế tài cụ thể để xử lý nghiêm vi phạm và nâng cao nhận thức của các hộ SXKD rượu. Có như vậy, mới có thể từng bước đưa hoạt động SXKD rượu thủ công đi vào nền nếp, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.