Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng trước họa ngoại xâm với tư duy phải bằng sức mình để giữ vững nền độc lập tự do, Người nêu lên nhiệm vụ: “Nước ta mới giành lại quyền độc lập tự do nhưng cần phải qua nhiều bước khó khăn, vậy nên quốc dân ta, bất kỳ già trẻ đều phải ra sức gánh vác một vai”. Khi giặc Pháp trở lại xâm lược, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12/1946), Người đã chỉ rõ: “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Tư tưởng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, mọi người dân đều đánh giặc “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”, đó cũng là cội nguồn của quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Nét đặc trưng tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân là xây dựng LLVT cách mạng “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân chiến đấu”, được tổ chức bằng 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), là xây dựng căn cứ địa cách mạng, khởi nghĩa toàn dân, toàn diện và tiến hành chiến tranh Nhân dân.
Hồ Chí Minh cho rằng, nền quốc phòng của nước nhà là phải trên cơ sở tuyên truyền, vận động dân, do dân xây dựng và dựa vào sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đặc biệt chú trọng xây dựng thế trận lòng dân vững chắc để bảo vệ và giữ gìn nền độc lập. Xuyên suốt trong quá trình giành độc lập, chiến đấu với thực dân, đế quốc xâm lược cũng như ngày nay đang xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân vẫn có giá trị về lý luận và thực tiễn; có vị trí, vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cần tiếp tục nhận thức đầy đủ, sâu sắc giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân để vận dụng sáng tạo vào xây dựng chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài.
Một là, tích cực chủ động xây dựng LLVT nhân dân toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trên cơ sở giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân để đảm bảo và tăng cường nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Luôn ghi nhớ lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”.
Hai là, dù ở điều kiện nào, hoàn cảnh nào cũng phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường trong xây dựng tiềm lực quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Thế mạnh của quốc phòng toàn dân phải được kết hợp chặt chẽ với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH.
Ba là, luôn nhận thức đầy đủ nền tảng đặc biệt quan trọng việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân là “thế trận lòng dân”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân”. Đây là vấn đề then chốt, quyết định sứ mệnh và sự sống còn của Đảng, Nhà nước và Tổ quốc Việt Nam XHCN. Những chủ trương, chính sách về phát triển KT-XH để phát triển đất nước phải xuất phát từ mục tiêu phục vụ Nhân dân, phải gắn với quốc phòng để tạo thế trận quốc phòng toàn dân luôn luôn vững chắc.
Bốn là, thường xuyên chăm lo xây dựng LLVT nhân dân, trước hết là Quân đội nhân dân theo hướng “cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Xây dựng LLVT 3 thứ quân có trình độ và sức chiến đấu cao. Trong đó, bộ đội chủ lực chính quy đảm bảo số lượng thường trực hợp lý, chất lượng cao; lực lượng dự bị động viên hùng hậu, tổ chức quản lý, huấn luyện tốt; xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng cứu thường trực, chủ động. Dân quân tự vệ được tổ chức rộng khắp ở các thành phần kinh tế, cơ sở SXKD, đơn vị hành chính sự nghiệp và các cơ sở xã, phường, thôn, xóm.
Năm là, tổ chức tốt sự phối hợp với các lực lượng, nâng cao cảnh giác, ngăn ngừa, đối phó, xử lý hiệu quả các tình huống có thể xảy ra; chủ động hội nhập môi trường quốc tế hòa bình, ổn định. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bằng sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Có kế hoạch ngăn ngừa các nguy cơ nhanh, xung đột, đối đầu từ xa. Nỗ lực, phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chính trị và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”.
Sáu là, điều quan trọng nhất đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là phải từ dân, “dân là gốc”, khơi dậy, phát huy truyền thống lịch sử, ý chí tự lực tự cường, truyền thống văn hóa yêu nước, sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố: chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học - kỹ thuật… sức mạnh của sự kết hợp con người, vũ khí “người trước, súng sau”; sức mạnh nội tại trong nước với những giá trị và tiến bộ của quốc tế; trong đó yếu tố bên trong, sức mạnh từ nền quốc phòng toàn dân giữ vai trò quyết định.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến vừa có cơ hội thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nhiều bất ổn; đất nước đang trên đà phát triển với cơ đồ và vị thế như hiện nay, cần được tiếp tục quán triệt sâu sắc, linh hoạt và sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân để xây dựng LLVT thực sự vững mạnh, đảm bảo vững chắc sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.