Anh tuyển gần 2.000 nhân viên tình báo để chống khủng bố

Quân số bổ sung thêm sẽ được tăng cường cho cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, cả trên thực địa lẫn trên mạng.

anh tuyen gan 2 000 nhan vien tinh bao de chong khung bo

James Bond trên màn ảnh là điệp viên MI6 nhưng đời thực không hẳn đã "hoành tráng" như vậy

Theo BBC ngày 21-9, lực lượng tình báo của Anh sẽ tăng thêm gần 2.000 nhân viên từ nay cho đến năm 2020. Theo đó Cơ quan tình báo mật (SIS, tức MI6) được tăng quân số từ 2.500 lên 3.500. Số gần 1.000 nhân viên còn lại sẽ phiên vào Cơ quan an ninh (MI5) và Sở Chỉ huy thông tin của Chính phủ (GCHQ) - tên gọi của cơ quan tình báo có nhiệm vụ tổ chức thu thập công khai và cả nghe lén thông tin.

Đài BBC của Anh cho biết kế hoạch tăng quân số như vậy đã rõ nhưng chỉ là chưa biết khi nào thì tuyển quân. Cơ quan MI6 của Anh trước nay được "giấu biến" và cho đến tận 1994 cơ quan này mới được đề cập công khai. Thậm chí gần đây cơ quan này công khai cả việc tuyển người trên các phương tiện truyền thông.

Thậm chí ông Alexander William Younger, lãnh đạo của MI6, trong lần hiếm hoi xuất hiện công khai tại Washington (Mỹ) hôm 20-9 vừa rồi đã nói về môi trường hoạt động mới của lĩnh vực tình báo trong bối cảnh thế giới số ghi lại vết của mọi người, dĩ nhiên gồm cả các điệp viên, lẫn những người muốn trở thành điệp viên.

"Cuộc cách mạng thông tin đang làm thay đổi căn bản môi trường hoạt động của các điệp viên"

Ông Alexander William Younger, lãnh đạo của MI6

Ông cũng nhận định về cách ứng xử mới chống khủng bố vì không gian mạng “đang cấu thành một mối đe dọa bởi vì đối phương có thể dùng nó để theo sát các hoạt động mà chúng đang tổ chức hoặc tiến hành và như thế cung cách hành động của chúng cũng đã thay đổi rất nhiều so với trước đây”.

Theo báo The Times, việc tăng quân số sẽ giúp các cơ quan tình báo Anh có đủ lực lượng xử lý số lượng khổng lồ dữ liệu số mà MI6 tiếp nhận mỗi ngày để có thể nhận diện sớm những tín hiệu của khủng bố cũng như cảnh báo về các nguy cơ tấn công khủng bố.

Theo đó các nhân viên mới sẽ phụ trách chủ yếu việc nhận diện và lưu trữ các “dấu vết số hóa” của những người sử dụng Internet, điện thoại hoặc máy tính.

Chính quyền London từng cam kết dành 2 tỉ bảng Anh, từ nay đến cuối năm 2020, cho các cơ quan chống khủng bố của Anh.

Cơ quan MI5 có khoảng 3.800 nhân viên. Bộ trưởng Nội vụ chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan này. MI5 có trụ sở chính tại tòa nhà Thames House, bên dòng sông Thames ở khu vực Millbank của London.

Mục tiêu hoạt động của MI5 được quy định tại Đạo luật Hoạt động An ninh 1989 của Anh như sau: "Bảo vệ an ninh quốc gia và cụ thể là bảo vệ trước các mối đe dọa phản quốc, khủng bố và phá hoại, trước các hoạt động của các điệp viên nước ngoài và trước các hành động nhằm lật đổ hoặc làm suy yếu nền dân chủ nghị viện qua các biện pháp chính trị, nghiệp đoàn hoặc bạo lực, và bảo vệ sự lành mạnh của nền kinh tế Anh quốc."

MI6 có trách nhiệm âm thầm theo dõi trên toàn cầu nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và kinh tế Anh. Những lĩnh vực mà MI6 quan tâm là khủng bố, buôn lậu ma túy, phổ biến vũ khí có sức phá hủy hàng loạt và gây bất ổn khu vực. Trụ sở chính của MI6 là một địa điểm nổi tiếng ở London, nằm bên bờ nam sông Thames, gần cầu Vauxhall. MI6 báo cáo hoạt động của mình trước Ngoại trưởng Anh.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast