“Bán mạng” trong mỏ than

Do khủng hoảng kinh tế, hàng nghìn người đổ xô tới khu mỏ Chinarak, chấp nhận nguy cơ mất mạng bất cứ lúc nào để kiếm tiền nuôi gia đình.

“Bán mạng” trong mỏ than

Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, Afghanistan hứng chịu khủng hoảng kinh tế nặng nề, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh khó khăn, tuyệt vọng. Nhiều người phải quyết định bán con để trả nợ hay bán thận qua chợ đen. Trong bối cảnh đó, hàng nghìn người đã đổ xô tới các mỏ than nổi tiếng nguy hiểm tại phía bắc đất nước để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Trong ảnh là mỏ than Chinarak, tỉnh Baghlan, miền bắc Afghanistan. Số lao động nam giới tới đây làm việc đã tăng gấp ba lần so với trước khi Taliban tiếp quản, nhiều người trong số họ là cựu quân nhân, cảnh sát, nhân viên tổ chức phi chính phủ, chủ cửa hàng...

“Bán mạng” trong mỏ than

Thợ mỏ ở Chinarak đang chuyển than từ miệng hầm lò lộ thiên, chất lên lưng lừa để vận chuyển tới đoàn xe tải đang chờ dưới núi. Mỏ Chinarak nổi tiếng nguy hiểm. Các già làng địa phương cho biết khoảng 200 người đã thiệt mạng tại đây kể từ khi mỏ được phát hiện 50 năm trước. Tuy nhiên, Chinarak còn trở nên chết chóc hơn khi ngày càng nhiều thợ mỏ thiếu kinh nghiệm tập trung về đây. “Họ kéo tới đây bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, họ đều biết rằng mình có thể chết”, Baz Mohammad, 35 tuổi, đã làm việc trong mỏ từ năm 15 tuổi, cho biết. “Nếu có tiền, tôi sẽ không ở đây thêm một giây nào nữa”.

“Bán mạng” trong mỏ than

Thợ mỏ Taza (thứ hai từ phải sang) cũng đang cùng các công nhân xếp than lên lưng lừa. Taza, 30 tuổi, từng là cảnh sát dưới chính quyền cũ. Anh bắt đầu làm việc tại mỏ hồi tháng 9/2021, một tháng sau khi Taliban lên nắm quyền, để lo cho 6 đứa con ở nhà. Trong một lần làm việc trong hầm lò, Taza bắt đầu cảm thấy nóng và nặng đầu một cách kỳ lạ. Vài phút sau đó, anh bị co thắt thanh quản, triệu chứng khi hít phải khí độc. Taza lập tức vứt bao than trên lưng, lao đến cửa hầm và ngất gục tại đó. Vài ngày sau, anh quay lại mỏ để tiếp tục làm việc. “Tôi không còn lựa chọn nào khác”, Taza nói. “Các cháu ở nhà đang đói”.

“Bán mạng” trong mỏ than

Đoàn xe tải tập kết dưới chân núi, chờ số than được những con lừa chuyển tới. Sau khi nắm quyền, Taliban đã quốc hữu hóa ngành khai thác mỏ. Abid Atullah, quản lý các mỏ tại quận Nahrain, cho biết mỏ Chinarak đem lại 16.000-30.000 USD tiền thuế mỗi ngày, nguồn thu khiêm tốn nhưng đáng hoan nghênh trong bối cảnh Afghanistan thiếu tiền mặt trầm trọng.

“Bán mạng” trong mỏ than

Các chiến binh Taliban tại trạm kiểm soát gần mỏ Chinarak. Họ có nhiệm vụ giám sát và thu thuế đối với xe tải chở than rời khỏi mỏ.

“Bán mạng” trong mỏ than

Một cậu bé đeo đèn pha cõng túi than nặng trĩu trên lưng bước ra từ đường hầm dưới mỏ Chinarak. Nhiều thợ mỏ tại đây chỉ là những thiếu niên.

“Bán mạng” trong mỏ than

Một thiếu niên khác đeo đèn pha làm việc bên trong hầm lò chật hẹp ở mỏ Chinarak.

“Bán mạng” trong mỏ than

Công nhân di chuyển qua cây cầu tạm bắc tại mỏ Chinarak. Các thợ mỏ tại đây cho biết công việc nguy hiểm này chỉ giúp họ kiếm được vài USD mỗi ngày, đủ mua đồ ăn thức uống sống qua ngày. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, người dân Afghanistan ở đủ lứa tuổi vẫn chọn công việc “bán mạng” này.

“Bán mạng” trong mỏ than

Công nhân đang sắp xếp các thanh gỗ chống lò để mở rộng đường hầm trong mỏ. Các thợ mỏ đã kiến nghị với chính quyền Taliban ở địa phương, yêu cầu cung cấp kỹ sư về an toàn lao động, bình dưỡng khí, máy đo khí độc và thanh chống lò, song không được phản hồi. Những người điều hành mỏ buộc phải cắt giảm 40% lương hàng ngày của thợ mỏ để mua gỗ chống lò. Số khác không mua, buộc thợ phải đào những đường hầm hẹp hơn với cấu trúc kém an toàn. Tháng trước, một số thợ mỏ thiếu kinh nghiệm đã đào đường hầm quá xa mà không bố trí thanh chống lò, khiến hầm lò sập xuống. Mọi người ở mỏ đã nỗ lực đào bới suốt hai ngày, nhưng không thể cứu được hơn 20 thợ mỏ mắc kẹt bên dưới.

“Bán mạng” trong mỏ than

Công việc tại mỏ Chinarak bắt đầu vào lúc bình minh. Những người thợ bắt đầu đeo đèn pha, chui xuống các khe hở của mỏ, bước vào đường hầm dài gần 300 mét dưới lòng đất. “Đến đây và làm việc có thể kiếm được tiền mua thức ăn cho gia đình”, Zahir Kazimi, cựu chủ tiệm may 33 tuổi, hiện là thợ tại mỏ, nói. “Không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi phải làm việc”.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast