Đằng sau cuộc trưng cầu dân ý Hiến pháp mới của Thái Lan

Các nhà phân tích cho rằng dự thảo Hiến pháp mới không những tiếp tục chèn ép ông Thaksin thông qua cải cách chế độ chính trị, mà còn dọn đường cho quân đội tiến vào chính trường.

Thái Lan đã quyết định ngày 7/8 sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo Hiến pháp mới. Hiến pháp do quân đội Thái Lan chủ định sửa đổi sau cuộc đảo chính giành chính quyền vào năm 2014 sẽ định hình chính trường Thái Lan trong tương lai.

Vì có nhiều tranh cãi, nên dự thảo Hiến pháp này đã vài lần được sửa đổi trong hai năm qua. Những người phản đối cho rằng dự thảo Hiến pháp dọn đường cho quân đội tiếp tục nắm quyền lực sau bầu cử dân sự trong khi những người ủng hộ thì cho rằng trong tình hình xã hội tiếp tục chia rẽ, mâu thuẫn chính trị gay gắt hiện nay, để quân đội tham gia chính trường giúp giữ ổn định đất nước.

dang sau cuoc trung cau dan y hien phap moi cua thai lan

Binh sĩ Thái Lan tham gia cuộc tuần hành tại tỉnh Narathiwat ngày 22/7, kêu gọi mọi người tham gia cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới. Ảnh: AFP/TTXVN

Bản dự thảo Hiến pháp dày hơn 100 trang, gần 300 chương này đã đưa ra sự điều chỉnh tế nhị quan trọng chưa từng có đối với ba mảng lớn là cơ quan lập pháp, cơ cấu chính trị và quyền hạn tư pháp ở Thái Lan.

Một là, về cơ quan lập pháp, nâng số ghế nghị sĩ tại Thượng viện từ 200 ghế trước đây lên 250 ghế, việc bầu Thượng nghị sĩ chuyển từ phương thức kết hợp giữa cử tri bầu với tổ chức độc lập đề cử trước đây sang hoàn toàn do quân đội đề cử, trong đó có 6 ghế do 6 người gồm Tư lệnh Tối cao Các lực lượng vũ trang, Tư lệnh Hải, Lục, Không quân, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia cùng Thứ trưởng Quốc phòng tự động đảm nhiệm. Hạ viện vẫn duy trì 500 ghế không thay đổi, vẫn được bầu ra qua bầu cử. Những người phản đối cho rằng, sự thay đổi này thực chất là mở đường hợp pháp tham gia chính trường cho quân đội, khiến Thượng viện trở thành “cơ quan đại diện” của quân đội trong Quốc hội.

Hai là, về cơ cấu chính trị, việc bầu Thủ tướng có thể không do chính đảng giành thắng lợi đề cử mà có thể do Thượng viện đề cử nhân vật không phải là Nghị sĩ hay không tham gia đảng phái nào; Thượng viện có quyền thúc đẩy việc luận tội Thủ tướng được bầu với bất kỳ phương thức nào. Thượng viện có thể không hạn chế số lần luận tội hoặc đề cử Thủ tướng. Những người phản đối cho rằng sự thiết lập này trên thực tế khiến việc bầu Thủ tướng tách rời kết quả bầu cử Quốc hội. Mặc dù một đảng phái nào đó giành được thắng lợi, nhưng nhân sự Thủ tướng do họ đề cử cũng có thể bị Thượng viện bác bỏ tại Quốc hội.

Ba là, về quyền hạn tư pháp, dự thảo Hiến pháp mới đã tăng thêm quyền tài phán của Tòa án Hiến pháp. Theo đó, Tòa án Hiến pháp có thể trực tiếp xét xử các chính khách tình nghi tham nhũng. Những người phản đối cho rằng sự thay đổi này xem ra đã tăng cường cường độ chống tham nhũng, nhưng nếu Tòa án Hiến pháp bị một phe phái nào đó kiểm soát thì Tòa án Hiến pháp rất có thể trở thành công cụ chính trị dùng để kiềm chế một phe phái nào đó. Các nhà phân tích cho rằng dự thảo Hiến pháp mới không những tiếp tục chèn ép thế lực chính trị của ông Thaksin thông qua cải cách chế độ chính trị, mà còn dọn đường cho quân đội tiến vào chính trường sau này, khiến quân đội và cơ quan tư pháp có thể áp dụng biện pháp kiềm chế một phe phái chính trị nào đó trong khung Hiến pháp.

Những người chỉ trích cho rằng, dự thảo Hiến pháp mới thực ra là “cải tạo Thượng viện trở thành tổ chức đảo chính quân sự có thể sẵn sàng luận tội Thủ tướng do dân bầu”. Hiện nay, kết quả thăm dò dân ý của các cơ quan thăm dò dư luận Thái Lan có kết quả khác biệt khá lớn, việc dự thảo Hiến pháp liệu có được thông qua hay không còn chưa rõ.

Phân tích cho rằng nguyên nhân nảy sinh sự khác biệt to lớn này có thể liên quan đến phương thức thăm dò dân ý, bởi vì vừa qua đã có hơn 80 người đã bị bắt vì có những lời nói không phù hợp, phản đối bản dự thảo Hiến pháp.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast