Nhìn lại 1 năm ngày Mỹ phát hiện ca COVID-19 đầu tiên

Ngày 21/1/2020, Mỹ tuyên bố phát hiện ca đầu tiên nhiễm chủng virus Corona lạ gây bệnh giống như viêm phổi song nguy cơ tử vong cao hơn mà giới chuyên gia nghi ngờ khởi phát từ một khu chợ ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Nhìn lại 1 năm ngày Mỹ phát hiện ca COVID-19 đầu tiên

Nhân viên y tế đẩy cảng chở thi thể nạn nhân COVID-19 ra khỏi Trung tâm Y tế Wyckoff Heights trong đợt bùng dịch tại quận Brooklyn, New York, hồi tháng 4/2020. Ảnh: Reuters

Căn bệnh bí ẩn này sau này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố là đại dịch toàn cầu dưới tên bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Chủng virus có sức lây lan mạnh được đặt tên gọi chính thức là SARS-CoV-2.

Trong thời gian ngắn, bóng đen COVID-19 đã lan rộng khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cho đến hiện tại, đại dịch vẫn tác động nặng nề đến đời sống xã hội và nền kinh tế của hầu hết các nước. Bên cạnh gây ra nỗi đau thương và mất mát, đại dịch thế kỷ cũng là cơ hội để một số dân tộc thể hiện tình đoàn kết, vươn lên giành lấy chiến thắng.

Bệnh nhân số 0 của Mỹ

Nhìn lại 1 năm ngày Mỹ phát hiện ca COVID-19 đầu tiên

Hình ảnh cách ly của “bệnh nhân số 0” COVID-19 tại Mỹ. Ảnh: ABC 7

Cách đây tròn 1 năm, giới chức phát hiện một người đàn ông khoảng 30 tuổi sống ở ngoại ô Seattle là ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại Mỹ. Được biết, anh ta vừa đến Vũ Hán và trở về nhà hai ngày trước khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) bắt đầu rà soát người từng đến Trung Quốc.

Lúc đó, virus lạ đã làm 6 người Trung Quốc tử vong. Với ca mắc đầu tiên, Mỹ trở thành 1 trong 5 quốc gia duy nhất ghi nhận người mắc COVID-19. Còn thành phố Seattle nhanh chóng đã trở thành điểm nóng dịch bệnh, với số người mắc tăng nhanh sau khi virus lan đến một nhà dưỡng lão ở ngoại ô thành phố.

Kênh truyền hình ABC 7 đưa tin Tiến sĩ George Diaz, người phụ trách Khoa bệnh lây nhiễm tại Trung tâm Y tế Providence , vừa chia sẻ về kỷ niệm khó quên khi điều trị cho “bệnh nhân số 0” vào thời điểm mà chủng virus vẫn còn là điều bí ẩn.

Một bức hình chụp tại Trung tâm Providence năm 2020 cho thấy nam bệnh nhân nằm trong một khoang cách ly kín như bưng để ngăn anh ta lây virus cho những người điều trị. Tiến sĩ Diaz cho biết việc cô lập đã tác động xấu đến tâm lý của bệnh nhân. “Cậu ta trở nên vô cùng hoảng sợ về điều có thể xảy đến sau khi được biết thông tin ở Trung Quốc đã ghi nhận nhiều người chết. Cậu ta sợ hãi mình cũng sẽ chết. Một trong những phần khó khăn nhất trong công tác chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 đó chính là nỗi sợ về cái chết của họ”, ông Diaz nói.

Vị tiến sĩ này cho biết ông là một trong số các bác sĩ đầu tiên trên thế giới sử dụng thuốc kháng virus remdesivir để chữa COVID-19. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện. Ông Diaz cho biết cả hai vẫn còn giữ liên lạc.

Mất mát và thành tựu

Nhìn lại 1 năm ngày Mỹ phát hiện ca COVID-19 đầu tiên

Người đàn ông “lạc lõng” đeo khẩu trang giữa đám đông đi tàu điện ở San Francisco hồi cuối tháng 2/2020 khi chính quyền bang California bắt đầu rà soát người khách du lịch có dấu hiệu nhiễm bệnh. Ảnh: Getty Image

Hôm 13/3/2020, sau một thời gian dài đánh giá thấp dịch bệnh cùng các quy tắc phòng ngừa, cựu Tổng thống Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến bệnh COVID-19. Động thái này đi kèm việc giải ngân hàng tỷ USD trong ngân sách liên bang cho giới chức bang và địa phương để triển khai chống dịch.

Đáng chú ý, 3 tháng sau khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện trên lãnh thổ Mỹ, quốc gia đã cán mốc 1 triệu người mắc. Đến ngày 9/11/2020, con số này tăng gấp 10 lần.

Về số người tử vong, trang Live Science đưa tin bệnh nhân đầu tiên ở Mỹ thiệt mạng do COVID-19 là một phụ nữ 57 tuổi sống tại hạt Santa Clara. Bà qua đời ở nhà riêng vào ngày 6/2/2020. Tính đến ngày 27/5/2020, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 100.000 người tại Mỹ. 4 tháng sau đó, số ca tử vong cán mốc 200.000 người. Và khoảng giữa tháng 12, thêm 100.000 người khác không qua khỏi sau khi nhiễm virus. Đặc biệt, ngày 2/10, ông Donald Trump đã thông báo trên Twitter rằng ông và phu nhân Melania đã dương tính với virus SARS-CoV-2, tạo ra một cơn địa chấn chính trị trước thềm cuộc bầu cử quan trọng.

Sau 1 năm phủ bóng đại dịch, ít nhất 24,4 triệu người Mỹ đã mắc bệnh, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, với trên 406.000 ca tử vong. Những người này đã bị tước mất cơ hội sống, không còn được ngồi ăn tối bên gia đình, được đi học hay đi làm, để lại khoảng trống trải không thể nào bù đắp. Vào các đỉnh dịch, hệ thống y tế trở nên quá tải kéo theo đội ngũ y, bác sĩ kiệt sức. Thậm chí, hơn 6 tháng sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khoảng 700 thi thể nạn nhân xấu số ở thành phố New York vẫn bị chất chồng lên nhau bên trong những chiếc xe tải đông lạnh.

Nhìn lại 1 năm ngày Mỹ phát hiện ca COVID-19 đầu tiên

Thi thể các bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại Mỹ. Ảnh: CNN

Một loạt dữ liệu của Chính phủ Mỹ công bố cuối tháng 12/2020 tiếp tục cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới đang chững lại khi mà số ca mắc bệnh COVID-19 tăng vọt.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng ở Mỹ đã giảm do thu nhập cá nhân và chi tiêu giảm, trong khi doanh số bán nhà mới cũng chịu chung cảnh. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo tình hình có thể tiếp tục xấu đi nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ. Chuyên gia Joel Naroff nhận định các dữ liệu mới công bố “không cao như kỳ vọng”, trong đó thu nhập cá nhân giảm là tín hiệu đáng lo ngại nhất.

Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở nước này hiện vẫn ở mức cao và trong 6 tuần vừa qua có tới 4 tuần tăng. Trong tuần kết thúc vào ngày 19/12/2020, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm 89.000 đơn xuống còn 803.000 đơn, so với 892.000 đơn của tuần trước đó. Dù vậy, mức giảm này vẫn thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy, trong tháng 11 vừa qua, thu nhập cá nhân đã giảm 11% trong tháng thứ hai liên tiếp khi chính phủ bắt đầu cắt giảm trợ cấp. Tổng chi tiêu cũng giảm 0,4% so với tháng 10, kéo theo đà lao dốc của doanh số bán lẻ.

Tuy nhiên, chưa đầy 365 ngày sau khi virus SARS-CoV-2 lây lan đến Mỹ, các nhà khoa học đã có thể phát triển ra loại vaccine tiềm năng để phòng ngừa COVID-19. Trong đó, hai loại vaccine của Pfizer và Moderna đều đạt tỷ lệ thành công trên 90%. Với tốc độ chế tạo nhanh chóng chưa từng có tiền lệ, thành tựu này đã lóe lên tia hy vọng chấm dứt đại dịch.

Nhìn lại 1 năm ngày Mỹ phát hiện ca COVID-19 đầu tiên

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Để được cấp phép sử dụng, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ quy định rằng các mẫu vaccine nói chung phải có hiệu quả ở mức ít nhất 50% trong thử nghiệm lâm sàng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra mức tối thiểu này đối với vaccine ngừa COVID-19, nhưng khuyến khích mức tối thiểu là 70%.

Có rất ít vaccine hiệu quả trên 90%, trường hợp hãn hữu đó rơi vào vaccine phòng sởi, ho gà. Vaccine ngừa cúm mùa chỉ có tỉ lệ hiệu quả ở ngưỡng 40%-60%, nhưng cũng đã cứu sống được hàng triệu mạng người. Vậy nên những con số, tỉ lệ mà Pfizer hay Moderna hay AstraZeneca công bố đều đáng để ăn mừng.

Mặc dù giới nghiên cứu sản xuất vaccine nhanh kỳ lục nhưng cơ quan chức năng tại bang và địa phương ở Mỹ lại gặp khó khăn trong việc tiêm chủng mở rộng cho người dân. Theo CDC, ngày 14/12/2020, một y tá ở New York đã trở thành người Mỹ đầu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, chiến dịch này vẫn chưa thể tăng tốc. Hiện mới chỉ có gần 18,4 triệu người Mỹ đi tiêm vaccine. Tỷ lệ đăng ký tiêm chủng trung bình hàng ngày trong tuần trước là 939.973 người.

Niềm tin vào “vị tướng” mới

Tại thời điểm quốc gia này vừa đón tân Tổng thống Joe Biden nhậm chức, nhiều người đặt niềm hy vọng rằng ông sẽ tháo gỡ được những trở ngại trong chiến dịch chống COVID-19. Nhà lãnh đạo này đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 100.000 người trong 100 ngày đầu nhậm chức. Chuyên gia y tế hàng đầu Anthony Fauci đánh giá mục tiêu trên là khả thi.

Ngày 21/1, ông Biden đã công bố chiến lược chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chi tiết, trong đó ưu tiên thúc đẩy việc tiêm chủng, xét nghiệm và tập trung vào khía cạnh khoa học. Trong khi đó, giới chức Mỹ cho biết ông Biden sẽ ngay lập tức ký 10 sắc lệnh hành pháp và các chỉ thị khác, trong đó có bắt buộc đeo khẩu trang tại các sân bay và một số phương tiện công cộng nhất định, nhằm khởi động chiến lược quốc gia trên.

Kế hoạch này đặt ra một số mục tiêu như khôi phục niềm tin của người dân Mỹ, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và giảm thiểu sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 bằng cách bắt buộc đeo khẩu trang và xét nghiệm, cũng như củng cố lực lượng y tế.

Trước đó, ngày 21/12/2020, Joe Biden đã tiêm vaccine phòng COVID-19 trực tiếp trên sóng truyền hình. Đây là nỗ lực của chính khách này nhằm thuyết phục công chúng Mỹ rằng việc tiêm vaccine là an toàn. Hãng thông tấn AP đưa tin ông Biden đã tiêm liều vaccine phòng COVID-19 do công ty Pfizer sản xuất tại một bệnh viện ở Newark, bang Delaware. Phu nhân của ông Biden là bà Jill Biden cũng tháp tùng chồng và làm điều tương tự.

Tổng thống đắc cử Biden khi được tiêm có phát biểu: “Tôi làm điều này để cho thấy mọi người nên chuẩn bị khi vaccine sẵn sàng. Không có gì phải lo lắng cả”.

Theo Hoàng Trang/Báo Tin tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast