Nữ siêu trộm Mỹ 86 tuổi tái xuất lấy cắp vòng kim cương 2000 USD

“Nữ siêu trộm” 86 tuổi Doris Payne từng gây sóng gió cho các nhân viên bán đồ trang sức trong những năm 70 của thế kỷ trước vừa tái xuất giang hồ.

AP dẫn lời cảnh sát Mỹ cho biết, “nữ siêu trộm” này vừa lấy cắp một chiếc vòng đeo cổ kim cương trị giá 2.000USD tại cửa hàng trang sức Von Maur ở ngoại ô thành phố Atlanta bang Georgia, Mỹ. Tuy nhiên, Doris Payne đã bị bắt ngay khi vừa nhét chiếc vòng kim cương này vào túi áo sau và tìm cách chuồn ra khỏi cửa hàng.

nu sieu trom my 86 tuoi tai xuat lay cap vong kim cuong 2000 usd

Nữ siêu trộm Doris Payner. Ảnh: AP

86 tuổi vẫn liên tục trộm cắp

Người phát ngôn cảnh sát Dunwoody Stevens cho biết, Doris Payne sẽ phải đối mặt với tội trộm cắp tài sản. Hiện Doris Payne bị tạm giam tại nhà tù hạt DeKalb nơi bà từng bị giam giữ nhiều lần trước đó.

Doris Payne đang chờ bị xét xử và hiện vẫn chưa rõ đã có ai nhận bào chữa cho bà hay chưa. Luật sư Shawn McCullers, người bào chữa cho Doris Payne trong vụ trộm đôi hoa tai trị giá 690USD tại một cửa hàng trang sức trên Đại lộ Saks Fifth năm 2015, cho biết, ông không còn là người đại diện cho Doris Payne trong vụ trộm mới nhất này nữa.

Cũng trong năm 2015, Doris Payne bị bắt và giam giữ vài ngày tại nhà tù hạt Fulton vì tội trộm cắp vặt. Vào thời điểm đó, Doris Payne vẫn đang chịu lệnh truy nã ở North Carolina, trong đó nêu rõ, kể từ khi bước vào tuổi 80, tần suất hoạt động của Doris Payne “có giảm đi một chút”.

Luật sư Gretch Von Helms, người từng bào chữa cho Doris Payne vài năm trước đó, nhận xét: “Bà ấy trông rất cuốn hút. Các nhân viên tại các cửa hàng trang sức đã đưa ra rất nhiều quan điểm khác nhau về Doris Payne nhưng họ đều thừa nhận trông bà ấy rất quyến rũ và thân thiện. Đó là những lời rất tốt đẹp mà họ dành cho bà ấy dù nhiều người từng là nạn nhân của bà ấy trong những vụ trộm cắp trước đây”.

Hành động sai trái không thể biện minh

Đáp lại, nhà báo của tờ Variety Peter DeBruge từng viết: “Chẳng ai muốn một phụ nữ quyến rũ đi trộm cắp trang sức cả, nhất là khi bà ấy tự cho rằng, hành vi tội phạm của bà chỉ là hành động vô hại và là sự trả thù của Doris Payne đối với cách xã hội văn minh đối xử với giấc mơ của một người da màu muốn trở thành vũ nữ ballet như bà.

Có thể nói rằng, người phụ nữ có vẻ đẹp quyến rũ như một siêu mẫu da màu này có thể nói gì tùy thích để biện minh cho hành động của mình, nhưng sự thật là kể từ năm 23 tuổi đến nay bà đã trộm số trang sức trị giá 2 triệu USD và thay vì phải đối mặt với hậu quả do mình gây ra, Doris Payne đã liên tục thoát khỏi sự phán xử của Tòa án trong hầu hết cả vụ việc”.

Giới chức thành phố Atlanta cho biết, trong suốt 60 năm qua, Doris Payne thường trộm cắp những trang sức quý giá tại rất nhiều cửa hàng trên khắp thế giới. Hồ sơ từ tòa án tại Atlanta có ghi lại 6 vụ trộm cắp của Doris Payne từ năm 1999-2015, chủ yếu xảy ra tại khu vực miền Nam California.

Những “truyền thuyết” về các vụ trộm cắp của Doris Payne đã trở thành “miếng mồi ngon” cho giới truyền thông và giới báo chí Mỹ. Thậm chí, còn có một bộ phim tài liệu về Doris Payne mang tên: “Cuộc đời và những vụ trộm của Doris Payne” từng được chiếu vào năm 2013.

Trộm cắp từ khi mới 20 tuổi

Doris Payne sinh ra và lớn lên tại West Virginia trước khi cùng gia đình chuyển tới Ohio khi còn là một thiếu nữ. Giới chức Atlanta cho biết, trong “sự nghiệp” trộm cắp của mình, bà sử dụng tới 22 cái tên khác nhau và thực hiện thành công rất nhiều vụ trộm cắp dù cũng từng phải ngồi tù tới 20 lần.

Từ những năm 70 của thế kỷ trước Liên minh An ninh Trang sức đã từng phát đi cảnh báo về Doris Payne và những thủ đoạn trộm cắp của bà. Doris Payne chia sẻ, chỉ cần sử dụng thủ đoạn gây xao nhãng rất bình thường cũng đủ để lấy cắp một món trang sức quý giá và chuồn ra khỏi cửa hàng. Thủ đoạn này được Doris Payne sử dụng ngay từ khi bắt đầu bước chân vào nghề trộm cắp khi mới 20 tuổi.

Khi được hỏi về thủ đoạn trộm cắp của mình trong cuộc phỏng vấn với AP đầu năm 2016, Doris Payne chỉ nói vỏn vẹn: “Tôi là kẻ trộm cắp. Tôi không tính trước việc sẽ làm gì khi tôi bước vào một cửa hàng nào đó. Chính các nhân viên tại đó sẽ quyết định cách thức hành động của tôi.

Tôi không nói với họ rằng, tôi muốn xem món đồ nào trị giá 10.000USD mà bản thân họ sẽ quyết định giới thiệu cho tôi món đồ nào dựa vào trang phục và phong thái của tôi. Tôi không hối hận vì đã trộm cắp kim cương, tôi hối hận vì để bị bắt”.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast