Siêu xe tăng Armata của Nga vượt trội xe tăng phương Tây tới 20 năm

Xe tăng Armata có cả hệ thống phòng vệ thụ động và chủ động, được tự động hóa ở mức độ cao giúp kíp lái tập trung vào nhiệm vụ tác chiến chính.

Xe tăng Armanta T-14 trang bị toàn những hệ thống siêu hiện đại, với một tháp pháo được điều khiển từ xa, và bộ giáp ngoài có khả năng chặn đạn pháo bay tới kíp lái bên trong. Các nhà sản xuất tuyên bố chiếc xe tăng mới này của Nga đi trước bất kỳ chiếc xe tăng nào của phương Tây tới 20 năm.

Siêu xe tăng Armata của Nga vượt trội xe tăng phương Tây tới 20 năm ảnh 1
Xe tăng Armata T-14 trên Hồng trường hôm 9/9/2015 (ảnh: ITAR-TASS)

Việc sản xuất chiếc xe tăng Armata T-14 nằm trong chương trình nâng cấp quân sự của Nga trị giá 390 tỷ USD. Chiếc xe tăng này có khả năng chuyển sang trạng thái tự động hóa hoàn toàn, để trở thành chiếc xe tăng robot hoàn toàn đầu tiên trên thế giới.

Cỗ máy chiến tranh này nằm trong các xe quân sự mới mà Tổng thống Nga Putin trình làng tại lễ diễu binh mừng ngày Chiến thắng Phát xít trên Quảng trường Đỏ vào tháng 5 vừa rồi.

Đại nhảy vọt

Nói về chiếc xe tăng mới này, một cựu đại tá quân đội Nga tên là Viktor Murakhovsky cho biết, chiếc Armata là một bước đại nhảy vọt trong thiết kế quân sự của Nga.

Siêu xe tăng Armata của Nga vượt trội xe tăng phương Tây tới 20 năm ảnh 2
(ảnh: EPA)

Ông Murakhovsk, cũng là tổng biên tập của tạp chí quân sự Arsenal Otechestva, nói: “Xe Armata đắt hơn đáng kể các dòng xe hiện nay. Nhưng về chi phi hiệu quả thì nó vượt trội tất cả các xe tăng Nga khác cũng như xe tăng nước ngoài.”

Hệ thống vi tính trên xe tăng Armata thực hiện hầu hết các chức năng kỹ thuật – điều này giúp cho kíp lái xe tăng tập trung vào các nhiệm vụ chính. “Đối với kíp lái, việc này giống như chơi trò chơi điện tử vậy, họ chỉ việc thực hiện vài động tác cuối cùng và ra quyết định” – một chuyên gia khác nói.

Nick de Larrinaga, Tổng biên tập ấn phẩm châu Âu của Tuần báo Quốc phòng IHS Jane's nhất trí rằng chiếc Armata thể hiện một bước tiến của Nga về mặt công nghệ.

An toàn cho kíp lái

De Larrinaga nhận xét: “Kíp lái trên xe có nhiều cơ hội sống sót nếu xe tăng trúng bom đạn và bốc cháy. Nếu nhìn vào các thiết kế xe tăng cũ thì ta sẽ thấy các xe thế hệ cũ có xu hướng nổ tung một cách “ngoạn mục” và khi ấy kíp lái ít có cơ may sống được”.

Chiếc xe tăng Nga đời trước là T-90 được thiết kế theo hướng khó phát hiện, giáp nhẹ, và cực kỳ cơ động trên chiến trường. Nó nhẹ hơn xe tăng Arbams của Mỹ tới 20 tấn. Nhưng cũng vì nhẹ nên T-90 dễ bị đánh khuỵu nếu trúng phải đạn pháo cực mạnh.

Trong khi đó, xe Armata T-14 đời mới có gầm cao, giáp dày, đặc biệt là ở vùng gầm để bảo vệ kíp lái trước các loại mìn.

Theo chính phủ Nga, xe Armata được bảo vệ bằng một lớp lá chắn vũ khí công nghệ cao, bao gồm các thiết bị cảm ứng có thể phát hiện đạn pháo bắn tới rồi tự động thực hiện các giải pháp để gạt phăng đạn khỏi mục tiêu (tức chiếc xe tăng).

Nếu hệ thống cảm ứng này thực sự hiệu quả thì điều đó có nghĩa là người Nga đi trước thiên hạ cả một thế hệ xét về phương diện công nghệ phòng thủ chủ động cho xe tăng, bởi lẽ các hệ thống tương tự ở xe tăng Anh và Mỹ đều mới ở bước chập chững.

Siêu xe tăng Armata của Nga vượt trội xe tăng phương Tây tới 20 năm ảnh 3
Chiếc xe tăng Abrams của Mỹ (ảnh: Getty)
Siêu xe tăng Armata của Nga vượt trội xe tăng phương Tây tới 20 năm ảnh 4
Chiếc xe tăng Challenger 2 của Anh (ảnh: Reuters)

Tháp pháo của xe tăng cũng có thể vận hành bằng điều khiển từ xa thay vì kíp lái phải ngồi bên trong tháp để điều khiển. Điều này nâng cao cơ hội sống sót cho kíp lái trong trường hợp xe tăng trúng phải bom đạn của đối phương. Kíp lái Armata ngồi trong một khoang riêng có bọc thép, khoang này cũng nằm tách biệt với kho đạn của xe tăng.

Nếu lớp giáp phía ngoài của xe tăng bị trúng đạn pháo, theo thiết kế nó sẽ nổ văng ra ngoài, và do vậy có khả năng phá hủy các quả đạn pháo bắn tới xe tăng và ngăn ngừa các quả đạn hạng nặng xuyên sâu vào xe tăng và giết chết kíp lái.

Các nhà thiết kế Armata T-14 cũng tự hào cho biết vũ khí chính của xe tăng này là một khẩu pháo nòng trơn cỡ 125mm, có khả năng bắn xa hơn xe tăng Challenger 2 của Anh tới 6,5km. Không những vậy, khẩu 125mm này có thể thay thế được bằng khẩu nòng 154mm có uy lực mạnh hơn rất nhiều.

Nâng cấp kho vũ khí

Chiếc xe tăng ra đời từ nỗ lực của Tổng thống Putin rót thêm tiền vào lĩnh vực quốc phòng. Ngân sách quốc phòng của Nga đã tăng 33% lên mức gần 60 tỷ USD, trong khi nước Anh lại đang xem xét cắt giảm ngân sách quốc phòng xuống mức dưới 2% GDP.

Siêu xe tăng Armata của Nga vượt trội xe tăng phương Tây tới 20 năm ảnh 5
Xe tăng Armata T-14 có nhiều tính năng ưu việt, với tháp pháo điều khiển từ xa và nóng pháo có thể nâng cấp lên cỡ 154mm đầy uy lực (ảnh: EPA)
Siêu xe tăng Armata của Nga vượt trội xe tăng phương Tây tới 20 năm ảnh 6
Ảnh Reuters

Chương trình nâng cấp vũ khí của Nga đặt mục tiêu chế tạo 2.300 chiếc xe tăng mới, hàng trăm máy bay và tên lửa, và hàng chục tàu hải quân.

Tuy nhiên thời gian qua, chương trình hiện đại hóa vũ khí của ông Putin gặp một số trở ngại do giá dầu giảm và các nước phương Tây thi nhau trừng phạt kinh tế Nga.

Theo nhà báo Nick de Larrinaga, người Nga vẫn phải phụ thuộc vào các hệ thống phụ do phương Tây sản xuất, chẳng hạn như hệ thống quang điện tử, con chip vi tính, và những thứ tương tự mà Nga không sản xuất. “Làm thế nào để thay thế các hệ thống này khi cũ hỏng là một thách thức lớn đối với người Nga”.

Mối quan hệ căng thẳng với Ukraine giáng thêm một đòn nữa vào chương trình nâng cấp vũ khí của Nga. Các nhà máy của Ukraine từng xuất khẩu rất nhiều vũ khí và linh kiện sang Nga. Các quan chức Nga thừa nhận sẽ phải mất nhiều năm và nguồn lực lớn để tiến hành quy trình sản xuất những thứ như vậy ở trong nước.

Nhưng dù sao hồi tháng 5 vừa rồi người Nga vẫn rất tự hào về chiếc Armata T-14 diễu hành trên Hồng trường ở thủ đô Moscow, nó đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh quân sự của cường quốc Nga mới trỗi dậy trở lại.

Phó Thủ tướng Nga Rogozin - phụ trách công tác hiện đại hóa vũ khí, đã tuyên bố trên truyền hình “Xe tăng không cần đến visa”, ám chỉ đến việc phương Tây cấm một số quan chức Nga nhập cảnh vào một số nước..

Giá của chiếc Armata chưa được công bố, nhưng một số nhà quan sát cho rằng chiếc xe tăng mới có thể đắt ngang với một chiếc máy bay phản lực.

Kỹ sư trưởng thiết kế chiếc xe tăng này, ông Andrei Terlikov, 52 tuổi, cho biết giá chiếc Armata sẽ giảm đáng kể nếu được đưa vào sản xuất đại trà.

Trả lời phỏng vấn tại văn phòng riêng ở nhà máy UralVagonZavod nằm trong dãy núi Ural, kỹ sư Terlikov coi Armata là “bước tiến có tính quyết định sang dòng xe tăng không người lái hiện đại hơn, bao gồm cả những xe có thể hoạt động hoàn toàn tự động khi tác chiến”.

Theo Terlikov, xe Armata chỉ sử dụng các linh kiện sản xuất trong nước. Ông nói: “Ngay từ đầu, chúng ta đã đặt mục tiêu dựa vào các nguồn lực trong nước”.

Tóm tắt các nét chính của xe tăng Armata T-14:

Tháp pháo điều khiển từ xa

Xe Armata khác biệt hẳn nhờ có tháp pháo điều khiển từ xa và khoang riêng dành cho kíp lái – khoang này cách ly với đạn pháo và nhiên liệu. Thiết kế như vậy làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong cho kíp lái trong trường hợp xe tăng trúng đạn.

Siêu xe tăng Armata của Nga vượt trội xe tăng phương Tây tới 20 năm ảnh 7
Chiếc xe tăng Armata T-14 giá có thể ngang với một phi cơ phản lực (ảnh: DM)

Các xe tăng Nga đời trước có hình dáng nhỏ gọn (để cơ động và khó bị phát hiện). Điều này kéo theo sự bất tiện cho kíp lái khi phải ngồi trong một không gian rất hẹp. Trong khi đó xe Armata to và nặng hơn hẳn. Các nhà thiết kế nhấn mạnh đặc biệt đến mức độ thoải mái và thuận tiện cho kíp lái, nhờ đó ngay cả những người cao lớn cũng có thể cảm thấy dễ chịu hơn nhiều khi ngồi trong xe. Một nhà thiết kế cho biết chiếc xe tăng mới có thể dễ dàng điều khiển như một chiếc ô tô SUV.

Tự động hóa bằng vi tính

Xe Armata có hệ thống kỹ thuật số kiểm soát việc di chuyển của xe, dò tìm mục tiêu và kích hoạt hệ thống phòng thủ của xe tăng. Nhờ đó kíp lái được “giải thoát” khỏi các nhiệm vụ có tính chất lặp lại để có thể tập trung vào các nhiệm chiến đấu chính.

Ilya Demchenko, một trong các nhà thiết kế xe tăng Armata, ví hoạt động của kíp lái khi ấy giống như là chơi game.

Andrei Terlikov, kỹ sư thiết kế chính, cho biết các công nghệ mới được áp dụng cho Armata mở ra triển vọng chế tạo một chiếc xe chiến hoàn toàn là robot, có khả năng tác chiến hoàn toàn tự động trên chiến trường.

Thiết kế theo kiểu module

Xe tăng mới nằm trong nhóm các xe thiết giáp thế hệ mới được đặt trên một kiểu khung thống nhất sử dụng các module có thể thay thế được. Điều này giúp hạ chi phí sản xuất và tạo không gian để phát triển xe sau này.

Dòng xe Armata bao gồm một chiếc xe thiết giáp chở quân hạng nặng – xe này có mức độ bảo vệ tương tự như phiên bản xe tăng.

Tính năng bảo vệ vượt trội

Xe Armata sử dụng một loại giáp mới mà theo nhà thiết kế, nó có khả năng chống chọi hiệu quả trước hỏa lực đối phương. Bên ngoài lớp này có một lớp giáp phòng thủ thụ động - lớp này sẽ nổ khi có tác động chạm mạnh nhằm ngăn viên đạn pháo bắn tới xuyên vào lớp giáp chính.

Bên cạnh đó, xe Armata được trang bị một hệ thống phòng thủ chủ động, tạo ra một đường viền bảo vệ xung quanh xe. Khi hệ thống này phát hiện có đạn pháo của đối phương bắn tới, nó sẽ phóng ra các viên đạn để phá hủy đạn pháo đối phương hoặc làm cho đạn pháo đi trệch hướng.

Siêu đại bác

Phiên bản Armata hiện tại được trang bị pháo cỡ nòng tiêu chuẩn 125mm tương tự như ở các xe tăng khác. Pháo này bắn được cả đạn pháo thông thường lẫn tên lửa.

Các nhà thiết kế cho biết trong tương lai có thể dễ dàng lắp đặt một khẩu 152mm đầy uy lực thay thế cho khẩu 125mm./.

Theo VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast