Thế giới ngày qua: Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bị khai trừ Đảng, tước mọi chức vụ

(Baohatinh.vn) - Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bị khai trừ Đảng, tước mọi chức vụ; Hạ viện Anh chống mọi kiến nghị về Brexit... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 27/3 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới ngày qua: Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bị khai trừ Đảng, tước mọi chức vụ

Ông Mạnh Hoành Vĩ. (Ảnh: AP)

Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bị khai trừ Đảng, tước mọi chức vụ: Tin tức đăng trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Giám sát Quốc gia thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) ngày 27/3 cho biết, theo kết quả điều tra, ông Mạnh Hoành Vĩ - cựu chủ tịch Interpol, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc mắc hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng như không có nguyên tắc tính Đảng, chống đối tổ chức, không chấp hành quyết định của Trung ương Đảng; tùy tiện sử dụng tài sản quốc gia phục vụ cuộc sống gia đình xa hoa; nhận quà biếu phi pháp....

Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc (CCDI) kết luận, ông Mạnh Hoành Vĩ đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị của đảng, cấu thành tội lợi dụng chức vụ vi phạm pháp luật và có biểu hiện nhận hối lộ.

Tuy nhiên, sau Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu dừng lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của đảng và tổn hại lợi ích quốc gia, tạo nên ảnh hưởng xấu..., cơ quan này ra quyết định khai trừ đảng với ông Mạnh Hoành Vĩ, đồng thời tước bỏ mọi chức vụ, tịch thu toàn bộ tài sản phi pháp và chuyển hồ sơ cho cơ quan tư pháp điều tra.

Thế giới ngày qua: Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bị khai trừ Đảng, tước mọi chức vụ

Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: CNN)

Hạ viện Anh chống mọi kiến nghị về Brexit: Trong ngày 27/3, các nghị sĩ Anh đã tiến hành hàng loạt các phiên tham vấn để rút gọn 16 kiến nghị đưa ra trước đó xuống còn 8 kiến nghị để tiến hành bỏ phiếu chỉ thị về Brexit.

Kết quả, sau các phiên bỏ phiếu vào tối muộn ngày 27/3 theo giờ London, toàn bộ 8 kiến nghị được các nghị sĩ Anh đưa ra đều bị đa số nghị sị bác bỏ, trong đó có cả kiến nghị của Công đảng đối lập Anh về việc thiết lập Liên minh hải quan và một quan hệ kinh tế chặt chẽ với EU. Ngoài ra, các kiến nghị về việc rời EU mà không có thoả thuận hay huỷ bỏ Brexit đều nhận chịu thất bại với số phiếu cách biệt lớn.

Kết quả này cho thấy, bất chấp việc đã giành quyền điều khiển tiến trình Brexit từ tay chính phủ Anh trong ngày 27/3, Hạ viện Anh vẫn không thể thành công trong việc tìm ra một phương án nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ, nhằm thay thế cho bản thoả thuận Brexit mà chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May đã đạt được với EU vào cuối tháng 11/2018.

Thế giới ngày qua: Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bị khai trừ Đảng, tước mọi chức vụ

Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: USA Today)

Hạ viện Mỹ thất bại trong việc đảo ngược quyền phủ quyết của ông Trump: Hạ viện Mỹ ngày 26/3 đã không thể đảo ngược quyền phủ quyết mà Tổng thống Donald Trump sử dụng lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.

Đây là cuộc bỏ phiếu lần thứ hai tại Hạ viện do đảng Dân chủ đứng đầu nhằm tìm cách chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới phía Nam của Tổng thống Donald Trump.

Có 248 Hạ nghị sỹ bỏ phiếu thuận, 181 Hạ nghị sỹ bỏ biếu chống và điều đó đồng nghĩa với việc không đạt đủ hai phần ba phiếu thuận cần thiết để có thể đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump. Đa số các Hạ nghị sỹ Cộng hòa đã đứng về phía ông Donald Trump, nhưng cũng có 14 nghị sỹ Cộng hòa chia tách khỏi hàng ngũ và khiển trách tuyên bố tình trạng khẩn cấp của tổng thống trong cuộc bỏ phiếu lần thứ hai này.

Theo giới quan sát, kết quả cuộc bỏ phiếu lần này không phải là một bất ngờ, nó sẽ cho phép Tổng thống Donald Trump thúc đẩy thực hiện lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 và trong hơn hai năm cầm quyền vừa qua. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu cũng đã mang đến cho các nghị sỹ Dân chủ một đường hướng cần tập trung vào những khác biệt chính sách đối với ông chủ Nhà Trắng, nhất là sau khi báo cáo tóm tắt của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller kết luận ông Donald Trump và nhóm vận động tranh cử đã không cấu kết với Nga để làm sai lệch kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Thế giới ngày qua: Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bị khai trừ Đảng, tước mọi chức vụ

Toàn cảnh phiên họp Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, miền Đông nước Pháp ngày 12/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

7 quốc gia EU bị liệt vào danh sách đen "thiên đường thuế": Ủy ban chuyên trách về chống trốn thuế của Nghị viện châu Âu (EP) vừa ra báo cáo mới nhất cho thấy có tới 7 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) bị liệt vào danh sách “thiên đường thuế.” Các quốc gia này gồm Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Cyprus, Hungary, Ireland và Malta.

Bên cạnh việc yêu cầu các nước nêu trên phải có biện pháp ngặn chặn hoạt động trốn thuế, báo cáo cũng yêu cầu loại bỏ các thị thực “vàng” (tình trạng mua bán thị thực nhập cảnh vào châu Âu với giá cao). Tất cả các đề đề xuất trên đã được EP thông qua tại phiên họp toàn thể vào ngày 26/3, với 505 phiếu thuận, 63 phiếu chống và 87 phiếu trắng.

Trước đó ngày 12/3, EU đã nhất trí bổ sung 10 cái tên mới vào danh sách các "thiên đường thuế", trong đó có các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một số vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh và Hà Lan.

Thế giới ngày qua: Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bị khai trừ Đảng, tước mọi chức vụ

Tượng lính Israel tại một bốt quân đội ngày 25/3, ở vùng Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng. (Ảnh: AFP)

EU không công nhận Cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ của Israel: Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/3 nêu rõ các nước thành viên EU sẽ không theo Mỹ công nhận Cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ của Israel.

Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, bà Federica Mogherini đưa ra tuyên bố trên trước thềm cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về vấn đề Cao nguyên Golan sau khi Mỹ công nhận chủ quyền Israel đối với vùng đất này.

Tuyên bố có đoạn: "Quan điểm của EU liên quan quy chế của Cao nguyên Golan không thay đổi... Thể theo luật pháp quốc tế và các nghị quyết 242 và 497 của HĐBA LHQ, EU sẽ không công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan bị chiếm đóng".

Ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Quyết định của Tổng thống Mỹ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast