Thế giới ngày qua: Mỹ gia tăng sức ép đối với Mexico trong vấn đề người di cư

(Baohatinh.vn) - Mỹ gia tăng sức ép đối với Mexico trong vấn đề người di cư; Thổ Nhĩ Kỳ bác tin Nga hoãn chuyển giao hệ thống tên lửa S-400... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 31/5 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới ngày qua: Mỹ gia tăng sức ép đối với Mexico trong vấn đề người di cư

Tổng thống Mỹ Donald Trump thị sát khu vực biên giới với Mexico đầu tháng 4/2019. (Ảnh: Washington Post)

Mỹ gia tăng sức ép đối với Mexico trong vấn đề người di cư: Sau tuyên bố sẽ áp mức thuế 5% đối với tất cả hàng hóa Mexico nhập khẩu từ ngày 10/6 tới, cảnh báo mức thuế sẽ tăng dần cho tới khi vấn đề nhập cư bất hợp pháp được giải quyết; Tổng thống Mỹ - Donald Trump ngày 31/5 tiếp tục hối thúc Mexico phải hành động nhiều hơn nữa.

Đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mưxico đã kiếm lợi từ Mỹ trong nhiều thập kỷ qua và đã đến lúc Mexico “làm những điều cần phải làm”.

Phản ứng trước “tối hậu thư” trong vấn đề người di cư từ Mỹ, Tổng thống Mexico - Andrés Manuel López Obrador cho biết, Chính phủ nước này sẽ hành động một cách thận trọng.

“Tôi muốn khẳng định rằng, Mexico sẽ không bị vướng vào bất kỳ hành động khiêu khích nào. Chúng tôi sẽ hành động thận trọng, tôn trọng đối với chính quyền Mỹ liên quan tới thông báo của Tổng thống Trump” - Tổng thống Andrés Manuel López Obrador nhấn mạnh.

Thế giới ngày qua: Mỹ gia tăng sức ép đối với Mexico trong vấn đề người di cư

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. (Ảnh: PressTV)

Thổ Nhĩ Kỳ bác tin Nga hoãn chuyển giao hệ thống tên lửa S-400: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy ngày 31/5 cho biết lịch trình chuyển giao Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch, bác bỏ thông tin về khả năng bị trì hoãn.

Trong một tuyên bố, ông Aksoy nhấn mạnh: "Các thông tin của nhiều hãng truyền thông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ xem xét hoãn mua S-400 theo yêu cầu của Mỹ không phản ánh đúng sự thật."

Trước đó, ngày 28/5, truyền thông khu vực đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết việc chuyển giao hệ thống S-400 của Nga cho Ankara "có thể bị trì hoãn đến sau tháng 6."

Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ mua các tên lửa phòng không S-400 của Nga là nguyên nhân khiến quan hệ của nước này với Mỹ trở nên căng thẳng. Washington đã nhiều lần cảnh báo việc Ankara tích hợp công nghệ tên lửa của Nga cùng các máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ gây ra mối đe dọa cho F-35 và "nguy hiểm" cho nền quốc phòng phương Tây, đồng thời cảnh báo Ankara có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt liên quan tới vấn đề này.

Thế giới ngày qua: Mỹ gia tăng sức ép đối với Mexico trong vấn đề người di cư

Nghị sỹ Mark Harper. (Ảnh: Gloucester)

Danh sách ứng cử viên chạy đua chức Thủ tướng Anh tăng lên 12: Báo Daily Telegraph ngày 31/5 đưa tin nghị sĩ Mark Harper trở thành nghị sĩ thứ 12 của đảng Bảo thủ bước vào cuộc đua thay thế Thủ tướng Anh Theresa May.

Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson là nhân vật nhiều khả năng nhất giành ghế Thủ tướng và được các thành viên cấp thấp trong đảng Bảo thủ ưa thích. Tuy nhiên, họ sẽ chỉ bỏ phiếu sau khi các nghị sĩ đảng Bảo thủ loại dần danh sách - hiện là 12 người, xuống còn 2 người, và nhiều người đang phản đối ông Johnson do lập trưởng ủng hộ Brexit và tính cách hay mắc sai lầm của ông.

Các ứng cử viên còn lại có Thứ trưởng Brexit James Cleverly. Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, cựu lãnh đạo phe Bảo thủ tại Hạ viện Anh Andrea Leadsom, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Rory Stewart và cựu Bộ trưởng Việc làm và Trợ cấp Esther McVey...

Hôm 24/5 vừa qua, thủ lĩnh hàng đầu của đảng Bảo thủ Brandon Lewis thông báo nước này sẽ bổ nhiệm người kế nhiệm bà May giữ chức lãnh đạo đảng này và Thủ tướng Anh trước khi Quốc hội bước vào kỳ nghỉ Hè - được ấn định vào ngày 20/7 tới.

Thế giới ngày qua: Mỹ gia tăng sức ép đối với Mexico trong vấn đề người di cư

Các container rác thải của Canada tại cảng Subic của Philippines. (Ảnh: CBC/TTXVN)

Tàu Philippines chở 69 container rác thải đưa trở lại Canada: Ngày 31/5, một tàu chở hàng của Philippines đã rời Vịnh Subic - một căn cứ hải quân cũ của Mỹ và hiện là cảng trung chuyển hàng hóa phía Tây Bắc thủ đô Manila, bắt đầu hành trình đưa 69 container chứa rác thải về lại Canada.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna đã hoan nghênh động thái trên, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Philippines.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cũng bày tỏ vui mừng khi con tàu này rời cảng, đưa rác thải trở lại Canada.

Trong hai năm 2013 và 2014, một công ty của Canada đã chuyển tới Philippines 103 container rác điện tử và rác sinh hoạt. 34 trong số những container trên đã được tiêu hủy tại Philippines, bất chấp sự phản đối của nhiều quan chức địa phương và các tổ chức môi trường.

Phía Canada đã nhiều lần khẳng định với Chính phủ Philippines sẽ nhanh chóng vận chuyển và xử lý các container rác này. Tuy nhiên, sau thời hạn chót (ngày 15/5) mà Philippines yêu cầu Canada phải thu nhận lại toàn bộ số rác thải đã chuyển tới nước này, Manila đã triệu hồi Đại sứ và Tổng lãnh sự Philippines tại Canada, đẩy mối quan hệ giữa 2 nước vào tình trạng căng thẳng.

Thế giới ngày qua: Mỹ gia tăng sức ép đối với Mexico trong vấn đề người di cư

Quần đảo tranh chấp được Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, Moskva gọi là Nam Kuril. (Ảnh: TASS)

Nhật Bản và Nga thảo luận về hợp tác kinh tế tại chuỗi đảo gây tranh chấp: Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ngày 31/5 đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại thủ đô Tokyo, trong đó hai bên đã thảo luận về kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế tại chuỗi đảo mà Tokyo gọi là Vùng Lãnh thổ phương Bắc hiện do Moskva kiểm soát với tên gọi Nam Kuril.

Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang hy vọng đạt được những tiến triển trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp tại chuỗi đảo trên trước cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng tới.

Trước đó, Thủ tướng Abe đã đặt mục tiêu lấy lại 2 hòn đảo trong số 4 hòn đảo đang tranh chấp, tuy nhiên ông đã không hoàn thành được mục tiêu này do lập trường cứng rắn của Nga. Hiện người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách trì hoãn vấn đề giải quyết tranh chấp trên và thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế với Nga tại khu vực này nhằm xây dựng lòng tin giữa 2 nước.

Vụ tranh chấp này đã gây căng thẳng cho quan hệ song phương trong suốt 7 thập niên qua. Gần đây, hai nước đều thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, song chưa đạt được nhận thức chung do lập trường còn khác biệt.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast