Trung Quốc hoãn kế hoạch áp thuế đối với một số hàng hóa của Mỹ

Theo thông tin đăng tải trên trang web của các cơ quan Chính phủ Trung Quốc, trong đó có Bộ Tài chính, cũng như các phương tiện truyền thông Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Ủy ban Thuế quan Trung Quốc ngày 15/12 thông báo đã quyết định hoãn kế hoạch áp thuế bổ sung đối với một số hàng hóa Mỹ mà nước này trước đó dự định thực hiện vào ngày 15/12.

Trung Quốc hoãn kế hoạch áp thuế đối với một số hàng hóa của Mỹ

Các container hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nguồn tin trên, Trung Quốc hy vọng sẽ cùng làm việc với Mỹ trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau để giải quyết một cách hợp lý những quan ngại cối lõi của nhau và thúc đẩy sự phát triển bền vững mối quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - Trung.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 14/12 cho rằng thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một” mà Mỹ và Trung Quốc đạt được ngày 13/12 là một thông tin tích cực đối với cả hai nước và phần còn lại của thế giới.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung tại Ljubljana với Phó Thủ tướng Slovenia Miro Cerar, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc luôn phản đối việc giải quyết các tranh chấp thương mại và kinh tế bằng biện pháp thuế quan bởi sẽ không có ai chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại. Theo ông Vương Nghị, Trung Quốc luôn luôn phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Đánh giá về thỏa thuận thương mại một phần giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chuyên gia Jason Draho của UBS Global Wealth Management cho rằng thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một” mà Mỹ và Trung Quốc đạt được ngày 13/12 sẽ có tác động tích cực tới niềm tin của giới doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Draho, một điểm tích cực khác là thỏa thuận trên, bao gồm các vấn đề về tài sản trí tuệ, tiếp cận thị trường, tiền tệ và dịch vụ tài chính, không chỉ đơn thuần là dỡ bỏ thuế quan hay việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ.

Chuyên gia này nhận định tác động quan trọng nhất của thỏa thuận sẽ là sự cải thiện được chờ đợi về niềm tin của doanh nghiệp. Bất ổn gia tăng do xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp trì hoãn các kế hoạch đầu tư kể từ năm 2018 đến nay.

Theo ông Draho, nếu thỏa thuận được coi là “mở đường” cho việc chấm dứt tình trạng leo thang thương chiến, các doanh nghiệp của Mỹ, Trung Quốc và các nước khác ở châu Á sẽ khôi phục đầu tư vào các dự án đang bị đình trệ. Sự cải thiện mới đây trong các lĩnh vực chế tạo và thương mại ở một số nơi trên thế giới có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2020 và mức tăng trưởng chung của thế giới có thể “nhích nhẹ”.

Cùng ngày, tạp chí “Wall Street” có bài viết cho rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ - Trung vừa đạt được là “tin tức kinh tế đáng mong đợi”. Theo bài báo, thỏa thuận này về cơ bản nhằm ngăn chặn những thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt thuế của Mỹ và thậm chí có thể đem lại một số tiến triển đối với một số vấn đề tồn tại lâu nay như đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Mặc dù thỏa thuận giai đoạn 1 không phải là nhằm bắt đầu giải quyết tất cả các vấn đề thương mại của hai bên, nhưng là bước tránh một cuộc chiến thương mại “khốc liệt” có thể gây thiệt hại cho cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Không có 'tuần trăng mật'

Không có 'tuần trăng mật'

Nội các mới của nữ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã chính thức được Nhà vua Thái Lan phê chuẩn, mở đường cho vị thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử “đất nước Chùa Vàng” bắt tay vào thực thi trọng trách của mình với cả thuận lợi cùng vô vàn thách thức đan xen, như chính bà Paetongtarn thừa nhận rằng Chính phủ mới sẽ không có “tuần trăng mật”.