WHO vạch hai kịch bản Covid-19 tương lai

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, tiến sĩ Takeshi Kasai, đưa ra hai kịch bản Covid-19 trong tương lai: sống chung với virus hoặc viễn cảnh "ai cũng muốn tránh".

Trong buổi họp trực tuyến sáng 25/8, tiến sĩ Kasai nhấn mạnh mối nguy hiểm của chủng Delta. Với khả năng lây nhiễm cao, biến thể nhanh chóng dẫn đến các đợt bùng phát lớn hơn, đặc biệt trong không gian kín, nơi đông người và tiếp xúc gần gũi. Các cụm dịch gia đình trở nên phổ biến.

WHO vạch hai kịch bản Covid-19 tương lai

Tiến sĩ Takeshi Kasai, giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương. Ảnh: WHO

Nhiều nước trong khu vực triển khai các biện pháp mạnh mẽ và nhanh chóng, như phong tỏa, để ngăn ngừa Covid-19 lây lan, tránh tạo áp lực lên hệ thống y tế.

“Các quốc gia cần tiếp tục nỗ lực kiểm soát virus bằng mọi cách, cẩn thận đánh giá và xử lý rủi ro trong từng bối cảnh. Các nước chưa có hoặc ít ca nhiễm cũng cần cảnh giác”, tiến sĩ Kasai nói.

Ông nhận định virus sẽ không biến mất trong tương lai gần, dù các nước áp dụng biện pháp mạnh mẽ nhất. WHO đưa ra một số kịch bản Covid-19 trong tương lai.

Kịch bản đầu tiên là sống chung với virus, nếu bối cảnh cho phép.

“Chúng ta giảm thiểu rủi ro bằng cách triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng và những cách phòng ngừa khác, đồng thời ứng phó với các đợt bùng phát bằng biện pháp ngắn hạn, có mục tiêu”, ông Kasai nói.

Điều này không đồng nghĩa với từ bỏ chống dịch. Thay vào đó, các nước xử lý Covid-19 như cúm mùa và những mầm bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine khác. Chính phủ tập trung hạn chế lây lan, bảo vệ những người dễ tổn thương, giảm thiểu tác động về sức khỏe và xã hội của các đợt bùng phát.

Singapore mới đây đã kiểm soát được Covid-19 bằng truy vết, xét nghiệm, kết hợp tiêm chủng nhanh chóng để đạt miễn dịch cộng đồng. Quốc gia Đông Nam Á này là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất khu vực. Đến nay, 74% dân số, tương đương hơn 4,3 triệu người đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19. Chính phủ Singapore nhận định khi đủ lượng người tiêm chủng vaccine, Covid-19 sẽ được kiểm soát giống các bệnh tái phát thông thường như cúm mùa hay tay, chân, miệng.

Kịch bản thứ hai là khi biến thể nguy hiểm hơn phát triển - các biến thể lây lan nhanh hoặc gây triệu chứng nặng, làm giảm hiệu quả vaccine. Ông Kasai gọi đây là viễn cảnh mà “tất cả chúng ta đều muốn tránh nếu có thể”. Cách đối phó hiệu quả nhất là nỗ lực hạn chế virus lây truyền ngay lúc này. Giống với những mầm bệnh khác, càng nhiều ca nhiễm, virus càng phát triển mạnh, ông nhận định.

Tiến sĩ Kasai cho rằng “diễn biến dịch bệnh tương lai phụ thuộc và hành động của mỗi cá nhân, tập thể trong những tuần và tháng tới”.

Theo WHO, trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh mẽ, phát hiện sớm các ca nhiễm cộng đồng, thực hiện biện pháp y tế công cộng là chìa khóa để ngăn chặn và giảm thiểu tác động của đại dịch. WHO chỉ rõ tầm quan trọng của chương trình tiêm chủng, đặc biệt là với nhóm dân số nguy cơ cao nhiễm nCoV.

Mỗi cá nhân nên tiếp tục đeo khẩu trang, tránh không gian kín, nơi đông người và tiếp xúc gần, đồng thời cần tiêm phòng ngay khi đến lượt. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần nghiêm túc quản lý và giảm thiểu rủi ro phát sinh cụm dịch tại nơi làm việc. Hệ thống y tế nên chuẩn bị tinh thần cho những đợt bùng phát đột biến, duy trì dịch vụ cứu sinh thiết yếu.

Với Việt Nam, WHO đánh giá cao nỗ lực mở rộng nguồn cung vaccine Covid-19 và củng cố năng lực sản xuất vaccine trong nước. Giống nhiều quốc gia, WHO nhận định Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine. Tuy nhiên, chính phủ nhanh chóng bổ sung nguồn cung cần thiết, phân phối cho người dân ngay khi vaccine có mặt. Việt Nam cũng cố gắng củng cố năng lực sản xuất nội địa.

Trước đó, vào chiều 24/8, tại cuộc họp với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, cho biết Việt Nam đã nhận được 23 triệu liều vaccine. Số vaccine này đến từ cơ chế Covax; hỗ trợ của các nước; hợp đồng đã ký kết.

Chiều 21/7, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) và Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm Số 1 (Vabiotech) công bố sản xuất thử nghiệm lô vaccine Sputnik V đầu tiên. Đến 27/7, Vabiotech cùng Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) tiếp tục công bố thỏa thuận chuyển giao công nghệ vaccine với Công ty Shionogi Nhật Bản.

Theo Thục Linh/VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast