Yêu cầu điều tra FBI, Tổng thống Trump gây sức ép với Bộ Tư pháp Mỹ

Tổng thống Mỹ Trump đã yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ điều tra khả năng FBI đã bí mật xâm nhập và theo dõi chiến dịch tranh cử của ông trước đây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/5 cho hay ông sẽ yêu cầu Bộ Tư pháp nước này mở một cuộc điều tra về việc liệu Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) có bí mật xâm nhập và theo dõi chiến dịch tranh cử tổng thống của ông hay không.

FBI là một cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ.

yeu cau dieu tra fbi tong thong trump gay suc ep voi bo tu phap my

Tổng thống Trump đang muốn Bộ Tư pháp Mỹ điều tra chính cơ quan FBI của họ. Ảnh: PostTruth.

Đoạn Tweet của ông Trump cũng nêu rằng ông muốn điều tra xem liệu người của chính quyền Obama tiền nhiệm có đưa ra lệnh theo dõi như vậy hay không.

Sức ép mới của ông Trump được tung ra trong bối cảnh Nhà Trắng có chiến lược đối phó với mối đe dọa từ cuộc điều tra (đang diễn ra) của cố vấn đặc biệt Robert Mueller về mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Phe Tổng thống đang nắm thế chủ động?

Luật sư của Tổng thống Trump, Rudy Giuliani, cho hay, ông Mueller gần đây có chia sẻ một thời gian biểu cho thấy cuộc điều tra có thể kết thúc vào tháng 9 nếu ông Trump chịu ngồi trả lời chất vấn trong tháng 7.

Ông Giuliani hào hứng với thời điểm tháng 9 nói trên. Ông cho biết mình không muốn chứng kiến sự lặp lại của những gì từng xảy ra vào năm 2016, khi Giám đốc FBI James Comey công bố vào những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống rằng ông ta sẽ mở lại vụ điều tra về scandal bà Hillary Clinton sử dụng một máy chủ thư điện tử tư nhân – động thái được phe Dân chủ cho là đã tước đi cơ hội thành công của bà Clinton trong bầu cử.

Tổng thống Trump đã công khai nói rằng ông sẽ ngồi trả lời phỏng vấn của cố vấn Muller, nhưng luật sư Giuliani nói rằng quyết định cuối về điều này chưa được đưa ra chừng nào chưa diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore vào ngày 12/6 tới. Theo Giuliani, cơ hội xảy ra phỏng vấn chỉ là 50/50.

Hiện chưa rõ liệu ông Trump có thể thỏa mãn với yêu cầu mới này hay chưa và liệu yêu cầu đó của ông có thể gây ra một cuộc đối đầu nữa với đương kim Giám đốc FBI Christopher Wray hay Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein, người đang giám sát cuộc điều tra do ông Mueller chỉ huy.

Hôm 20/5, ông Rosenstein ra thông cáo tuyên bố như sau: “Nếu bất cứ ai xâm nhập hoặc theo dõi những người tham gia một chiến dịch tranh cử tổng thống nào đó vì các mục đích không phù hợp thì chúng tôi cần biết điều đó và có hành động thích hợp”.

Cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu hồi tháng 3 theo yêu cầu của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và các nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa. Ông Sessions và các nghị sĩ đã hối thúc Tổng thanh tra Michael Horowitz xem xét liệu các quan chức FBI và Bộ Tư pháp đã lạm dụng quyền theo dõi khi sử dụng các thông tin được tập hợp bởi Christopher Steele – một cựu điệp viên Anh.

Horowitz cho biết văn phòng bên ông sẽ xem xét các tuyên bố đó cũng như liên lạc giữa Steele với các quan chức của Bộ Tư pháp và FBI.

Phản ứng của giới quan sát

Hạ nghị sĩ Adam Schiff của bang California đã gọi tuyên bố của ông Trump về một gián điệp cài cắm là chuyện “vớ vẩn”.

Trên Twitter, ông Schiff tuyên bố: “Việc ông ta yêu cầu Bộ Tư pháp điều tra điều mà họ biết là không đúng là một sự lạm dụng quyền lực và một nỗ lực đánh lạc hướng trước các vấn đề pháp lý ngày càng lớn của ông ta”.

Yêu cầu điều tra mà Tổng thống Trump đưa ra cũng khiến nhiều nhà quan sát cảm thấy lo ngại. Những người này cho rằng yêu cầu đó không chỉ vi phạm các nghi thức liên quan đến tổng thống mà còn có tác động xấu lên việc thực thi pháp luật liên bang và hoạt động sử dụng “cơ sở mật” của FBI.

Thế nhưng luật sư Giuliani vẫn bảo vệ quyết định của Tổng thống Trump. Ông này tuyên bố: Nếu FBI cài người vào chiến dịch tranh cử của ông Trump thì điều đó cũng bê bối chẳng kém vụ Watergate tai tiếng năm xưa.

Giuliani cho biết thông tin về vụ này cuối cùng sẽ được công khai và thông báo cho Quốc hội.

Ủy ban Tình báo Hạ viện khép lại cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ vào tháng trước và nói rằng không tìm thấy bằng chứng cấu kết mà ông Mueller đang điều tra.

Hôm 20/5 không phải là lần đầu tiên ông Trump tố người tiền nhiệm Obama có hành vi mang động cơ chính trị chống lại ông.

Hồi tháng 3/2017, ông Trump đã đăng đoạn Tweet nói rằng cựu Tổng thống Obama vào tháng 10/2016 đã chỉ đạo theo dõi Tháp Trump – tòa nhà chọc trời nơi ông Trump điều hành chiến dịch tranh cử của mình. Giám đốc FBI Comey sau đó xác nhận với Quốc hội Mỹ rằng không có thông tin chứng minh tuyên bố của ông Trump qua Twitter. Và sau đó Tổng thống Trump sa thải ông Comey.

Theo AP/VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast